Cuối năm, việc tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân và tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên (ĐV) là căn cứ để tiếp tục bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật giúp cán bộ (CB), ĐV phát huy ưu điểm và khắc phục hạn chế. Vì vậy, việc đánh giá phải đúng thực chất theo những tiêu chí, tiêu chuẩn và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của từng CBĐV.
Để việc đánh giá và bình xét khen thưởng cuối năm thật sự là động lực thúc đẩy sự cống hiến của mọi CBĐV, các cấp, các ngành, địa phương phải nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác đánh giá gắn với thi đua, khen thưởng.
Đồng thời, tiếp tục bình xét, đánh giá, khen thưởng thông qua công tác tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chỉ ra được những nguyên nhân của ưu, khuyết điểm, những kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành, xác định rõ mục tiêu thi đua của các cơ quan, đơn vị trong những năm sau; kiên quyết khắc phục việc đánh giá một cách tùy tiện hoặc nể nang, tránh né, “dĩ hòa vi quý”, chạy theo thành tích.
Bên cạnh đó, việc đánh giá, khen thưởng phải căn cứ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng tập thể, cá nhân và phải phân định rõ các nhóm đối tượng để xét khen thưởng (đối tượng lãnh đạo; đối tượng là cấp trưởng, phó phòng, ban và tương đương; đối tượng là nhân viên, người lao động), chứ không bình xét cào bằng nhằm bảo đảm khách quan, hợp lý, khoa học và công bằng.
Việc đánh giá cuối năm đúng thực chất là cơ sở để khen thưởng một cách khách quan, công tâm. Đây là hình thức vừa để giáo dục, rèn luyện CBĐV, vừa củng cố, tăng cường đoàn kết, thống nhất, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Hoàn Thành