Vợ chồng anh Võ Văn Ngân, ở xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa luôn dành thời gian cho con. Ảnh: Thùy Hương
Một sự nhịn, chín sự lành
Ngày trước, trong một gia đình truyền thống, đàn ông là trụ cột lo tài chính, người phụ nữ chỉ ở nhà chăm sóc tốt cho chồng, nuôi dạy con cái nên người đã là “công, dung, ngôn, hạnh”. Nhưng ngày nay, ở những gia đình trẻ, cả chồng và vợ đều có công việc riêng trong xã hội. Vì vậy, để tạo điều kiện cho vợ và chồng luôn làm tốt công việc của mình, những đôi vợ chồng trẻ luôn sẻ chia cùng nhau mọi việc trong nhà.
Anh Võ Hữu Triều, 36 tuổi, ở thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An cho biết: “Trước đây, khi vợ còn ở nhà thì mọi việc trong ngoài đều do vợ đảm đương, tôi thì chuyên tâm cho công việc của mình. Nhưng 2 năm nay, để cải thiện kinh tế gia đình nên cứ sáng sớm, vợ tôi ra chợ Tuyên Nhơn bán hàng, đến sập tối mới về nhà. Vì vậy, sau giờ tan việc, tôi phải thay vợ đi chợ, nấu cơm và lo cho 2 đứa nhỏ để vợ an tâm buôn bán”.
Ở những gia đình trẻ là thế! Khi ai cũng có công việc riêng thì chuyện phân biệt “việc này của đàn ông hay chuyện kia của đàn bà” không còn nữa. Những cặp vợ chồng ấy khá bình đẳng! Bình đẳng trong cách nghĩ, trong công việc và sự sẻ chia ấy cũng là một thể hiện của sự bình đẳng.
“Ở nhà, vợ bận chăm con nhỏ, tôi cũng buôn bán nên vợ hoặc chồng, hễ ai rảnh lúc nào thì làm việc nhà thay người kia lúc ấy chứ không chờ đợi. Cuộc sống như vậy mới hạnh phúc, chứ bây giờ, ai cũng có công việc riêng, khi về đến nhà chỉ mỗi vợ hoặc chồng ôm đồm hết tất cả mọi việc thì rất dễ mệt mỏi và khó chịu” - anh Võ Văn Ngân, 32 tuổi, ở xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa chia sẻ.
Gia đình anh Võ Hữu Triều hạnh phúc bên nhau
Sự sẻ chia trong đời sống vợ chồng không chỉ bắt nguồn từ tình yêu thương mà đó còn là sự thấu hiểu, cảm thông để sau một ngày làm việc mệt mỏi, khi trở về nhà, tiếng cười vẫn rộn vang, hạnh phúc vẫn đong đầy. Nhưng, ngoài sự sẻ chia cũng cần sự nhường nhịn vì cuộc sống vợ chồng không tránh khỏi những lần “lời qua tiếng lại”.
Theo chị Lý Hồng My - vợ anh Triều, vợ chồng cưới nhau đã 10 năm, có với nhau 2 đứa con trai nhưng ít khi nào xảy ra cãi vả, có chăng là những lúc bất đồng ý kiến, bàn bạc cùng nhau nhưng không thể đi đến thống nhất. Những lúc ấy, nếu vợ nóng thì chồng phải nhường, còn chồng nóng thì vợ bớt lời rồi sau đó, khi nguôi ngoai sẽ phân tích, nói chuyện với nhau để cùng hiểu. Thông thường, chồng chị My là người luôn nhường nhịn vì anh thương vợ, anh không muốn các con nhỏ nhìn thấy cha mẹ lớn tiếng với nhau trong nhà. Vì vậy, vợ chồng anh Triều chẳng khi nào hờn giận nhau lâu.
Đúng như câu nói ngàn đời của dân gian “Một sự nhịn, chín sự lành”. Ngày trước, nếu phụ nữ chỉ im lặng, cam chịu thì ngày nay, trong các gia đình trẻ, người phụ nữ càng được tôn trọng, được người chồng nhường nhịn, sẻ chia. Ở những gia đình trẻ, quan niệm trọng nam, khinh nữ không còn như ngày trước.
Lạt mềm buộc chặt
Cuộc sống của những đôi vợ chồng trẻ thường bận rộn, vì vậy, để hạnh phúc ngập tràn, để yêu thương không bao giờ nguội tắt thì ngoài thời gian dành cho công việc, các thành viên trong gia đình còn phải có những giây phút dành cho nhau. Những lúc anh Võ Văn Ngân chơi đùa cùng con hay vào bếp vừa lặt rau, vừa trò chuyện cùng vợ làm cho tình cảm cha con, nghĩa vợ chồng thêm khắng khít.
Hay gia đình chị Phùng Thị Hồng Thắm, ở xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An dù cưới nhau đã 3 năm nhưng mối quan hệ vợ chồng vẫn đẹp, lãng mạn như thuở yêu nhau. Chị Thắm kể, cả 2 vợ chồng đều làm việc trong Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa, có khi còn trực đêm nên những ngày cuối tuần, vợ chồng đều sắp xếp thời gian dành cho nhau và cho con. Cuối tuần, anh chị thường xuyên đưa con đi uống cà phê để tạo bầu không khí thoải mái sau một tuần làm việc căng thẳng. Thỉnh thoảng, cả nhà cũng hay đi du lịch ở những nơi gần để thư giãn và vui đùa bên nhau. Đến ngày sinh nhật vợ hoặc chồng, người kia sẽ mua bánh kem, mua quà về tổ chức bữa tiệc nho nhỏ để gia đình cùng quây quần đầm ấm.
“Cuộc sống gia đình sẽ không tẻ nhạt, nhàm chán, tình cảm sẽ không nguội lạnh nếu vợ chồng dành thời gian cho nhau. Cuộc sống tuy có nhiều vất vả, lo toan và công việc chiếm hết thời gian nhưng những lúc bên cạnh chồng, con là tôi cảm thấy vui và hạnh phúc” - chị Thắm chia sẻ.
Bữa cơm gia đình là sợi “lạt mềm buộc chặt”, gắn kết các thành viên trong gia đình
Phút giây dành cho nhau còn là những bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương. Nó như sợi lạt mềm buộc chặt, gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Có người từng nói: “Muốn đánh giá hạnh phúc trong một gia đình, chỉ cần nhìn vào cái bếp”. Điều này hoàn toàn đúng! Bếp nhà lạnh lẽo cũng như tình cảm vợ chồng dần nguội lạnh. Ngược lại, khi bếp nhà mãi ấm thì hạnh phúc ở những gia đình ấy cũng ấm áp, nồng nàn. Đó cũng là cách gìn giữ hạnh phúc của nhiều đôi vợ chồng trẻ ngày nay. Vợ chồng anh Võ Hữu Triều dù không duy trì được 3 bữa cơm gia đình mỗi ngày nhưng bữa cơm chiều chưa khi nào vắng mặt một thành viên.
Anh Triều bảo: “Có những lúc vợ buôn bán về trễ, tôi vẫn đợi cơm. Ngược lại, những lúc tôi bận việc cơ quan về trễ, vợ và các con cũng đợi tôi về cùng ăn bữa cơm. Ở nhà có 2 vợ chồng với 2 đứa con nhỏ, nếu thiếu một người thì bữa cơm sẽ mất vui, không còn ấm cúng”.
Hơn nữa, bữa cơm gia đình luôn ấm áp yêu thương, là nơi thể hiện tình cảm giữa các thành viên. Đây cũng là những phút giây cả nhà cùng ngồi quây quần bên mâm cơm nóng hổi, cùng kể nhau nghe những câu chuyện trong cuộc sống. Bữa cơm vì thế không chỉ là một bữa ăn trong ngày mà còn là nơi giáo dục con cái, vợ chồng san sẻ khó khăn cho nhau.
Chị Hồng My, vợ anh Triều bộc bạch: “Mỗi ngày, vợ chồng đều đi làm cả ngày, 2 con thì đi học bán trú nên chỉ có bữa cơm chiều là đông đủ mọi người. Vừa ăn cơm, con vừa kể chuyện ở trường, ở lớp cho ba mẹ nghe. Ba thì kể về công việc, mẹ nói về chuyện buôn bán thường ngày ở chợ nên bữa cơm rất rôm rả, ấm cúng. Cũng từ đó, ba mẹ dạy con những điều hay, lẽ phải để hình thành cho con một nhân cách tốt”.
Bữa cơm gia đình theo chị Nguyễn Thị Kim Chi, vợ anh Ngân, còn là một “thói quen” không thể nào thiếu mỗi ngày. Chị Kim Chi nói: “Ăn cơm chung với cả nhà trở thành điều thân quen. Nếu chỉ ăn một mình thì sẽ không ngon và cảm giác thiếu vắng điều gì đó. Ngày nay, thức ăn nhanh được bày bán đầy ở chợ, ngoài phố nhưng nếu chọn cơm hàng cháo chợ thì bữa cơm gia đình sẽ mất vui. Khi cả chồng và vợ cùng vào bếp chuẩn bị bữa ăn cũng là cách thể hiện tình cảm dành cho nhau”. Những bữa cơm vội vàng, không đủ các thành viên chỉ để no bụng chứ không còn ý nghĩa thiêng liêng, không còn là sợi dây liên kết cảm tình. Vì vậy, gìn giữ những giá trị từ bữa cơm gia đình là những gia đình trẻ đang trân giữ hạnh phúc vợ chồng.
Cuộc sống gia đình muôn màu, muôn vẻ, sẽ không còn lãng mạn như thời yêu đương nên để tình yêu không nguội lạnh, để hạnh phúc mãi đong đầy là một nghệ thuật mà cả chồng và vợ phải cùng nhau vun đắp. Hãy đủ yêu thương, đủ cảm thông và chia sẻ để hạnh phúc tràn đầy, tiếng cười mãi rộn vang trong những mái nhà./.
Thùy Hương