Đọc, viết được chữ với các em trong lớp học tình thương là niềm vui
Nhọc nhằn gieo chữ
Lớp học tình thương ở một điểm trường thuộc ấp Cả Cối, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bến Phố mở vào đầu năm học 2016-2017 không phải là lớp đầu tiên mà là lớp học thứ 7. Dù lắm nhọc nhằn nhưng những lớp học mà người lính biên phòng vào vai thầy giáo vẫn được duy trì nhiều năm chỉ vì nguyện ước gieo chữ cho những đứa trẻ lem luốc vừa trở về quê hương sau nhiều năm theo mẹ cha mưu sinh ở nước bạn Campuchia.
Thầy giáo đang giúp 14 đứa trẻ trong lớp học tình thương này (lớp 1) biết từng con chữ, con số là binh nhất Nguyễn Văn Linh. Quê ở huyện Tân Hưng, nhập ngũ từ tháng 1-2016, anh được phân công nhiệm vụ làm thầy giáo quân hàm xanh. Anh Linh bộc bạch: “Dù chưa một ngày đứng trên bục giảng nhưng nghĩ đến các em một chữ bẻ đôi chưa biết nên dẫu nhọc nhằn, gian khó, tôi cũng cố gắng hết mình để làm tròn vai một thầy giáo. Chỉ cần nghe các em đọc trọn một bài tập đọc, viết được những từ đã học là tôi vui lắm rồi!”.
Thương các em ở lớp học tình thương còn nhiều thiếu thốn, chưa được học hành nên quãng đường 8km từ đơn vị đến lớp, đối với anh Linh đâu có sá gì! Mỗi sáng, khoác chiếc ba lô trên vai, anh lọc cọc đạp xe đến với các em. Mỗi ngày 4 lượt đi - về, những cơn mưa như trút nước và cái nắng cháy bỏng ở vùng biên giới không làm anh chùn bước. “Đạp xe đường xa cũng mệt nhưng đến lớp, bọn trẻ chạy đến khoanh tay chào thầy, vui mừng đón tôi vào lớp là những mệt nhọc dường như tan biến. Không chỉ vậy, có hôm tan học, phụ huynh chưa đến đón con, tôi còn chở học trò về tận nhà rồi mới về đơn vị” - Binh nhất Nguyễn Văn Linh kể.
Tình thầy - trò nơi biên cương là sức mạnh để cùng nhau vượt khó trong hành trình gieo chữ. Tuy nhiên, cái khó nhất là làm sao truyền dạy hiệu quả cho các em. Binh nhất Nguyễn Văn Linh chia sẻ: “Trong lớp, trình độ các em không đều nhau nên việc giảng dạy rất khó. Các em tiếp thu bài rất chậm, phải tận tình chỉ dạy mới nắm bắt từ từ. Năm nay, trong lớp học tình thương có một em lẽ ra lên học lớp 2 nhưng khi kiểm tra kiến thức, thấy chưa ổn, tôi cho em học lại lớp 1 để viết, đọc chắc hơn”.
Gieo chữ đã khó, giữ sĩ số lớp đầy đủ càng khó hơn. “Cứ đôi ba hôm lại có em xin vắng vì theo cha mẹ đi làm rồi sau đó lại quay vào lớp học. Hơn nữa, đa số các em trong lớp học tình thương có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn mọi bề nên việc đến trường cũng khó. Để các em có áo quần, cặp, sách, vở đến trường, hàng tháng, mỗi cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bến Phố trích vài ngàn đồng và vận động các tổ chức, mạnh thường quân hỗ trợ các em” - Phó Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Bến Phố - Thiếu tá Nguyễn Văn Chính cho biết.
Ngoài dạy kiến thức, học trò ở lớp học tình thương được thầy giáo quân hàm xanh dạy những lễ nghĩa trong cuộc sống. Đó là tình yêu thương, giúp đỡ bạn bè và biết vâng lời ông bà, cha mẹ,...
Đọc, viết được chữ với các em trong lớp học tình thương là niềm vui
“Qua khảo sát, địa bàn xã Hưng Điền A có 27 hộ trở về từ Campuchia với hơn 137 nhân khẩu, trong đó có gần 30 em trong độ tuổi đi học (từ 6 đến 16 tuổi). Qua vận động, có 20 em đến lớp học tình thương. Hiện tại, Đồn Biên phòng Bến Phố mở 2 lớp học tình thương dành cho các em, trong đó, lớp 1 có 14 học sinh học buổi sáng và lớp 2 có 6 em học vào buổi chiều. Ngoài ra, tính từ năm 2012, đồn mở 7 lớp học tình thương và hiện có 5 em của lớp này đang theo học các lớp (từ lớp 5 đến lớp 9) ở các trường tiểu học, THCS trên địa bàn xã” - Thiếu tá Nguyễn Văn Chính cho biết. |
Học chữ là niềm vui
Ngày trước - những ngày còn rong ruổi mưu sinh bên đất nước chùa tháp, nếu con chữ với những đứa trẻ tóc vàng hoe, da ngăm đen còn là điều xa xỉ thì bây giờ, các em có thể viết tròn trịa tên của mình và làm được những phép cộng, trừ, nhân, chia đơn giản.
11 tuổi - cái tuổi ngấp nghé bước vào học THCS nhưng em Trần Văn Thái, ở ấp 2, xã Hưng Điền A mới học lớp 1 trong lớp học tình thương. Trong khi các bạn đồng trang lứa đọc vanh vách những bài văn, bài thơ thì Thái còn ghép vần, đánh vần từng chữ cái. Thái bảo rằng: “Ngày còn ở Campuchia, cha mẹ đi làm mướn, em ở nhà giữ em nên không đi học. Từ khi về đây sinh sống, mấy chú bộ đội đến nhà kêu em đi học nên cha mẹ đồng ý. Bây giờ, viết được tên mình và đọc được chữ, em vui lắm!”.
Không những viết được tên mình, các em còn viết được tên mẹ, tên cha. Khi viết nên những dòng chữ này, niềm vui của các em không thể nào diễn tả, bởi đây là một “kỳ tích” đối với các em. “Khi về nhà, em viết tên cha, tên mẹ và những từ em học ở trường cho mẹ xem. Mẹ em cười, khen nên em rất thích và sẽ cố gắng theo học ở lớp cùng các bạn” - em Nguyễn Văn Lạc, 11 tuổi, ở ấp 2, xã Hưng Điền A vui mừng nói.
Ở lớp học tình thương, trên một góc bảng, bài viết kèm hình ảnh về tấm gương bé Linh Chi, dù bị tàn tật một cánh tay nhưng vẫn cố gắng học, tập viết như một góc giáo dục tinh thần ham học, siêng năng đến lớp cho các em. Góc giáo dục này cũng giống với hoàn cảnh của em Trần Hoàng Anh, ở ấp 2 - một học trò đặc biệt trong lớp học tình thương. Tuy không phải là đứa trẻ trở về từ Campuchia như các bạn trong lớp, dù đủ đầy giấy tờ để đi học chính thức nhưng con đường đến trường của Hoàng Anh mất hút chỉ vì đôi chân tật nguyền không đi lại được. 12 tuổi, lần đầu tiên, Hoàng Anh biết đến chữ cái khi được thầy giáo lớp học tình thương nhận dạy.
Hoàng Anh nghẹn ngào nói: “Thấy em trai đi học, em rất thích nên xin mẹ cho đi. Thế là, mẹ cho em học lớp học tình thương và mỗi ngày đưa em đến trường. Vừa rồi, em được mấy chú bộ đội vận động, tặng xe lăn nên ngồi học cũng dễ hơn. Em thích học chữ và sẽ cố gắng như gương bạn Linh Chi. Ở trong lớp, mấy bạn khác cũng rất thương và hay giúp đỡ em”.
14 đứa trẻ trong một lớp học tình thương, mỗi đứa một hoàn cảnh nhưng đều chung niềm ao ước biết đọc chữ. Câu nói ngây ngô “con thích học chữ để không mắc cỡ với người ta, để mai này làm thầy giáo dạy chữ cho những đứa trẻ như con” khiến người nghe nghẹn lòng. Mong rằng, những lớp học tình thương như thế được duy trì để những đứa trẻ trở về từ bên kia biên giới sẽ chạm được con chữ như niềm ao ước của các em./.
Nguyễn Ngọc