Sinh viên với môi trường hội nhập quốc tế
Với mong muốn nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trên phạm vi toàn quốc nhằm trang bị cho thế hệ học sinh (HS), sinh viên sau này đáp ứng được xu thế toàn cầu, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước, tháng 9-2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1400/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của toàn xã hội, chứ không riêng gì ngành Giáo dục và Đào tạo. Đến nay, sau hơn 7 năm đề án được thực hiện, chúng tôi xin đưa ra quan điểm liên quan đến mô hình kiểm tra, đánh giá giáo viên (GV) và HS qua bộ môn ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh.
Qua hơn 7 năm, hầu hết GV tiếng Anh các tỉnh, thành trong cả nước đều tham gia đánh giá trình độ tiếng Anh. Tuy nhiên, phần lớn các GV đều tham gia các kỳ thi đánh giá nội bộ do các trường đại học trong nước tổ chức. Liệu kết quả đánh giá này đã xác thực và phản ánh chính xác năng lực của GV? Đây vẫn là một câu hỏi mà những ai thực sự quan tâm đến chất lượng sẽ luôn trăn trở. Thực tế cho thấy, việc đánh giá chất lượng dạy và học phải thực sự song hành cùng nhau mới mong cải thiện được năng lực tiếng Anh của cả một thế hệ. Móng có chắc thì nhà mới vững, thầy phải giỏi thì trò mới giỏi. Vì vậy, câu hỏi trên vẫn còn bỏ ngỏ, chưa có câu trả lời...
Việc đánh giá HS cũng từng bước cải thiện trong 7 năm qua. HS đều tham gia học thêm tiếng Anh qua các chương trình tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh thí điểm hoặc các chương trình song ngữ. Tuy nhiên, việc đánh giá HS vẫn chưa có sự đồng bộ, nhất quán. Trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích việc dạy HS đủ 4 kỹ năng: Nghe - nói - đọc - viết thì vẫn còn nhiều nơi chỉ sử dụng cách kiểm tra 2 kỹ năng nghe và đọc hiểu để đánh giá năng lực tiếng Anh của HS.
Việc công nhận chứng chỉ quốc tế để xét tốt nghiệp vẫn chưa thật sự rõ ràng. Có vài kỳ thi nội bộ chỉ kiểm tra 2 kỹ năng cũng được xếp vào xét công nhận chung với các kỳ thi quốc tế như IELTS hay TOEFL. Các chứng chỉ quốc tế của Đại học Cambridge kiểm tra đầy đủ cả 4 kỹ năng thì vẫn chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào xét công nhận tốt nghiệp. Vậy tiêu chí để nâng cao năng lực tiếng Anh của HS Việt Nam dựa vào đâu?
Khi ngưỡng cửa hội nhập thế giới ở ngay trước mặt (Việt Nam đã gia nhập TPP và AEC), sức cạnh tranh về nguồn lao động chất lượng cao ngày càng tăng. Liệu Việt Nam có đủ khả năng chen vai giành phần với các anh cả Singapore - nơi mà tiếng Anh được sử dụng như ngôn ngữ chính, hay Malaysia, Philippines - nơi tiếng Anh được xem là ngôn ngữ thứ hai. Rồi còn các “anh ba, chị tư” và nhiều quốc gia khác có lợi thế cạnh tranh hơn ta về cả hiệu suất công việc lẫn kỹ năng mềm và óc tư duy sáng tạo. Chúng ta chuẩn bị được gì và tới đâu? - đừng loanh quanh với những “chuẩn” mà chưa chuẩn./.
Thạc sĩ Nguyễn Quang Hiếu (Đại học FPT)