Tiếng Việt | English

16/03/2017 - 19:38

Dạy nghề từ nhu cầu thực tế

Với phương châm “Dạy nghề phải sát với tình hình thực tế ở địa phương, không chạy theo thành tích”, thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Nhờ được các cấp, các ngành mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật mà nông dân có kiến thức trong trồng trọt và chăn nuôi

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện - Nguyễn Minh Vương cho biết: “Dạy nghề cho lao động nông thôn là một trong những biện pháp giảm nghèo bền vững và hiệu quả. Vì vậy, Phòng LĐ-TB&XH luôn chủ động phối hợp các ngành liên quan khảo sát nhu cầu học nghề ở các địa phương và nhu cầu lao động của xã hội. Đó là cơ sở để Phòng LĐ-TB&XH mở các lớp dạy nghề. Ngoài ra, Phòng LĐ-TB&XH tham mưu không tổ chức những lớp học không phù hợp với thực tế và mạnh dạn mời giáo viên về đào tạo những ngành mà xã hội đang cần. Kết quả sau khi học nghề, các học viên có việc làm trên 80%”.

Năm 2016, huyện Cần Đước mở 15 lớp dạy nghề, thu hút 470 học viên tham gia, gồm: Kỹ thuật trồng nấm rơm, đan nhựa, kỹ thuật trồng rau an toàn, kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho gà,...

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lân - Trần Thị Yến Nga thông tin: “Thời gian qua, xã phát triển nghề nuôi gà lấy trứng. Địa phương thường xuyên tổ chức các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nhất là các lớp về kỹ thuật nuôi và phòng bệnh cho gà với thời gian 2 tháng. Từ đó, nông dân thay đổi cách chăm sóc nên hạn chế được dịch bệnh và tăng năng suất. Hầu hết học viên sau khi học nghề đều có việc làm ổn định trên 80%, vì vậy, góp phần giúp địa phương giảm nghèo bền vững và hạn chế tình trạng tái nghèo”.

Bà Nguyễn Thị Mai (ấp Ao Gòn, xã Tân Lân) bộc bạch: “Gia đình tôi nhiều thế hệ sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi. Những năm gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp nên thường xảy ra dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, do đó, kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn.

Từ khi tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi giúp tôi có kiến thức về phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Hiện nay, gia đình đang nuôi 6.000 con gà công nghiệp lấy trứng và rất an tâm trong khâu phòng, chống dịch bệnh”.

Bà Nguyễn Thị Mai (ở ấp Ao Gòn, xã Tân Lân) nhờ được tham gia lớp kỹ thuật nuôi và phòng bệnh cho gà với thời gian 2 tháng mà có kiến thức trong phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

Không nghề nghiệp ổn định, do đó, gia đình chị Nguyễn Thị Mãi (xã Phước Đông) lúc nào cũng lâm vào cảnh túng thiếu. Được sự giới thiệu của người bà con, chị mạnh dạn tham gia lớp may công nghiệp.

Chị Mãi chia sẻ: “Với sự cần cù, ham học hỏi, tôi được Công ty May Đức Ngọc (xã Phước Đông) nhận vào làm việc với mức lương trên 4 triệu đồng/tháng. Hiện nay, kinh tế gia đình ổn định và có điều kiện lo cho 2 con ăn học”.

Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thời gian qua, ngành LĐ-TB&XH huyện tạo được sự chuyển biến tích cực. Đặc biệt, người dân tiếp cận nhiều kiến thức mới trong các lĩnh vực liên quan đến nhu cầu thực tế. Từ đó, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, thay đổi tư duy sản xuất và tạo việc làm ổn định.

Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Cần Đước - Nguyễn Minh Vương thông tin thêm: “Thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH huyện tiếp tục cùng các doanh nghiệp mở các lớp đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp; mở một điểm tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; phối hợp Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp Cần Đước mở các lớp vừa học, vừa làm cho học sinh đang theo học tại trung tâm, từ đó tạo việc làm cho các em sau khi tốt nghiệp; tiếp tục xác định rõ nhu cầu học nghề ở địa phương để mở các lớp dạy nghề phù hợp,...”./.

Lê Ngọc 

Chia sẻ bài viết