Lực lượng chức năng bắt giữ thuốc lá lậu vận chuyển bằng xuồng máy
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Long An có đường biên giới giáp Campuchia dài 132,97 km. Nơi đây trở thành địa bàn trọng điểm cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, là điểm trung chuyển lớn từ Campuchia về TP.HCM và các tỉnh lân cận. Lợi dụng các tuyến đường, đối tượng buôn lậu hoạt động ngày đêm bằng những thủ đoạn tinh vi, tìm cách vận chuyển hàng lậu qua địa bàn để đưa sâu vào thị trường nội địa nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng chống buôn lậu.
8 tháng năm 2017, các lực lượng chức năng của tỉnh, địa phương phát hiện và bắt 2.606 vụ vi phạm; thu, nộp ngân sách 134.428 triệu đồng. Các mặt hàng vi phạm chủ yếu vẫn là thuốc lá ngoại, đường cát, nước giải khát, gỗ,...
Mặc dù số vụ vi phạm bị phát hiện giảm nhưng theo các cơ quan chức năng, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến ngày càng phức tạp, biến tướng và tinh vi nên gây rất nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng trong quá trình làm nhiệm vụ.
Tại huyện Đức Huệ, hoạt động của các đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng cấm qua biên giới diễn ra chủ yếu ở các xã biên giới: Mỹ Quý Tây, Mỹ Quý Đông, Mỹ Thạnh Tây,... Đối tượng luồn lách theo các đường mòn đến điểm giao hàng lậu cho xuống xuồng máy rồi tiếp tục theo các kênh nhánh ra sông Vàm Cỏ Đông, đi sâu vào nội địa để tiêu thụ.
Trước tình hình siết chặt, chốt chặn tuyến đường mòn, lối mở của cơ quan chức năng, các đối tượng luôn thay đổi thời gian, địa điểm giao - nhận hàng và tìm mọi cách đối phó như bố trí người canh đường, giám sát, theo dõi lực lượng chức năng. Để thực hiện trót lọt các vụ vận chuyển, các đối tượng buôn lậu hoạt động có tổ chức chặt chẽ, bố trí người tiền trạm và canh chừng trước trụ sở của lực lượng chức năng, khi thấy an toàn mới điện thoại cho đồng bọn xuất phát. Hầu hết đối tượng sử dụng xe môtô lắp ráp (xe bè), xe ôtô, xuồng máy có tốc độ cao vận chuyển hàng lậu từ khu vực biên giới vào nội địa để tiêu thụ.
Tại Hội nghị đánh giá 8 tháng năm 2017 về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Chủ tịch UBND huyện Đức Huệ - Võ Văn Hy cho biết: “Mặc dù lực lượng chức năng tăng cường nhiều biện pháp đấu tranh nhưng các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả xảy ra trên địa bàn huyện vẫn diễn biến rất phức tạp. Để thực hiện trót lọt các vụ buôn bán, vận chuyển trái phép các mặt hàng, đối tượng liên tục thay đổi phương thức hoạt động, hoạt động không theo quy luật”.
Trong đấu tranh chống tội phạm về kinh tế nói chung và buôn lậu nói riêng, thời gian qua, có sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh. Đặc biệt, Công an tỉnh phân công 8 tổ tham gia chống buôn lậu trên địa bàn huyện Đức Huệ và địa bàn trung chuyển huyện Đức Hòa, góp phần ngăn chặn, đấu tranh chống buôn lậu và đẩy mạnh triệt xóa các tụ điểm, đường dây buôn lậu.
Tại huyện Đức Hòa, sau thời gian thực hiện kế hoạch về việc giám sát, quản lý các đối tượng và đấu tranh chống buôn lậu, trên địa bàn có 14 đối tượng chủ mưu (đầu nậu), hiện 4 đối tượng ngưng hoạt động.
Huyện Tân Hưng có đường biên giới giáp với huyện Svay Chrum, tỉnh Svay Rieng và huyện KongPong Trapek, tỉnh Prey Veng (Vương quốc Campuchia).
Lực lượng chức năng Đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây bắt giữ hàng nhập lậu vận chuyển bằng xe ôtô
Huyện có nhiều kênh, rạch, một số đối tượng sử dụng xuồng máy công suất lớn vận chuyển thuốc lá lậu qua địa bàn các xã: Vĩnh Lợi, Vĩnh Đại, Vĩnh Bửu, đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh: Tiền Giang, Đồng Tháp,... Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng huyện phát hiện, bắt giữ 6 vụ buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc; thu giữ 1.590 gói thuốc lá ngoại các loại, 2 tấn xoài keo nguồn gốc Campuchia, một số gỗ me tây. Qua đó, khởi tố 1 bị can và xử lý hành chính 3 trường hợp.
Đối tượng cầm đầu tổ chức đường dây buôn lậu thường sử dụng phương tiện có tốc độ cao như xe ôtô 4-7 chỗ, ôtô tải có thiết kế hầm để giấu và vận chuyển hàng qua biên giới. Thậm chí khi cần, các đối tượng còn liều mình chống đối lực lượng chức năng để tẩu tán hàng và bỏ trốn.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Các đối tượng lợi dụng khu vực cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở để vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và luồn sâu vào nội địa tiêu thụ. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra, phát hiện và xử lý 52 vụ kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, chủ yếu là phân bón và xăng dầu; 15 vụ kinh doanh hàng hóa giả nhãn hiệu đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ như bột ngọt Ajinomoto,...
Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, việc kiểm soát chất lượng hàng hóa cũng gặp nhiều khó khăn do các chủ cơ sở kinh doanh luôn tìm cách đối phó. Ngoài ra, việc kiểm định chất lượng hàng hóa vi phạm khá vất vả khi phải gửi mẫu kiểm định, làm ảnh hưởng đến việc xử lý.
Thời điểm cuối năm, gần tết, giá cả các mặt hàng có sự biến động, tạo sự “lôi cuốn” các đối tượng; từ đó, làm gia tăng hoạt động buôn lậu trên các luồng, tuyến trọng điểm. Để từng bước khắc phục khó khăn, lực lượng Quản lý thị trường phối hợp lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tuyến biên giới, địa bàn trọng yếu nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các vụ vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng giả trên địa bàn; tập trung quyết liệt nhiều giải pháp, biện pháp kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng, chống và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại,...
Các lực lượng chức năng tổ chức tiêu hủy thuốc lá lậu
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng còn tăng cường các biện pháp kiểm soát, rà soát đối tượng nhằm ngăn chặn nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Vừa qua, tại Hội nghị đánh giá tình hình công tác 8 tháng năm 2017, phương hướng, nhiệm vụ đến cuối năm 2017 và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh - Trần Văn Cần yêu cầu các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chốt chặn trên tuyến biên giới, không để xảy ra các tụ điểm tập kết, buôn bán hàng lậu, không để người dân xuất cảnh trái phép. Tăng cường tuyên truyền, phối hợp trong kiểm tra, kiểm soát, kịp thời thông tin để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngày càng đi vào nền nếp và mang lại hiệu quả thiết thực.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, sở, ngành, địa phương làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng, chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức các lực lượng chức năng tại địa phương; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bao che, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Trước tình hình hoạt động buôn bán hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại diễn biến phức tạp, các lực lượng: Biên phòng, Hải quan phụ trách nhiệm vụ chính trên tuyến biên giới; Công an, Quản lý thị trường phụ trách địa bàn nội địa cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp các ngành chức năng khác triển khai đồng bộ công tác chống buôn lậu nhằm siết chặt, chặn đứng, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả./.
Hùng Anh