Thực trạng “thừa thầy thiếu thợ”, tỷ lệ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp tăng cao là một trong những vấn đề nhức nhối của ngành Giáo dục nước ta hiện nay. Nguyên nhân cơ bản xuất phát từ đại đa số học sinh khi còn ngồi ghế nhà trường không xác định rõ mục tiêu tương lai của mình, mơ hồ về nghề nghiệp sau này, nhưng quan trọng hơn cả chính là công tác hướng nghiệp của các trường phổ thông, trường đại học chưa phát huy tốt, đặc biệt ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, học sinh rất “khát” thông tin!
Hiện nay, đa số học sinh phổ thông, ngay cả sinh viên đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học mơ hồ về định hướng nghề nghiệp. Học sinh phổ thông không biết chọn học ngành nào nên học theo định hướng gia đình, học vì thấy ngành đó đang là thời thượng. Bên cạnh đó, đang tồn tại một thực tế là cha mẹ quyết định tương lai nghề nghiệp của con. Phụ huynh nào cũng muốn con sẽ làm quản lý chứ không chấp nhận cho làm người lao động trực tiếp. Từ những nguyên nhân chủ yếu trên, chính công tác hướng nghiệp ở Việt Nam chưa được chú trọng đúng mức dẫn đến việc học sinh, sinh viên loay hoay với những thắc mắc về định hướng nghề nghiệp.
Thiết nghĩ, đẩy mạnh công tác hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên là vấn đề quan trọng cần sự quan tâm của xã hội, nhà trường và gia đình. Công tác hướng nghiệp hiệu quả sẽ mang đến nhiều kết quả khả quan trước thực trạng sinh viên “tốt nghiệp là thất nghiệp” hiện nay. Đồng thời, đối với học sinh, các bạn phải có trách nhiệm với bản thân, kỹ lưỡng trong việc tìm hiểu ngành và trường học, hiểu rõ khả năng bản thân./.
Phương Trà