Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ
Theo Sở GD&ĐT, chương trình GD&ĐT đang trong xu thế thay đổi với những bước chuyển hóa, cập nhật, bổ sung kiến thức nhằm đáp ứng yêu cầu nền giáo dục trong thời kỳ đổi mới, hội nhập cùng xu thế phát triển của các nước trong khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo hiện nay bao gồm nhiều thế hệ, được đào tạo trong nhiều môi trường khác nhau nên sự đồng đều về tay nghề, khả năng tự nghiên cứu, lĩnh hội những kiến thức mới và việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy còn mặt hạn chế. Chính vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBQL và giáo viên (GV) được ngành giáo dục tỉnh duy trì thường xuyên.
Công tác giảng dạy đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với mỗi giáo viên
Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT - Nguyễn Văn Hậu cho biết: “Thực hiện Đề án nâng cao chất lượng CBQL trường phổ thông giai đoạn 2012-2015 và đến năm 2020, sở thành lập các ban chỉ đạo để thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên cho CBQL và đội ngũ GV. Trong đó, tập trung đào tạo CBQL, nhà giáo về lý luận chính trị cao cấp, trung cấp, đào tạo nghiệp vụ quản lý giáo dục cho cán bộ đương chức, diện quy hoạch và bồi dưỡng nâng cao. Bên cạnh đó, những năm qua, ngành giáo dục luôn tích cực tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chọn, cử những nhà giáo có năng lực dự học các lớp đào tạo chuyên môn có tính chuyên sâu ở trình độ sau đại học trong và ngoài nước. Đến nay, sở liên kết với Trường CBQL giáo dục TP.HCM tổ chức 8 lớp bồi dưỡng CBQL giáo dục cho 687 CBQL; 3 lớp bồi dưỡng nâng cao cho 270 CBQL. Bên cạnh đó, sở còn phối hợp Trường Chính trị tỉnh mở 8 lớp trung cấp lý luận chính trị cho 637 CBQL, nhà giáo diện quy hoạch”.
Nền tảng phát triển giáo dục bền vững
Tại Trường THPT Chuyên Long An, một trong những ngôi trường có chất lượng đào tạo hàng đầu của tỉnh, 100% CBQL và đội ngũ GV đều đạt chuẩn và trên chuẩn. Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Long An - Trần Văn Chín cho biết, để làm tốt công tác giảng dạy, trước hết, mỗi CBQL, GV phải vững về chuyên môn, nghiệp vụ. Do đó, những năm qua, trường thường xuyên cử CBQL, GV tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, bảo đảm chuẩn về trình độ chính trị cũng như nghiệp vụ quản lý. Từ năm 2013, trường xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ nhà giáo với mục tiêu đến năm 2020, phải đạt trên 60% trên chuẩn. Đến nay, sau 4 năm thực hiện, có 41/79 GV đạt trình độ sau đại học. Ngoài ra, với nhiệm vụ phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh, trường còn liên kết với các đơn vị bạn trong khu vực mời các chuyên gia về đào tạo cho GV cốt cán, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong giảng dạy. “Từ việc chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ CBQL, GV, chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng được nâng cao. Năm 2017, 98% học sinh của trường được xét tuyển và theo học tại các trường đại học. Liên tục từ năm 2014 đến nay, trường luôn có học sinh đoạt giải trong cuộc thi nghiên cứu khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia. Bên cạnh đó, tập thể GV nhà trường luôn đổi mới phương pháp giảng dạy: Tổ chức dạy học theo chủ đề, theo dự án và đẩy mạnh công tác giáo dục trải nghiệm. Để làm được điều đó bắt buộc mỗi CBQL, GV phải được đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong việc đổi mới GD&ĐT” - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Long An - thầy Trần Văn Chín cho biết thêm.
Còn tại Tân Hưng, mặc dù là huyện biên giới xa nhất trong tỉnh, ngành giáo dục gặp những khó khăn nhất định so với các địa phương khác, song nhiều năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng CBQL, nhà giáo luôn được các cấp, nhất là ngành giáo dục đặc biệt quan tâm. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Hưng - Võ Công Luận cho biết: “Thông qua công tác này góp phần giúp những người đang làm việc trong ngành vững vàng hơn về chuyên môn, nghiệp vụ, có năng lực trong công tác quản lý giáo dục. Hàng năm, CBQL, GV của tất cả trường học trên địa bàn huyện đều được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương”.
Cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tạo nền tảng phát triển giáo dục bền vững
Lãnh đạo Sở GD&ĐT khẳng định, cán bộ, công chức, viên chức sau khi được đào tạo, bồi dưỡng được bố trí công việc phù hợp chuyên môn, sở trường và năng lực. Từ đó, phát huy hiệu quả trong công việc, tạo nền tảng phát triển giáo dục bền vững. Thống kê của Sở GD&ĐT, hiện nay, toàn ngành có 21.095 người, trong đó, CBQL gồm 1.546 người, gần 17.000 GV, hơn 2.700 nhân viên và làm việc theo hợp đồng. “Đến nay, về cơ bản, CBQL trường học đạt chuẩn theo yêu cầu về tiêu chuẩn cán bộ. Qua thống kê, tỷ lệ CBQL và GV đạt chuẩn ở các cấp học trong toàn tỉnh đạt 99,98%. Đây là nền tảng quan trọng trong công tác đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT hiện nay của tỉnh” - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh - Nguyễn Thanh Tiệp cho biết./.
Kiên Định