Tiếng Việt | English

14/05/2021 - 10:19

Để Luật Đất đai 2013 đi vào thực tế

Ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tham mưu, đề xuất cấp trên điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Luật Đất đai năm 2013 phù hợp với thực tế địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực chuyên ngành, thúc đẩy KT-XH tỉnh nhà phát triển.

Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy KT-XH phát triển

Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy KT-XH phát triển

Từng bước đi vào cuộc sống

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT - Nguyễn Văn Thông, từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, nghiêm túc triển khai, thực hiện đạt nhiều kết quả nhất định. Công tác tuyên truyền pháp luật về đất đai được xác định là nhiệm vụ trọng tâm để từng bước đưa Luật Đất đai vào cuộc sống. Công tác lập, điều chỉnh quy hoạch, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất (SDĐ) hàng năm của cấp huyện được thực hiện kịp thời và đúng trình tự thủ tục làm cơ sở cho việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích SDĐ. Việc cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai cơ bản hoàn thành.

Công tác kiểm tra việc quản lý, SDĐ được thực hiện thường xuyên, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao đất, cho thuê đất. Công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai từng bước đi vào nề nếp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.

Bên cạnh đó, công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được triển khai, thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch SDĐ đã được xét duyệt, bảo đảm đúng các quy định của pháp luật về đất đai. Việc chuyển mục đích SDĐ trồng lúa, đất có rừng đặc dụng, rừng phòng hộ vào mục đích khác được kiểm soát chặt chẽ. Công tác xác định giá đất cụ thể để tính thu tiền SDĐ, tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê không thông qua hình thức đấu giá quyền SDĐ, chủ yếu được thực hiện thông qua hình thức thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất thực hiện; giá đất cụ thể được xác định cơ bản phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường theo nguyên tắc định giá đất quy định tại Điều 112 của Luật Đất đai, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước, bảo đảm quyền lợi của người có đất thu hồi,…

Long An kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định Luật Đất đai năm 2013 phù hợp với thực tế

Long An kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định Luật Đất đai năm 2013 phù hợp với thực tế

Một số quy định chưa phù hợp

Tuy nhiên, Luật Đất đai khi triển khai trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số hạn chế, tồn tại nhất định liên quan đến dự án có sử dụng đất trồng lúa; lập thủ tục đất đai đối với các trường hợp kiểm đếm vắng chủ, kiểm đếm bắt buộc; về việc xác định hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; về quản lý, sử dụng quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích; hủy giấy chứng nhận quyền SDĐ; về công tác định giá đất; về giải quyết tranh chấp đất đai; việc khiếu nại đòi lại đất cũ;...

Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi cho biết, Luật Đất đai năm 2013 được thi hành nâng cao công tác quản lý nhà nước tại địa phương. Tuy nhiên, khi áp dụng luật và một số nghị định, quyết định liên quan, địa phương còn gặp những khó khăn nhất định. Một số chỉ tiêu SDĐ, kế hoạch SDĐ chưa được thực hiện đúng theo thời gian, kế hoạch đề ra ban đầu, làm ảnh hưởng đến một số quyền của người SDĐ. Nguyên nhân, phần lớn chủ đầu tư triển khai chậm tiến độ hoặc không đủ năng lực về tài chính, một số người dân không chấp nhận giá đất bồi thường; thời gian đưa chỉ tiêu diện tích đất lúa trên 10ha vào kế hoạch SDĐ hàng năm rất khó xác định vì phải chờ cấp Trung ương chấp thuận chỉ tiêu. Việc tách thửa trong thời gian qua, nhất là tách thửa tặng cho từ cha mẹ cho con bị một số người dân lợi dụng làm manh mún đất đai. Một số thửa tách ra có diện tích rất nhỏ sẽ gây khó khăn trong cấp phép xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng về sau.

Theo Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Lê Thanh Đông, công tác dự báo nhu cầu SDĐ chưa sát với tình hình thực tế phát triển của địa phương. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa chưa gắn với quy hoạch, kế hoạch SDĐ được duyệt. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa rộng khắp các địa bàn trong huyện, nguyên nhân là do người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo nhu cầu thị trường nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phá vỡ quy hoạch của địa phương. Trong khi đó, chế tài xử lý hành vi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa còn vướng mắc.

Ngoài ra, Luật Đất đai năm 2013 khi thi hành tại địa phương vẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Đầu tư; chưa thống nhất giữa Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở trong quy định về khái niệm “nhà đầu tư” và “chủ đầu tư”;...

Đề xuất sửa đổi

Phó Giám đốc Sở TN&MT - Nguyễn Văn Thông thông tin: Để Luật Đất đai năm 2013 thi hành trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, đi vào thực tế cuộc sống, ngành TN&MT tham mưu, đề xuất, kiến nghị cấp trên điều chỉnh, sửa đổi một số nội dung, quy định của Luật Đất đai và các nghị định có liên quan. Trong đó, đề nghị bổ sung Điều 19 Luật Đất đai năm 2013: “Quy định cụ thể cách xác định phần điều tiết giá trị tăng thêm”; sửa đổi Điều 58 Luật Đất đai theo hướng phân cấp cho HĐND cấp tỉnh giám sát và xem xét, quyết định cho phép chuyển mục đích đất trồng lúa không giới hạn diện tích. 

Kiến nghị giữ nguyên đối tượng dự án quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 62 như hiện nay, tuy nhiên, cần quy định những chính sách bồi thường cho phù hợp nhằm bảo đảm khi Nhà nước thu hồi đất, người dân không khiếu nại, khiếu kiện về giá và chính sách bồi thường.

Bên cạnh đó, cần chuyển sang quy định hình thức quản lý bằng công cụ kinh tế: Quy định cụ thể khi nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất nhưng chậm đưa vào sử dụng thì nhà đầu tư phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền SDĐ, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án.

Ngành kiến nghị không thực hiện thu hồi như Điều 64 Luật Đất đai hiện nay. Cần thống nhất quy định giữa Luật Đất đai 2013 và Nghị định số 01/2017/NĐ-CP, ngày 06/01/2017 của Chính phủ; sửa đổi khoản 3, Điều 114 Luật Đất đai 2013 theo hướng: Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh sau khi thẩm định giá đất trình UBND tỉnh phê duyệt. Ngoài cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh thuê đơn vị tư vấn xác định giá đất cụ thể, tùy tình hình thực tế tại địa phương, UBND cấp huyện được thuê đơn vị tư vấn xác định giá đất cụ thể (giá bồi thường).

Đồng thời, ngành kiến nghị sửa đổi bổ sung Điều 118 Luật Đất đai năm 2013 theo hướng: Đối với đất chưa được bồi thường, giải phóng mặt bằng (sau khi hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư bằng nguồn vốn của chủ đầu tư) giao đất, cho nhà đầu tư thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền SDĐ. Lý do: Đất khu vực dự án thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân, tỉnh không có nguồn ngân sách để giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch đủ điều kiện đấu giá quyền SDĐ. Nâng hạn mức giao đất và nhận chuyển quyền SDĐ nông nghiệp. Đề nghị bổ sung Điều 159 Luật Đất đai năm 2013: “Quy định cụ thể hạn mức giao đất cơ sở tôn giáo”. Đề nghị bỏ khoản 3, Điều 191 Luật Đất đai. Chỉnh sửa điểm b, khoản 3, Điều 3 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2021: “Áp dụng thống nhất một phương pháp xác định giá đất theo thị trường không đưa ra quá nhiều phương pháp và có hướng dẫn cụ thể bằng các ví dụ mang tính định lượng”.

Đề nghị có Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung theo quy định về cách tính tiền SDĐ, tiền thuê đất theo hướng: Xác định giá đất tính tiền SDĐ, tiền thuê đất theo giá đất cụ thể (giá thị trường) mà không phân biệt theo giá trị khu đất hoặc thửa đất từ 20 tỉ đồng trở lên hoặc dưới 20 tỉ đồng (thực hiện tương tự như trường hợp quy định của Luật đất đai 2003) để bảo đảm phù hợp giữa giá đất bồi thường và giá đất thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Ngoài ra, ngành đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 5, Điều 3 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT: “Trích đo địa chính thửa đất là việc đo đạc địa chính riêng đối với thửa đất tại nơi chưa có bản đồ địa chính hoặc đã có bản đồ địa chính nhưng không đáp ứng được yêu cầu quản lý đất đai hoặc có biến động về ranh giới sử dụng đất của thửa đất phải chỉnh lý”./.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Minh Lâm chỉ đạo Sở TN&MT phải tổng hợp, hoàn chỉnh quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013 trình UBND tỉnh báo cáo Bộ TN&MT, trong đó phải cập nhật đầy đủ những bất cập, tồn tại, hạn chế trong quá trình thi hành Luật Đất đai. Đồng thời, giao Giám đốc Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh báo cáo đóng góp ý kiến xây dựng Luật Đất đai sửa đổi trước ngày 31/5/2021.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết