Tiếng Việt | English

20/03/2018 - 13:54

Khi phụ nữ khởi nghiệp

Bước đầu khởi nghiệp, nhiều phụ nữ (PN) gặp khó khăn nhưng với kiến thức, niềm đam mê, ý chí vượt khó cùng sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp, nhiều chị em đạt những thành công nhất định.

Vươn lên từ gian khó

Quê ở tỉnh Thái Bình, chị Lưu Thị Thảo vào Nam lập nghiệp, xây dựng gia đình và ổn định cuộc sống tại ấp 3, xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Những năm 2000, vùng đất Tân Thành còn nhiều khó khăn, đất hoang hóa lại bị nhiễm mặn, nhà dân thưa thớt, phương tiện đi lại chủ yếu bằng xuồng, cuộc sống khá chật vật, vợ chồng chị bàn nhau thuê đất trồng lúa nhưng hiệu quả kinh tế không cao, cuộc sống gia đình lại thiếu trước, hụt sau. Được sự giới thiệu của chị em trong xã, chị Thảo tham gia tổ góp vốn xoay vòng và được ưu tiên cho mượn vốn trước để phát triển kinh tế.

Với số tiền đó, chị đầu tư trồng chanh, ổi,... Hội LHPN Việt Nam xã Tân Thành còn giới thiệu chị vay 50 triệu đồng phát triển sản xuất. Đến nay, anh chị cất được ngôi nhà khang trang, mua 1,7ha đất trồng chanh, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ngoài trồng chanh, mỗi sáng, chị còn bán thức ăn sáng để có thêm thu nhập. Chị Thảo chia sẻ: “Tôi nghĩ, công việc nào cũng cần phải chịu khó thì mới thành công. Tôi may mắn được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền địa phương nên có vốn “mồi” đầu tư sản xuất”.

Chị Lưu Thị Thảo chăm sóc vườn chanh

Chị Lưu Thị Thảo chăm sóc vườn chanh

Khi nhiều người tại xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành chuyển từ trồng lúa sang trồng thanh long, vợ chồng chị Châu Thị Ngon Em, ngụ ấp 5, dù muốn nhưng còn đắn đo vì thiếu vốn. Cách đây 3 năm, chị được xét vay vốn để buôn bán tạp hóa và mở quán ăn. Sau thời gian tích lũy, anh chị chuyển đổi 7.000m2 đất trồng lúa sang trồng thanh long. Một ngày của chị thường bắt đầu từ 3 giờ sáng, nấu thức ăn sáng, bán cho khách đi đường và thợ làm công thanh long. Quần quật cả ngày với buôn bán, trồng trọt nhưng cả 2 vợ chồng luôn vui vẻ, hài lòng với cuộc sống hiện tại.

“Lúc trước, từng có thời gian, vợ chồng tôi thua lỗ khi đầu tư trồng thanh long ruột trắng. Nay, công việc khá thuận lợi nên dù vất vả nhưng chúng tôi rất vui!” - chị Ngon Em chia sẻ.

Chị Châu Thị Ngon Em (ngồi giữa) trò chuyện cùng khách

Chị Châu Thị Ngon Em (ngồi giữa) trò chuyện cùng khách

Mạnh dạn làm giàu

Trong thời buổi kinh tế khó khăn nên số tiền kiếm được từ việc gia công hạt điều của chị Trần Thị Ngọc Thúy, ngụ ấp 5, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, không đáng là bao! Với ý nghĩ phụ chồng chăm lo cho các con ăn học và có cuộc sống ổn định hơn, năm 2017, chị Thúy quyết định học nghề làm bánh bông lan. Chịu khó, nhanh nhẹn nên chỉ một thời gian ngắn, chị Thúy thạo nghề. Đang lo lắng vì không có vốn đầu tư máy làm bánh, chị được hỗ trợ 10 triệu đồng từ nguồn vốn PN khởi nghiệp với hình thức trả dần theo từng tháng. Số tiền này cộng với tiền tích lũy, chị mạnh dạn đầu tư máy đánh trứng, máy nướng bánh và thành lập Doanh nghiệp tư nhân Quang Hưng do chị Thúy làm chủ.

Những chiếc bánh đầu tiên ra lò, chị phải cất công đi bán lẻ để tìm khách hàng. Không thể kể hết những vất vả, khó nhọc nhưng chị không nản lòng. Dần dần, bánh do công ty chị sản xuất có mối tiêu thụ ổn định. Hiện tại, cơ sở của chị sản xuất 2 loại bánh, bông lan nho và bông lan chuối, chuyên bỏ sỉ tại chợ Tân An. Để có được những chiếc bánh thơm, ngon kịp giao cho khách vào sáng sớm, chị phải thức dậy từ khuya. Mỗi công đoạn, chị để ý đến từng chi tiết nhỏ và khéo léo pha trộn nguyên liệu.

Chị nói: "Làm bánh bông lan trải qua nhiều công đoạn nhưng mình phải biết cách trộn trứng, bột, đường, dầu ăn,...  sao cho hợp lý để có những chiếc bánh vừa ngon, vừa đẹp mắt. Làm bánh bông lan không khó nhưng để có hương vị riêng, rất cần sự khéo léo và tỉ mỉ. Tôi đặc biệt quan tâm đến chất lượng bánh. Mỗi ngày, tôi làm từ 400-500 cái bánh, nhiều khi cuối tuần, có đám tiệc, có thể làm đến 700-800 cái. Có nguồn tiêu thụ ổn định nên mình vất vả cũng thấy vui. Nhờ đó, mỗi tháng, tôi có thu nhập kha khá, nuôi 2 đứa con ăn học. Hiện, con gái lớn đang học đại học và con trai nhỏ học lớp 7".

Chị Trần Thị Ngọc Thúy chuẩn bị bánh bông lan giao cho khách

Chị Trần Thị Ngọc Thúy chuẩn bị bánh bông lan giao cho khách

Tiếp sức cho phụ nữ

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tỉnh - Đỗ Thị Kim Thắm cho biết, khởi nghiệp đã và đang là chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động, trong đó có chị em PN. Đây là một trong những mục tiêu chủ yếu của nghị quyết đại hội PN các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, góp phần thực hiện chỉ tiêu phát triển KT-XH của tỉnh.

Năm 2017, Hội LHPN các cấp tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ PN khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh. Hoạt động này bắt đầu triển khai đến các cấp hội cơ sở trong toàn tỉnh nhằm hỗ trợ nhóm PN yếu thế vươn lên làm chủ, phát huy lợi thế và tiềm năng của PN trong sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện để PN đóng góp nhiều hơn cho kinh tế gia đình và địa phương.

Thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; sự hỗ trợ nhiệt tình của các ngành liên quan; tinh thần trách nhiệm của cán bộ Hội LHPN từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng thuận tham gia của hội viên, giúp 261 hội viên, PN khởi sự kinh doanh để tạo tiền đề cho khởi nghiệp thông qua các hình thức hỗ trợ: Vay vốn, tập huấn kiến thức, tư vấn ngành nghề,...

Tuy nhiên, do mới triển khai thực hiện nên các cấp hội cũng như hội viên, PN trong tỉnh chưa có điều kiện tiếp cận nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp. Bên cạnh đó, với đặc tính giới, PN cũng gặp khó khăn hơn nam giới trong việc hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh, ít cơ hội để tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, cơ hội được đào tạo hay đi giao lưu, học hỏi,...

Mặt khác, qua thực tế của địa phương, đa phần ý tưởng khởi nghiệp, kinh doanh của chị em PN thường gắn với sản xuất nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, ít có ý tưởng sản xuất, kinh doanh hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao nên khó tiếp cận nguồn lực, ít thông tin về thị trường, xúc tiến thương mại; đa số PN khởi nghiệp với số vốn ban đầu ít. Một trong những khó khăn lớn nhất của nhiều PN khởi nghiệp hiện nay là nhu cầu về vốn, một số chị em có ý tưởng mở rộng kinh doanh, song do thiếu nguồn vốn đầu tư nên không thể thực hiện được.

Để hoạt động này đạt hiệu quả cao, thời gian tới, hội mong rằng cần có sự tạo điều kiện của các cấp, các ngành liên quan và sự nỗ lực của cán bộ hội các cấp nhằm hỗ trợ, hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo của PN; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp mới thành lập, xây dựng và phát triển các hoạt động liên kết, phát triển mạng lưới xúc tiến thương mại. Không những vậy, một yếu tố rất quan trọng để PN khởi nghiệp và kinh doanh thành công chính là bản thân PN phải có ý thức thi đua trong khởi nghiệp để vượt lên chính mình, vượt lên những rào cản xã hội để bắt tay khởi nghiệp.

Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 939/QĐ-TTg, ngày 30/6-2017, với mục tiêu nâng cao nhận thức của PN về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về khởi nghiệp, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới.

Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 90% cán bộ hội chuyên trách các cấp tham gia triển khai đề án được nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ PN về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; 70% hội viên PN được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp; hỗ trợ 20.000 PN khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; phối hợp, hỗ trợ thành lập 1.200 tổ hợp tác/hợp tác xã do PN quản lý; 100.000 doanh nghiệp của PN mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết