Tiếng Việt | English

11/07/2019 - 11:07

Dự án VnSAT: Nâng cao mức độ áp dụng quy trình "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm"

Thời gian qua, quy trình kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” (3G3T) và “1 phải, 5 giảm” (1P5G) mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho nông dân trồng lúa ở tỉnh Long An. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ nông dân chưa áp dụng hoặc áp dụng chưa triệt để, chưa đúng cách nên hiệu quả chưa cao. Những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao mức độ áp dụng các quy trình kỹ thuật 3G3T, 1P5G của nông dân là rất cần thiết ngay lúc này.

Nông dân tham quan điểm trình diễn "1 phải, 5 giảm". Ảnh: BQl Dự án VnSAT Long An

Nông dân tham quan điểm trình diễn "1 phải, 5 giảm". Ảnh: BQl Dự án VnSAT Long An

Những kết quả đã đạt

Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (gọi tắt là Dự án VnSAT) được triển khai tại Long An từ năm 2015 đến 2020. Qua hơn 3 năm thực hiện, dự án tạo ra những bước chuyển biến mới cho ngành nông nghiệp tại địa phương, rất nhiều quy trình kỹ thuật được áp dụng cho nông dân mang lại hiệu quả cao, nổi bật là quy trình kỹ thuật 3G3T và 1P5G với mục tiêu thay đổi tập quán canh tác truyền thống, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.

Anh Võ Minh Quang - thành viên hợp tác xã Gò Gòn, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, phấn khởi cho biết: “Từ khi tham gia Dự án VnSAT, nông dân được cán bộ kỹ thuật tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật 3G3T, 1P5G, học hỏi rất nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến. Hơn nữa, nhờ có các buổi tập huấn mà tôi mạnh dạn hơn trong việc giảm giống gieo sạ, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhờ đó giảm được chi phí sản xuất, lợi nhuận cao hơn. Vụ Đông Xuân vừa rồi, lợi nhuận từ ruộng lúa nhà tôi tăng thêm gần 7 triệu đồng/ha.”

Thực tế cho thấy, việc áp dụng kỹ thuật 3G3T, 1P5G vào sản xuất giúp nông dân giảm chi phí nhờ giảm giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Theo đó, nông dân sử dụng giống lúa xác nhận với lượng giống gieo sạ giảm đáng kể, chỉ còn dưới 100kg/ha; lượng phân đạm cũng giảm theo khuyến cáo, sử dụng trung bình 100kg/ha; số lần phun thuốc bảo vệ thực vật chỉ còn không quá 3 lần/vụ. Nhờ giảm được chi phí sản xuất mà lợi nhuận sau khi thu hoạch của nông dân thu được cao hơn trước.

Giải pháp và hành động

Sau hơn 3 năm thực hiện, Dự án VnSAT Long An tổ chức tập huấn 3G3T cho 7.989 hộ nông dân và thực hiện 13 điểm trình diễn 3G3T; đối với quy trình kỹ thuật 1P5G, dự án thực hiện 21 điểm trình diễn và tập huấn cho 4.117 hộ nông dân. Dự án đẩy mạnh đào tạo cho thành viên các tổ chức nông dân trong vùng dự án, kết quả 1.058/1.946 hộ thành viên áp dụng kỹ thuật 3G3T và 819/1.120 hộ thành viên đã áp dụng kỹ thuật 1P5G. Kế hoạch năm 2019, dự án tổ chức 100 lớp tập huấn kỹ thuật 3G3T và 133 lớp tập huấn kỹ thuật 1P5G, đồng thời xây dựng thêm 20 điểm trình diễn kỹ thuật 1P5G với diện tích 10ha cho nông dân trong vùng dự án.

Nhằm nâng cao mức độ áp dụng kỹ thuật 3G3T, 1P5G của nông dân vùng dự án, thời gian tới, cần tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng mục tiêu giảm lượng giống xuống dưới 100kg/ha.

Một là tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, truyền thông (chuyên đề truyền hình chuyên biệt, phóng sự, chương trình hỏi đáp kỹ thuật, viết bài đăng báo, panô, áp phích, tờ rơi, sổ tay kỹ thuật 3G3T, 1P5G,...) cho các cấp chính quyền, các đoàn thể và các hộ hưởng lợi trong vùng dự án.

Hai là tiếp tục đào tạo, tập huấn nhằm thay đổi hành vi, tập quán canh tác của nông dân.

Ba là hội thảo đầu bờ, lồng ghép vào các chương trình, dự án khác của tỉnh.

Bốn là khẩn trương thi công các hạng mục tiểu dự án đầu tư trang thiết bị thiết yếu và kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất cho 9 hợp tác xã đã triển khai đợt 1, 2 và tiếp tục có kế hoạch hỗ trợ đợt 3.

Năm là củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức như rà soát, bổ sung thành viên ban chỉ đạo, ban quản lý dự án, tổ thực hiện dự án 5 huyện, thị xã, hệ thống giám sát đánh giá từ cấp xã, hợp tác xã, huyện, tỉnh; tăng cường năng lực cho các tổ chức nông dân, trong đó vai trò của ban giám đốc là chủ đạo triển khai các tiểu dự án đầu tư trang thiết bị, kết cấu hạ tầng và liên kết sản xuất theo chuỗi.

Đây là giai đoạn dự án tập trung đẩy mạnh công tác chuyển giao và nâng cao mức độ áp dụng quy trình kỹ thuật 3G3T, 1P5G để đến năm 2020, khi dự án kết thúc sẽ hoàn thành chỉ tiêu đề ra là 13.000 hộ nông dân được tập huấn kỹ thuật 3G3T trên diện tích 26.000ha và 6.500 hộ nông dân được đào tạo, tập huấn kỹ thuật 1P5G trên diện tích 13.000ha. Qua đó, góp phần thay đổi tập quán sản xuất lúa truyền thống, ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến, hiện đại vào thay thế, nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, hướng đến sản xuất lúa tiên tiến, văn minh và bền vững./.

Đại Việt

Chia sẻ bài viết