Tiếng Việt | English

20/11/2017 - 19:47

Dạy chữ đi đôi với dạy người

Những năm qua, các cấp, các ngành luôn chú ý việc rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh (HS), nhất là đối với những HS cá biệt. Qua đó, xuất hiện nhiều cách làm hay trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho các em.

Đồng cảm và sẻ chia

Hiện nay, vẫn còn một số HS trong các trường học thường có biểu hiện chưa ngoan, gây mất trật tự, hay trốn học, vào lớp không thuộc bài,... Tình trạng trên là do thiếu sự quan tâm, uốn nắn từ gia đình, nhà trường và xã hội. Từ thực tế đó, Trường THCS Nhơn Ninh, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An không chỉ chú trọng dạy chữ mà còn quan tâm dạy người cho HS, nhất là HS cá biệt.

Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nhơn Ninh - Huỳnh Kim Ngọc cho biết: Trường có 460 HS với 13 lớp. Nhằm giúp HS cá biệt khắc phục những hạn chế về mặt hạnh kiểm và học lực, trường yêu cầu các giáo viên (GV) phải có giáo án phù hợp cho từng đối tượng, giúp các em dễ tiếp thu bài. GV chủ nhiệm phải nắm hoàn cảnh gia đình của từng em để có hướng hỗ trợ phù hợp,... Với cách làm đó, tỷ lệ HS đạt học lực khá, giỏi, hạnh kiểm tốt của trường tăng từng năm (năm học 2016-2017, HS lên lớp thẳng đạt 99%; HS đạt hạnh kiểm khá tốt trên 98%)”.

Theo cô Nguyễn Thị Bích Hạnh, để giáo dục được học sinh cá biệt, phải có sự đồng cảm và sẻ chia với các em

Là GV trẻ đảm nhiệm vai trò Tổng phụ trách Đội, cô Nguyễn Thị Bích Hạnh luôn có cách làm hay trong việc giáo dục HS cá biệt. Theo cô Hạnh, hầu hết HS cá biệt luôn muốn được sự quan tâm, chăm sóc của người lớn. Vì vậy, GV cần trò chuyện, gần gũi chia sẻ, động viên các em khắc phục khó khăn, cố gắng trong học tập.

Từng là HS cá biệt, thường xuyên cúp tiết, quậy phá, không thuộc bài, giờ đây, em Cai Văn Hậu (HS lớp 8A2, Trường THCS Nhơn Ninh) rất ngoan, được thầy cô và bạn bè yêu mến. Hậu tâm sự: “Trước đây, mẹ ít quan tâm đến em. Em hay tụ tập theo bạn bè chơi game, đánh lộn, cúp tiết, chửi thề,... Sau khi được thầy cô quan tâm giúp đỡ, nhất là làm cầu nối cho em và mẹ, từ đó, em cảm thấy rất vui và bỏ hẳn những tật xấu để chú tâm vào việc học”.

Phối hợp tốt giữa 3 môi trường

Là GV từng gắn bó hơn nửa đời người với sự nghiệp giáo dục, lúc về hưu, cô Phạm Thị Hồng - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, vẫn tâm huyết với công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS chưa ngoan. Năm 2009, với vai trò là Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Tân Chánh, cô Hồng mạnh dạn thành lập mô hình “Giáo dục HS chưa ngoan” và được áp dụng ở các trường: THCS Tân Chánh, Tiểu học Tân Chánh 1 và Tiểu học Tân Chánh 2. Bước đầu, hội phân công hội viên đến gặp gỡ các HS chưa ngoan giới thiệu những tấm gương người tốt - việc tốt,... Tuy nhiên, sự chuyển biến của các em chưa rõ nét. Năm 2012, mô hình có sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 môi trường: Gia đình, nhà trường và xã hội. Xã thành lập Ban Chỉ đạo mô hình “Giáo dục HS chưa ngoan” gồm các thành viên: Trưởng khối Vận xã, Phó Chủ tịch UBND xã, Bí thư Chi bộ ấp, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã,... Sau đó, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Tân Chánh - Phạm Thị Hồng cho biết: “Đến nay, mô hình cảm hóa được 137 HS. Năm học 2017-2018, Ban Chỉ đạo mô hình “Giáo dục HS chưa ngoan” mở rộng đối tượng là 16 HS THPT ngụ xã Tân Chánh đang theo học tại Trường THPT Chu Văn An (thị trấn Cần Đước), đồng thời mời giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM đến nói chuyện chuyên đề “Xây dựng lối sống tích cực cho HS THPT”.

Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Tân Chánh - Phạm Thị Hồng (thứ 2, trái qua) luôn tâm huyết với công tác giáo dục học sinh chưa ngoan

Là HS khuyết tật, thường xuyên bị bạn bè giễu cợt, em Phạm Thanh Thắng (HS lớp 8, Trường THCS Tân Chánh) không kiềm chế được tính nóng nảy nên thường đánh nhau với bạn. Biết được hoàn cảnh của Thắng, Hội Cựu giáo chức phối hợp Ban Giám hiệu, GV chủ nhiệm thường xuyên gặp gỡ, dò bài, động viên tinh thần. Sau đó, Thắng có những chuyển biến tích cực, kết quả học tập được nâng lên.

Nhận xét về cô Phạm Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Chánh - Huỳnh Thị Kim Chi cho rằng: “Mặc dù tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng cô Hồng rất tâm huyết trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống cho HS chưa ngoan. Cô trở thành cầu nối giữa nhà trường, gia đình và xã hội, từ đó phát huy sức mạnh phối hợp giữa 3 môi trường trong việc giáo dục HS chưa ngoan. Đặc biệt, hàng năm, cô tham mưu Đảng ủy, UBND những cách làm mới để mô hình “Giáo dục HS chưa ngoan” ngày càng phát huy hiệu quả. Đến nay, mô hình được nhân rộng ra toàn huyện. Những việc làm tâm huyết của cô Hồng đối với HS chính là tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay noi theo”.

Sinh thời, Bác Hồ từng dạy “Có tài mà không có đức là người vô dụng...”. Thực hiện lời Bác dạy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 môi trường trong việc dạy chữ, dạy người, giúp học sinh trang bị những kỹ năng sống cần thiết để có thể phân biệt đúng - sai, những việc nên làm, không nên làm và biết sống bao dung để trở thành con ngoan, trò giỏi,.../.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết