Rau càng cua trộn dầu giấm
Với vị chua ngọt thanh thanh, rau càng cua trộn dầu giấm là món khai vị, món ăn kèm rất hấp dẫn. Nguyên liệu chế biến món ăn này gồm: Rau càng cua, cà chua bi, củ hành trắng, củ hành tím, ớt sừng, tỏi, dầu mè, giấm gạo, đường, nước mắm.
Với vị chua ngọt thanh thanh, rau càng cua trộn dầu giấm là món khai vị, món ăn kèm rất hấp dẫn
Rau càng cua lấy phần non, rửa sạch, ngâm qua nước muối loãng khoảng 10 phút; sau đó rửa sạch và để ráo. Khi rau ráo nước, cho vào ngăn mát tủ lạnh để giữ cho rau lạnh và giòn. Củ hành trắng cắt sợi mỏng, hành tím, tỏi cắt lát mỏng. Tất cả ngâm với giấm, đường theo tỷ lệ 1:1:2 (1 giấm : 1 đường : 2 nước lọc) cho vào tủ lạnh để giữ độ giòn. Cà chua bi cắt đôi. Tiếp theo, pha hỗn hợp dầu giấm theo công thức: 3 muỗng canh giấm gạo, 2 muỗng canh nước lọc, 2 muỗng canh đường, 1 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng canh dầu mè, khuấy đều. Sau đó, cho ớt, tỏi giã nhuyễn vào. Khi chuẩn bị ăn thì cho rau càng cua, hành tây, cà chua, hành tím, tỏi ngâm giấm - đường, cà chua bi, ớt sừng vào một cái tô lớn, rót dầu giấm lên và trộn đều cho thấm. Cuối cùng cho rau đã trộn ra dĩa.
Chỉ qua vài bước đơn giản là có thể hoàn thành món rau càng cua trộn dầu giấm giải nhiệt trong những ngày nắng nóng. Rau càng cua giàu dinh dưỡng, cung cấp nhiều vitamin nhưng lại ít năng lượng, rất tốt cho sức khỏe con người.
Thanh mát với tập tàng luộc
Rau tập tàng là cách gọi chung của các loại rau: Muống, đọt choại, lang, nhãn lồng, ngổ, cải trời, rau má,... Đây là những loại “cây nhà lá vườn” dân dã, mộc mạc và dễ tìm, nhất là vào mùa mưa. Với người dân quê, không phải tìm kiếm đâu xa, chỉ cần dạo một vòng quanh vườn là có ngay một rổ rau tươi xanh hết ý.
Rau tập tàng, món ăn dân dã được mọi người ưa thích
Rau tập tàng có thể chế biến thành các món: Luộc, xào, nấu canh rất ngon. Tuy nhiên, rau tập tàng luộc là món ăn dân dã được nhiều người ưa chuộng. Cách chế biến món này rất đơn giản, không mất nhiều công đoạn, thời gian. Các loại rau lặt sạch, ngâm qua nước muối pha loãng. Sau đó rửa lại với nước sạch, để ráo. Bắc nồi nước lên bếp, nước sôi, cho lần lượt các loại rau vào. Vì tập tàng là tập hợp nhiều loại rau khác nhau nên tùy theo loại rau mà cho vào luộc trước hay sau. Trước tiên là rau lang, rau muống, tiếp theo là cải trời, rau ngổ, rau đắng, rau má, nhãn lồng, đọt choại,... Khi rau chín đều thì vớt ra.
Mỗi loại rau có mùi, vị riêng như vị ngọt ngọt của đọt choại, rau lang, nhẫn nhẫn của rau ngổ, đăng đắng của cải trời, rau đắng,... Tất cả tạo nên dư vị khó tả. Rau tập tàng ăn ngon, đúng điệu với cơm, thịt kho, mắm kho, kho quẹt,... Vị mặn mà của mắm quyện với vị cay cay, nồng nồng của ớt thấm vào từng cọng rau luộc tạo nên sức hút kỳ diệu từ món ăn tưởng chừng tầm thường nơi thôn dã. Từ món ăn dân dã ở thôn quê, ngày nay, rau tập tàng trở thành món “khoái khẩu” của người thành thị và có mặt ở các nhà hàng sang trọng.
Rau muống xào tỏi xanh giòn
Rau muống xào tỏi là một món ăn bình dân, dễ làm, thường có trong các bữa ăn của mỗi gia đình. Để có món rau muống xào tỏi xanh giòn, hấp dẫn, cần có rau muống tươi, tỏi, các loại gia vị: Dầu ăn, bột ngọt, hạt nêm, đường, nước tương.
Hấp dẫn rau muống xào tỏi
Rau muống cắt khúc khoảng 10cm, có thể lặt bớt lá tùy ý, rửa với nước sạch, để ráo. Tỏi được lột vỏ, giã giập. Trước khi xào nên chần rau muống qua nước sôi khoảng 1 phút. Nước luộc phải ngập rau, thêm chút muối để rau không bị thâm. Rau muống được vớt ra, cho vào thau nước lạnh để giữ độ giòn ngon và màu xanh của rau. Sau đó vớt ra rổ cho ráo.
Bắc chảo dầu lên bếp, đun sôi, cho tỏi vào phi vàng. Khi tỏi dậy mùi thơm, cho rau muống vào chảo, tiếp tục dùng đũa đảo nhanh tay. Nêm nếm gia vị với nước tương, hạt nêm, bột ngọt, đường cho món rau xào thơm và đậm đà hơn. Tiếp tục xào rau thêm 3-4 phút nữa là được. Lưu ý, xào rau muống với lửa to, đảo đều tay và tắt bếp khi rau vừa chín tới. Thưởng thức rau muống xào tỏi cùng với cơm nóng, nước tương tỏi ớt, hứa hẹn mang lại một bữa cơm ngon miệng cho gia đình.
Những món ăn được chế biến từ các loại rau cung cấp nhiều chất xơ, vitamin rất tốt cho sức khỏe con người. Ăn nhiều rau giúp cơ thể tăng cường thị lực, kiểm soát cân nặng, phòng, chống các bệnh về tim mạch, ổn định huyết áp, ngăn ngừa ung thư,... Khi lựa chọn rau, nên chú ý chọn rau còn tươi, không giập nát, có màu sắc tự nhiên. Nên ngâm kỹ, rửa rau với nước muối pha loãng để loại trừ thuốc bảo vệ thực vật tồn dư./.
Thùy Minh