Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Văn hóa ẩm thực không còn chỉ đóng vai trò là yếu tố hỗ trợ, phục vụ cho nhu cầu của khách về ăn uống đơn thuần mà đã trở thành một nhân tố để phát triển du lịch cũng như quảng bá văn hóa.
Nói về ẩm thực đường phố, theo phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, thức ăn đường phố của Việt Nam không những lôi cuốn thực khách trong nước mà còn thu hút nhiều khách nước ngoài đến du lịch.
Tuy vậy, để nâng tầm và tạo ra nét văn hóa đặc trưng thì ẩm thực đường phố phải tạo ra được sự khác biệt.
Bên lề kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đã có một số trao đổi với phóng viên về nét văn hóa ẩm thực của người Việt.
- Thưa bà, là người làm quản lý chuyên môn trong vấn đề y tế của thành phố, bà đánh giá thế nào về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm nhất là thức ăn đường phố hiện nay?
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Thức ăn đường phố là một trong những yếu tố hấp dẫn, tạo nên nét đặc sắc của đô thị. Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, có nhiều thức ăn đường phố tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao.
Bên cạnh nguy cơ nguồn nguyên liệu thực phẩm bị nhiễm bẩn thì với điều kiện chế biến, bảo quản, buôn bán dưới lòng lề đường như hiện nay sẽ dẫn đến việc bảo đảm an toàn vệ sinh rất khó khăn.
Tôi lấy ví dụ, chỉ với một xô nước thì làm sao có thể “xử lý” hết cả một đống bát đĩa? Thường xuyên bám chặt vỉa hè thì không thể tránh khỏi ruồi bọ… Đánh giá một cách công bằng, thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đang trao đổi với phóng viên. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
- Hiện nay, cứ nói đến thực phẩm là khiến nhiều người lo sợ. Theo bà, chúng ta sẽ phải làm gì để người dân yên tâm trước thực trạng này?
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Khi đi khảo sát thực tế tại các chợ, tôi nhận thấy giá thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng trong nước có khi còn đắt hơn tại một số nước. Ngoài ra, Việt Nam đang nhập khẩu rất nhiều loại nông sản, thực phẩm mà trong nước có thể sản xuất được, khiến người tiêu dùng thiếu sự tin tưởng hàng nông sản trong nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những người thiếu trách nhiệm với cộng đồng thì vẫn còn rất nhiều người tìm tòi để đưa ra những thực phẩm an toàn. Thể hiện ở những chuỗi an toàn, cách thức kinh doanh hiện đại.
Ví dụ, tại các siêu thị đã có thương hiệu, luôn có hệ thống kiểm soát nhằm bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp mình. Về phía thành phố, chúng tôi tập trung kiểm soát nguồn thực phẩm đến từ các chợ đầu mối, rồi từ đó mới đi về các chợ trong thành phố.
- Ẩm thực là một nhân tố để phát triển du lịch cũng như quảng bá văn hóa của Việt Nam. Nhưng với thực trạng thực phẩm mất an toàn như hiện nay thì theo bà có ảnh hưởng đến thu hút khách du lịch cũng như ảnh hưởng đến thương hiệu quốc gia hay không?
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Chủ trương của chúng ta rất rõ ràng, phải bảo đảm vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, trong đó thức ăn đường phố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Phải quản lý được nguồn gốc thực phẩm, không để tình trạng thực phẩm sạch thì xuất khẩu, còn để lại sản phẩm kém chất lượng cho người tiêu dùng trong nước sử dụng.
Đương nhiên, trong quá trình làm sẽ có những phát sinh, khó khăn. Khi đã kiểm soát được nguồn nguyên liệu sạch, thì việc không thể thiếu là giáo dục ý thức cách làm cho người buôn bán đường phố. Ngoài giáo dục còn trang bị kiến thức cho những hộ kinh doanh này.
Thành phố Hồ Chí Minh đang phối hợp với các ban, ngành mở các lớp tập huấn cho những người buôn bán thức ăn đường phố về chế biến, sử dụng, bảo quản. Người bán hàng đã có ý thức đeo găng tay chế biến thực phẩm, hay thay vì “bốc” thức ăn thì đã biết dùng kẹp để gắp. Một chi tiết nhỏ này có được là từ tuyên truyền và “thấm” vào ý thức người bán hàng.
Cùng với đó là ý thức của thực khách. Du khách từ quốc gia khác đến Việt Nam ban đầu thấy thức ăn đường phố thường tò mò, muốn khám phá. Nhưng nếu không có sự lựa chọn, khi cảm thấy không an toàn mà vẫn “nhào dô” thì chắc chắn sẽ lĩnh hậu quả ngay lập tức.
Do đó, ý thức người tiêu dùng cũng rất quan trọng, chỉ khi nào du khách thẳng thắn tôi cần thức ăn sạch, không cần “sang”. Điều này cũng sẽ tác động ngược trở lại đến người bán hàng.
- Tại nhiều nước, khi nhắc đến ẩm thực là du khách ngay lập tức bị “mê hoặc,” vậy Việt Nam cần phải làm gì để lưu vào tâm trí du khách như vậy, thưa bà?
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Nếu so sánh thì thức ăn đường phố của Việt Nam cũng không thua kém nước nào, không những lôi cuốn khách nước ngoài mà còn thu hút ngay cả thực khách trong nước.
Vậy để thành công chúng ta phải tạo ra được sự khác biệt, làm sao tăng cường sản phẩm chất lượng với giá hợp lý, rồi sau đó có thể áp dụng các hình thức như nhượng quyền, chuỗi… chỉ như vậy mới có cơ hội xây dựng thương hiệu riêng cho mình.
Còn nhỏ lẻ “li ti” thì rất ít có cơ hội thành công, nhưng cũng không thể tự “ghi tên” vào lịch sử bằng “bún chửi”, “miến mắng” thì rất kỳ cục.
- Xin cảm ơn bà./.
Theo TTXVN