Đáp ứng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực
Trường Cao đẳng Nghề Long An là một trong những trường nghề uy tín, chất lượng và có thương hiệu trong tỉnh. Hiện nay, trường có 60 lớp với trên 1.200 HS,SV theo học các nghề: Điện công nghiệp, cơ điện tử, cắt gọt kim loại, kế toán doanh nghiệp,... Hàng năm, chỉ tiêu tuyển sinh của trường đều đạt và vượt kế hoạch. Thương hiệu của trường không chỉ được khẳng định bởi tỷ lệ tuyển sinh mà còn bởi 97% HS,SV ra trường có việc làm ổn định.
Học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Long An được tiếp cận những thiết bị hiện đại với công nghệ cao, góp phần nâng cao tay nghề
Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Long An - Phạm Văn Thịnh cho biết: “Để đạt kết quả trên, thời gian qua, trường không ngừng tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp tập huấn và học tập nâng cao trình độ chuyên môn; đẩy mạnh các hình thức liên thông, liên kết; tăng cường các trang thiết bị dạy học; cập nhật giáo án giảng dạy thường xuyên,... Ngoài ra, trường còn phối hợp các DN đưa HS,SV đến thực tập và mời DN về trường tư vấn tuyển sinh cho các HS,SV trong buổi lễ tốt nghiệp”.
Bên cạnh đó, Trường Cao đẳng Nghề Long An còn tổ chức tư vấn về ngành nghề cho người lao động khi muốn nộp hồ sơ học nghề tại trường. Qua đó, người học sẽ tìm được nghề phù hợp với khả năng, sở thích,... từ đó, chất lượng đào tạo cũng được nâng lên. Anh Lê Văn Hậu đang học nghề cắt gọt kim loại tại Trường Cao đẳng Nghề Long An chia sẻ: “Lúc mới đăng ký học nghề, tôi không biết khả năng mình phù hợp với nghề nào và nhu cầu lao động của xã hội ra sao. Được trường tư vấn, tôi mạnh dạn chọn nghề cắt gọt kim loại và cảm nhận mình rất phù hợp với nghề này”.
“Bắt tay” với doanh nghiệp
Không chỉ chú trọng việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, các cơ sở dạy nghề còn chủ động đào tạo nghề theo nhu cầu của DN. Vì vậy, người lao động dễ dàng tìm được việc làm với mức lương cao sau khi tốt nghiệp.
Học viên Trung tâm Dịch vụ việc làm Long An chú trọng thực hành
Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trung tâm Dịch vụ việc làm Long An - Đoàn Thị Hoan cho biết: “Lúc đầu, chúng tôi làm việc với DN xin cho học viên (HV) thực tập rất khó khăn. Bởi các DN chưa biết trình độ các em làm việc như thế nào, sẽ làm ảnh hưởng đến sản phẩm của đơn vị. Tuy nhiên, khi thấy tay nghề của các em tốt, nhiều DN không chỉ hỗ trợ thực tập mà còn đặt hàng khi các em ra trường. Điển hình như: Công ty (Cty) Cổ phần Thép TVP, Cty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Hòa Bình,...”.
Hiện nay, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh tạo được sự gắn kết giữa các cơ sở dạy nghề với các DN. Qua đó, giúp người học nghề có điều kiện tiếp cận các thiết bị, công nghệ hiện đại.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cty Cổ phần Thép TVP (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) - Mai Trí Hiếu cho biết: “Trước đây, tay nghề của người lao động rất thấp nên không đáp ứng được nhu cầu của Cty. Vì vậy, Cty phải mất nhiều thời gian, chi phí để đào tạo lại. Từ khi Cty ký bản ghi nhớ hợp tác với Trung tâm Dịch vụ việc làm Long An, 2 bên hỗ trợ qua lại rất tốt. Thời gian qua, Cty luôn tạo điều kiện cho các HV tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Long An vào thực tập. Qua đó, chúng tôi sẵn sàng giữ lại những HV có tay nghề tốt để làm việc tại Cty với mức lương ban đầu từ 5 triệu đồng/tháng trở lên”.
Những năm trước, hầu hết các cơ sở dạy nghề của tỉnh đều gặp phải tình trạng phụ huynh và học sinh quay lưng với học nghề mà chỉ chú trọng đến con đường đại học. Từ đó, làm cho xã hội xảy ra tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.
Học viên Trung tâm Dịch vụ việc làm Long An sau khi thực tập được giữ lại làm việc tại Công ty Cổ phần Thép TVP (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức)
Với sự nỗ lực của các cơ sở dạy nghề trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm HV sau khi tốt nghiệp sẽ có việc làm ổn định, phối hợp chặt chẽ với các DN,... Hiện nay, các cơ sở dạy nghề tạo được uy tín, lòng tin cho phụ huynh và HV.
Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Đặng Tấn Thảo nói, hầu hết các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đều “bắt tay” với các DN trong việc đưa HV đến thực tập và cung ứng nguồn lao động cho các DN. Ngoài ra, các cơ sở dạy nghề luôn chủ động bám sát, điều tra gắn dự báo nhu cầu lao động của các DN để đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu DN và thị trường lao động; sẵn sàng đào tạo các nghề ngắn hạn nhằm đáp ứng nhu cầu của DN,... Năm 2015, tỷ lệ HV ra trường có việc làm đạt trên 95%.
Có thể nói, việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và đào tạo nghề gắn kết với nhu cầu của DN và thị trường lao động là một trong những giải pháp quan trọng để dạy nghề phát triển bền vững trong thời gian tới./.
Kim Ngọc