Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM - Ảnh: Hoàng An
Buổi đầu tiên của chương trình trực tuyến tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2022 do báo Tuổi Trẻ tổ chức tối 24/11 đã thu hút hàng ngàn học sinh, phụ huynh tham gia. Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Bộ GD-ĐT thực hiện với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Chương trình với chủ đề "Cơ hội vào đại học với thi đánh giá năng lực" nhằm cung cấp cho thí sinh những thông tin mới nhất về kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức.
"Chúng tôi xây dựng đề thi đánh giá năng lực với chủ trương không luyện thi. ĐH Quốc gia TP.HCM cũng không tổ chức luyện thi. Tất cả những thông tin quảng cáo luyện thi đánh giá năng lực hiện nay là do các cá nhân, tổ chức không phải của ĐH Quốc gia TP.HCM".
TS Nguyễn Quốc Chính
|
Dự kiến 2 đợt thi
Chia sẻ tại buổi tư vấn, TS Nguyễn Quốc Chính - giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết: "Kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH của thí sinh như sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Thí sinh chỉ cần làm bài thi duy nhất (120 câu trong 150 phút); không cần thuộc và nhớ nhiều kiến thức".
Giải đáp thắc mắc của nhiều thí sinh, phụ huynh về việc tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, TS Nguyễn Quốc Chính cho hay ĐH Quốc gia TP.HCM đã đưa ra hai phương án dự kiến tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022.
Theo đó, sẽ tổ chức kỳ thi thành hai đợt. Đợt 1 dự kiến vào ngày 27/3/2022 và đợt 2 vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 7/2022. Từ năm 2022, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ mở rộng địa điểm tổ chức kỳ thi ngoài 7 địa phương như năm 2021 để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh cả nước tham gia kỳ thi này. Kết quả thi đánh giá năng lực là một trong số các phương thức xét tuyển vào các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM và các trường ĐH khác.
"Kỳ thi đánh giá năng lực là phương thức bổ sung ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT mà tất cả học sinh lớp 12 phải tham dự. Thí sinh có thể xét tuyển bằng kết quả thi THPT, đồng thời tham dự kỳ thi đánh giá năng lực để có thêm cơ hội đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH. Việc xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực được thực hiện trước khi xét bằng phương thức xét điểm thi THPT nên sẽ thuận lợi hơn cho thí sinh" - ông Chính nói.
PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết thêm: "Thí sinh được quyền dự thi hoặc không dự thi đánh giá năng lực. Thí sinh có thể tham gia một hoặc cả hai đợt thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức trong năm, dùng kết quả cao nhất để đăng ký xét tuyển vào nhiều trường.
Những năm qua, các trường thường xét điểm thi năng lực từ trên xuống đến khi hết chỉ tiêu. Một số trường như Trường ĐH Bách khoa đặt ngưỡng nhận đăng ký xét tuyển từ 700 điểm/1.200 điểm trở lên, đương nhiên ngưỡng điểm này có thể thay đổi từng năm".
Không cần luyện thi
Trong số hơn 170 câu hỏi được gửi đến các khách mời trong buổi tư vấn trực tuyến này có rất nhiều thắc mắc có cần luyện thi để tham gia kỳ thi đánh giá năng lực. Về việc này, TS Nguyễn Quốc Chính khẳng định: "Chúng tôi xây dựng đề thi đánh giá năng lực với chủ trương không luyện thi. ĐH Quốc gia TP.HCM cũng không tổ chức luyện thi. Tất cả những thông tin quảng cáo luyện thi đánh giá năng lực hiện nay là do các cá nhân, tổ chức không phải của ĐH Quốc gia TP.HCM".
Theo ông Chính, để đạt được kết quả tốt trong kỳ thi này đòi hỏi thí sinh có nền tảng kiến thức và kỹ năng vững chắc đã được chuẩn bị trong một quá trình dài lâu. Những thí sinh có cách tiếp cận học tập đúng đắn và khoa học trong quá trình học phổ thông sẽ có nhiều lợi thế đối với hình thức thi đánh giá năng lực như thế này.
"Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần có sự chuẩn bị tốt như đảm bảo sức khỏe tốt về cả thể chất và tinh thần cho ngày thi, hệ thống hóa kiến thức kỹ năng trước khi thi, đến phòng thi đúng nơi quy định...
Kỹ thuật làm bài thi phù hợp sẽ góp phần giúp nâng cao kết quả: thí sinh cần biết phân phối thời gian hợp lý cho các câu hỏi, cần có kỹ năng đọc nhanh để nắm ý tổng quát, đồng thời có kỹ năng nhận định phân tích sâu để trả lời các chi tiết. Cuối cùng, cần có "chiến lược" làm bài hiệu quả, tránh mất quá nhiều thời gian cho một câu hỏi, vì đề thi gồm 120 câu làm trong 150 phút" - ông Chính nói thêm./.
Thể hiện năng lực học đại học
PGS.TS Bùi Hoài Thắng cho rằng ở Việt Nam nhiều người quan niệm muốn thi tốt phải luyện thi nhưng lời khuyên của ông đưa ra đối với thí sinh muốn tham dự kỳ thi đánh giá năng lực là không nên tốn tiền luyện thi.
"Các bạn cứ đi thi thoải mái. Đề thi của kỳ thi này tạo cơ hội để thí sinh thể hiện năng lực học đại học. Chúng ta có thể tự ôn tập kỹ trước kỳ thi nhưng không nên tốn tiền luyện thi. Khoảng thời gian dự thi chỉ trong buổi sáng, các bạn cần bình tĩnh, thoải mái đi thi năng lực để có thêm cơ hội vào đại học" - ông Thắng nói.
|
Gia Hân/ TTO