Tiếng Việt | English

09/11/2021 - 10:37

Đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng

Huyện Đức Hòa, tỉnh Long An tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư (TĐC) trên địa bàn, tạo quỹ đất sạch, sớm bàn giao mặt bằng thực hiện các dự án (DA), góp phần phát triển KT - XH địa phương.

Công tác giải phóng mặt bằng được tập trung thực hiện để bàn giao đất làm dự án

Công tác giải phóng mặt bằng được tập trung thực hiện để bàn giao đất làm dự án

Giải phóng mặt bằng - nhiệm vụ trọng tâm

Xác định công tác bồi thường, GPMB là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, huyện Đức Hòa tập trung quyết liệt, thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc công tác này. Nhiều công trình, DA được bàn giao mặt bằng sớm, hoàn thành, đưa vào hoạt động, phát huy hiệu quả, góp phần phát triển KT - XH địa phương cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Theo ông Nguyễn Văn Hùng (xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa), gia đình hiểu được tầm quan trọng của DA nên nhanh chóng bàn giao đất để thực hiện. Người dân kiến nghị địa phương lựa chọn những nhà đầu tư có năng lực, sau khi thu hồi đất phải triển khai, thực hiện DA sớm, tránh tình trạng kéo dài, gây lãng phí tài nguyên đất.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hải Vân (xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa) cho biết: “Chúng tôi rất đồng tình, ủng hộ chủ trương của Nhà nước và khi có chủ trương thu đất làm DA, gia đình tôi nhanh chóng bàn giao. Tuy nhiên, địa phương nên lựa chọn những nhà đầu tư có đầy đủ năng lực khi thực hiện DA, tránh việc chậm triển khai, ảnh hưởng đến công việc chung. Bên cạnh đó, ngành chức năng phải kiểm tra, đôn đốc các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện DA để sớm đưa công trình vào hoạt động theo đúng mục đích, ý nghĩa ban đầu, góp phần vào sự phát triển của địa phương”.

Theo Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Lê Trường Chinh, công tác bồi thường, GPMB, hỗ trợ TĐC trên địa bàn huyện đạt một số kết quả, nhất là từ khi có Kết luận 720-KL/TU, ngày 29/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Huyện bồi thường được hơn 425ha của 2.191 hộ, tổng số tiền chi trả hơn 3.800 tỉ đồng. Trong đó, 13 DA bồi thường xong và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để triển khai DA.

Riêng năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện DA. Huyện tập trung vào một số DA trọng điểm, tạo động lực, sức bật để thực hiện những DA tiếp theo. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, huyện đã kê biên, kiểm đếm 11 DA, diện tích hơn 480ha, 1.721 hộ; chi trả bồi thường 13 DA với 157 hộ, diện tích gần 48ha, tổng số tiền gần 510 tỉ đồng.

Tạo sự nhất quán trong công tác giải phóng mặt bằng

Bên cạnh những kết quả, công tác bồi thường, GPMB, TĐC trên địa bàn huyện còn gặp những khó khăn nhất định. Công tác vận động người dân bị thu hồi đất, kiểm đếm đất, tài sản trên đất không thực hiện được do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên tiến độ GPMB của một số DA còn chậm so với yêu cầu.

Một số DA khi triển khai bị vướng các chính sách, pháp luật,... gây chậm trễ trong việc thực hiện như quy định về DA sử dụng đất lúa trên 10ha phải xin chủ trương chuyển mục đích của Chính phủ, điều này làm mất nhiều thời gian; một số quy định khác cũng chưa phù hợp với thực tế. Một số trường hợp người bị thu hồi đất, tài sản trên đất không ký tên trong biên bản để thống nhất số liệu dẫn đến khó khăn khi thực hiện.

Một số DA vì muốn đẩy nhanh tiến độ GPMB nên các chủ đầu tư tự thỏa thuận giá chuyển nhượng với người dân dẫn đến khó khăn cho quá trình kê biên DA liền kề. Nhận thức của một bộ phận người dân chưa cao nên khi triển khai công tác này cũng còn vướng mắc. Một số chủ đầu tư năng lực còn thấp nên khi triển khai, thực hiện, phương án tài chính chưa bảo đảm, dẫn đến chậm chi trả bồi thường khi người dân có nhu cầu nhận tiền, chậm xây dựng phương án bố trí TĐC,... gây ảnh hưởng, dư luận không tốt.

Địa phương giáp với TP.HCM, việc biến động đất đai, giá đất tương đối lớn nên quá trình vận động người dân còn gặp khó khăn nhất định. Mặt khác, sự phối hợp giữa các đơn vị đôi lúc còn chưa chặt chẽ nên quá trình triển khai còn một số vướng mắc, bất cập,...

Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Lê Trường Chinh thông tin: Để công tác này đạt hiệu quả trong thời gian tới, huyện có chỉ đạo, giải pháp cụ thể đối với từng DA và đẩy mạnh việc thực hiện. Huyện tiếp tục quán triệt tinh thần Kết luận 720-KL/TU, ngày 29/03/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tạo sự nhất quán trong công tác GPMB. Huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Huyện sẽ nâng cao trách nhiệm của các cơ quan là thành viên Hội đồng kê biên, bồi thường; các đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ kê biên và cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác kê biên, GPMB, TĐC. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức và người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc theo dõi, giám sát, trực tiếp đến địa bàn để nắm bắt tình hình, từ đó có giải pháp phù hợp.

Huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công khai, minh bạch chủ trương, tiến độ thực hiện các DA. Bên cạnh đó, huyện tăng cường kiểm tra, khảo sát thực tế tại các DA, kịp thời giải quyết các khiếu nại, kiến nghị của người dân, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên trách thực hiện công tác bồi thường, GPMB đáp ứng với yêu cầu giai đoạn hiện nay. Huyện kiến nghị tỉnh hỗ trợ, hướng dẫn về các cơ chế, chính sách liên quan, triển khai đơn giá bồi thường, nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên làm công tác GPMB,..../.

Huyện Đức Hòa đang thực hiện công tác GPMB đối với 97 DA (17 DA đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước, 80 DA ngoài ngân sách). Trong đó, 12 DA khu công nghiệp, 12 DA cụm công nghiệp, 48 DA khu dân cư - tái định cư - nhà ở công nhân, 25 DA đầu tư khác.

Tổng diện tích đất thu hồi hơn 6.112ha, gần 19.000 hộ, cá nhân bị ảnh hưởng. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, huyện kê biên, kiểm đếm 11 DA, diện tích hơn 480ha, 1.721 hộ; chi trả bồi thường 13 DA với 157 hộ, diện tích gần 48ha, tổng số tiền gần 510 tỉ đồng.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết