Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Văn Thông, từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh Long An luôn quan tâm chỉ đạo, nghiêm túc triển khai thực hiện, đạt nhiều kết quả nhất định, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước, bảo đảm quyền lợi của người có đất thu hồi, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Tuy nhiên, việc thi hành Luật Đất đai trên địa bàn vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế nhất định liên quan đến: Dự án có sử dụng đất trồng lúa; lập thủ tục đất đai đối với các trường hợp kiểm đếm vắng chủ, kiểm đếm bắt buộc; về việc xác định hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; về quản lý, sử dụng quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích; huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; về công tác định giá đất;...
Long An đề xuất sửa đổi một số quy định trong Luật Đất đai năm 2013 phù hợp thực tế địa phương
Từ đó, tỉnh kiến nghị, đề xuất cấp trên điều chỉnh, sửa đổi một số quy định trong Luật Đất đai 2013.
Cụ thể, đề nghị bổ sung Điều 19 Luật Đất đai năm 2013: “Quy định cụ thể cách xác định phần điều tiết giá trị tăng thêm”; Sửa đổi Điều 58 Luật Đất đai theo hướng phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giám sát và xem xét, quyết định cho phép chuyển mục đích đất trồng lúa không giới hạn diện tích; giữ nguyên đối tượng dự án quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 62 như hiện nay.
Tuy nhiên, cần quy định những chính sách bồi thường cho phù hợp nhằm bảo đảm khi nhà nước thu hồi đất người dân không khiếu nại, khiếu kiện về giá và chính sách bồi thường; chuyển sang quy định hình thức quản lý bằng công cụ kinh tế: quy định cụ thể khi nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất nhưng chậm đưa vào sử dụng thì nhà đầu tư phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án.
Không thực hiện thu hồi như Điều 64 Luật Đất đai hiện nay; cần thống nhất quy định giữa Luật Đất đai 2013 và Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ; sửa đổi khoản 3 Điều 114 Luật Đất đai 2013 theo hướng: Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh sau khi thẩm định giá đất trình UBND tỉnh phê dyệt.
Ngoài cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh thuê đơn vị tư vấn xác định giá đất cụ thể; tùy tình hình thực tế tại địa phương UBND cấp huyện được thuê đơn vị tư vấn xác định giá đất cụ thể (giá bồi thường); kiến nghị: sửa đổi bổ sung Điều 118 Luật Đất đai năm 2013 theo hướng: Đối với đất chưa được bồi thường, giải phóng mặt bằng (sau khi hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư bằng nguồn vốn của chủ đầu tư) giao đất, cho nhà đầu tư thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Lý do: Đất khu vực dự án thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân, tỉnh không có nguồn ngân sách để giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch đủ điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất,...
Qua 2 năm triển khai thực hiện Kết luận số 720-KL/TU ngày 29/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư trên địa bàn một số địa phương trọng điểm của tỉnh đến nay, Long An đã bồi thường được 1.036,253ha (trong đó tính từ Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 18 ngày 03/12/2019 đến nay bồi thường 521,831 ha). Tuy đạt được những kết quả nhất định nhưng việc thực hiện Kết luận 720 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Sở cũng đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ và đề xuất UBND tỉnh những giải pháp cụ thể để công tác này thời gian tới trên địa bàn đạt kết quả đề ra.
Tại hội nghị, đại diện một số sở, ngành, địa phương tham gia thảo luận để làm rõ cũng như đề xuất một số ý kiến tháo gỡ khó khăn trong quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013 và thực hiện Kết luận số 720-KL/TU ngày 29/3/2019 trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm đánh giá, quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013 và thực hiện Kết luận số 720-KL/TU ngày 29/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư trên địa bàn một số địa phương trọng điểm của tỉnh đạt được kết quả nhất định
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm đánh giá cao những kết quả đạt được, ý kiến đóng góp của các địa phương, sở ngành trong quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013 và thực hiện Kết luận số 720-KL/TU ngày 29/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư trên địa bàn một số địa phương trọng điểm của tỉnh.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai Luật Đất đai năm 2013 còn nhiều bất cập, hạn chế, không phù hợp với thực tiễn địa phương cần phải được sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới để bảo đảm cơ sở pháp lý cho công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.
Để hoàn thành việc tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, Kết luận số 720-KL/TU ngày 29/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo giao Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn chỉnh nội dung báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai trình UBND tỉnh Long An báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường bảo đảm đúng thời gian quy định. Trong báo cáo phải cập nhật đầy đủ những bất cập, tồn tại, hạn chế trong quá trình thi hành Luật Đất đai mà hội nghị đã nêu. Đồng thời, giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh báo cáo đóng góp ý kiến xây dựng Luật Đất đai sửa đổi trước ngày 30/5/2021; hoàn chỉnh dự thảo báo cáo kết quả thực hiện Kết luận số 720-KL/TU và dự thảo Nghị Quyết chuyên đề về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo để tham mưu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy hoàn thành chậm nhất đến ngày 13/5/2021.
Trong thời gian chờ Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổng kết Kết luận số 720-KL/TU và Trung ương có ý kiến về sửa đổi Luật Đất đai, giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện tập trung rà soát các văn bản của UBND tỉnh đã ban hành trước đây để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật theo đúng thẩm quyền, bảo đảm đồng bộ, chặt chẽ, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của địa phương. Hoàn thành kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Quản lý chặt chẽ hơn quỹ đất công, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm trái phép; tham mưu UBND tỉnh cơ chế quản lý đất công bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước. Tập trung giải quyết các hồ sơ giai đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, rút ngắn thời gian xác định giá đất để bảo đảm vượt thu ngân sách nhà nước về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo Nghị quyết đề ra. Phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND cấp huyện sửa đổi quy định về bồi thường hỗ trợ tái định cư theo hướng tăng hỗ trợ cho người trực canh có hộ khẩu trên địa bàn tỉnh để đẩy mạnh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng tỉnh tập trung cùng với Ban Thường vụ, UBND cấp huyện tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng kéo dài, ban hành kế hoạch bồi thường giải phóng mặt bằng năm 2021, trong đó xác định những dự án trọng tâm cần tập trung thực hiện; đồng thời giao chỉ tiêu giải phóng mặt bằng cho từng địa phương theo hướng giải quyết dứt điểm từng dự án không để tồn đọng, dàn trải. Tập trung hoàn tất các thủ tục liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, xác định giá đất đối với các dự án thuộc chương trình đột phá, công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, phấn đấu đến 12/2021 có tiến hành chi trả bồi thường cho người bị thu hồi đất.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành tỉnh có liên quan, UBND các huyện, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An nghiêm túc triển khai thực hiện ./.
Châu Sơn