Tuyến tránh Quốc lộ 1 được nâng cấp, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển trong những dịp cao điểm lễ, tết
Tháo gỡ điểm nghẽn giao thông cửa ngõ miền Tây
Từng là điểm nghẽn giao thông tại cửa ngõ miền Tây khi ngoài các tuyến quốc lộ (QL) hiện hữu và cao tốc TP.HCM thì hầu như trước đây hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh Long An chỉ là những tuyến đường tỉnh nhỏ, hẹp, nhiều năm chưa được nâng cấp. Trong khi đó, các tuyến QL cũng hư hỏng nặng vừa gây khó khăn trong tham gia giao thông, vừa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và thường xuyên xảy ra tình trạng ách tắc mỗi dịp cao điểm lễ, tết. Trước thực trạng đó, những năm qua, với nhiều biện pháp quyết liệt, sự đầu tư kịp thời, bài bản, đến nay, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển đáng kể, cơ bản đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH và giúp đường về miền Tây an toàn, thuận lợi hơn.
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) - Nguyễn Hoài Trung, sau rất nhiều kiến nghị, khoảng 3 năm trở lại đây, Bộ GTVT đã bổ sung nguồn vốn để tập trung sửa chữa, nâng cấp lại các tuyến QL đoạn qua địa bàn tỉnh. Trong đó, tuyến QL1 được đầu tư thảm nhựa cùng việc hoàn thiện hệ thống thoát nước cống dọc 2 bên đường, các điểm nghẽn giao thông trên tuyến QL1 như ngã tư Bình Nhựt được đầu tư mở rộng, gắn thêm đèn rẽ trái giúp các phương tiện lưu thông thuận lợi hơn, khắc phục tình trạng kẹt xe cục bộ trong những dịp cao điểm. Hay điểm đen tai nạn giao thông tại khu vực Cầu Voi cũng được xóa bỏ. Tại tuyến QLN2, dù với nguồn vốn sửa chữa ít ỏi nhưng ngành GTVT cũng tiến hành thảm nhựa, khắc phục những đoạn hư hỏng và từng bước mở rộng mỗi bên 1m để bảo đảm giao thông. Riêng tại TP.Tân An, sau thời gian thi công, công trình nâng cấp, mở rộng tuyến tránh cùng cầu Tân An mới cũng được đơn vị thi công kịp thông xe trước Tết Nguyên đán năm 2020, giúp giảm tải giao thông cho khu vực nội ô và giúp tuyến đường về miền Tây thuận lợi hơn, nhất là trong những dịp lễ, tết hàng năm.
Anh Lê Văn Thuận - tài xế xe tải tại huyện Bến Lức, cho biết: “Trước đây, mỗi dịp vận chuyển hàng trên QL1 sợ nhất là tình trạng ngập nước 2 bên đường, xe máy lấn làn nguy hiểm. Tuy nhiên, đến nay, toàn bộ đoạn QL1 đều được lắp đặt hệ thống cống thoát nước và được thảm nhựa lại, giúp việc lưu thông thuận lợi hơn rất nhiều”.
Ngoài ra, thông tin từ Sở GTVT, liên tiếp trong nhiệm kỳ trước và nhiệm kỳ này, Đại hội Đảng bộ tỉnh đều xác định đưa vào nghị quyết các chương trình đột phá về GTVT và thi công các công trình trọng điểm giao thông phục vụ phát triển KT-XH. Đó phải kể đến các tuyến đường huyết mạch như Đường tỉnh (ĐT) 819 về huyện Tân Hưng, ĐT830 nối 4 huyện trọng điểm phát triển công nghiệp đến Cảng Quốc tế Long An, đường Vành đai TP.Tân An cùng hàng loạt công trình giao thông kết nối giữa các địa phương phát triển công nghiệp trong chương trình đột phá. Từ những công trình giao thông đã giúp hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện, tạo kết nối không chỉ nội bộ các địa phương của tỉnh mà còn giúp kết nối tốt với TP.HCM, tạo điều kiện thuận lợi để người dân có nhiều lựa chọn hơn khi tham gia giao thông từ các tỉnh Đông Nam bộ về miền Tây.
Phó Giám đốc Sở GTVT - Nguyễn Hoài Trung khẳng định: “Có thể nói, khoảng 5 năm trở lại đây, mạng lưới GTVT của tỉnh được cải thiện rất nhiều và ngày càng được xây dựng hoàn thiện, đồng bộ, có tính kết nối cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển, giao thương hàng hóa cũng như đi lại của người dân. Từ đó, góp phần rất lớn vào phát triển KT-XH của tỉnh, nhất là tháo gỡ được điểm nghẽn đã tồn tại lâu năm tại cửa ngõ miền Tây”.
Tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư
Mặc dù so với trước đây, hệ thống GTVT trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển vượt bậc, tuy nhiên với vị trí cửa ngõ miền Tây, là tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và tiếp giáp TP.HCM, rõ ràng, tỉnh vẫn cần đầu tư nhiều hơn nữa để tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH.
Theo đó, riêng trong nhiệm kỳ này, ngành GTVT tiếp tục ưu tiên thực hiện 8 công trình giao thông nằm trong chương trình đột phá về giao thông giai đoạn 2020-2025 và thực hiện 3 công trình giao thông trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Phó Giám đốc Sở GTVT - Nguyễn Hoài Trung cho biết: “Giai đoạn 2020-2025, ước tính tổng nhu cầu vốn để triển khai, thực hiện các công trình giao thông trọng điểm, đột phá khoảng gần 30.000 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn huy động từ các thành phần kinh tế hợp pháp khác. Đáng chú ý, trong số các công trình giao thông thực hiện trong nhiệm kỳ này có những công trình mang tính chiến lược không chỉ phục vụ riêng cho tỉnh mà còn kết nối chung giữa các tỉnh miền Tây và TP.HCM, góp phần thiết thực trong việc chia sẻ năng lực vận chuyển hàng hóa trên các tuyến QL hiện hữu cũng như cao tốc TP.HCM - Trung Lương”.
Mạng lưới GTVT của tỉnh được cải thiện rất nhiều và ngày càng được xây dựng hoàn thiện, đồng bộ
Ngoài ra, hiện nay, tỉnh Long An và TP.HCM đã thống nhất thực hiện 23 điểm kết nối giao thông từ nay đến năm 2030. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 sẽ thực hiện 7 điểm kết nối tuyến đường giao thông có vị trí đặc biệt quan trọng, cấp bách để thúc đẩy phát triển KT-XH 2 địa phương cho cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với tổng số vốn dự kiến khoảng 24.000 tỉ đồng. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, Sở GTVT sẽ xúc tiến để khởi công 4/7 điểm kết nối gồm tuyến ĐT824 đoạn từ ngã ba Tua 1 đến cầu kênh Ranh; ĐT823D - Trục nối Tây Bắc TP.HCM; đường Lương Hòa - Bình Chánh và đường dẫn vào cầu Rạch Dơi. Các công trình này sau khi hoàn thiện sẽ góp phần làm giảm ùn tắc và tạo sự kết nối giao thông đồng bộ hơn giữa Long An và TP.HCM.
Phó Giám đốc Sở GTVT - Nguyễn Hoài Trung khẳng định, với nhiệm vụ đi trước mở đường, thời gian tới, Sở GTVT sẽ tập trung quản lý tốt các dự án đang thực hiện và hoàn thiện các thủ tục để khởi công các dự án mới nhằm bảo đảm các dự án sớm được hoàn thành, đưa vào sử dụng theo đúng kế hoạch. “Đồng thời, với nhiệm vụ được giao, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT sớm quan tâm đầu tư, nâng cấp các tuyến đường mang tính liên kết vùng như tuyến QLN1, N2, 50, trục động lực ven biển,... nhằm xây dựng mạng lưới giao thông đồng bộ, thông suốt nối liền giữa miền Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH không chỉ của riêng Long An mà còn của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long./.
Kiên Định