Tiếng Việt | English

28/06/2023 - 13:49

Đề Ngữ văn vừa sức, không quá bất ngờ

Ngữ văn là môn thi đầu tiên của thí sinh thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Môn thi này, nhiều thí sinh, giáo viên trên địa bàn tỉnh Long An nhận xét đề vừa sức, không quá bất ngờ và có cấu trúc phù hợp.

Thí sinh trong buổi thi môn Ngữ văn

Đề thi Ngữ văn gồm 2 phần: Đọc hiểu và làm văn. Trong đó, phần đọc hiểu có 4 câu hỏi với 3 điểm; phần làm văn có 2 câu hỏi với 7 điểm.

Phần đọc hiểu trích trong bài thơ “Đi qua cơn giông” của tác giả Anh Ngọc. Sau đó, đề yêu cầu thí sinh xác định thể thơ của đoạn trích; chỉ ra những từ ngữ, hình ảnh miêu tả cơn giông mùa hè; nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh; từ suy ngẫm của tác giả trong dòng thơ "Ai cũng đi qua cơn giông của riêng mình" rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân.

Phần làm văn, đề yêu cầu từ nội dung trích ở phần đọc hiểu, thí sinh viết đoạn văn khoảng 200 chữ, trình bày suy nghĩ về sự cần thiết của việc biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống (2 điểm) và đưa ra đoạn trích trong truyện ngắn "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân, yêu cầu thí sinh phân tích đoạn trích, từ đó nhận xét cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân được thể hiện trong đoạn trích (5 điểm).

Tuy có sự hồi hộp, lo lắng khi bước vào môn thi đầu tiên – môn Ngữ văn nhưng Lý Ngọc Hân, thí sinh điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.Tân An), nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, sự tự tin làm bài thi. Về đề thi môn Ngữ văn năm nay, Ngọc Hân nhận xét vừa sức, không quá bất ngờ. Nhờ học và ôn tập kỹ nên em làm bài thi khá tốt. Đó cũng là động lực để Ngọc Hân tiếp tục cố gắng, nỗ lực trong các môn thi kế tiếp.

Tổ phó Hội đồng bộ môn Ngữ văn Sở Giáo dục và Đào tạo Long An - Nguyễn Trọng Hoàng (giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Rạch Kiến, huyện Cần Đước) nhận xét đề thi Ngữ văn năm nay hoàn toàn theo cấu trúc và định hướng như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông báo. Phần Đọc hiểu, câu hỏi 1 và 2 (mức độ nhận biết) về thể thơ và tìm từ, hầu hết thí sinh có thể lấy trọn điểm; câu 3 (mức độ thông hiểu) yêu cầu nêu tác dụng phép so sánh cũng không khó vì ý thơ khá rõ, nhưng thí sinh có thể quên nêu tác dụng cụ thể hóa, sinh động hóa cơn mưa giông cũng như tạo sức cuốn hút của đoạn thơ. Riêng câu 4 khá mở, cho phép thí sinh có những cảm nhận cá nhân riêng. Có thể nhận định, phần Đọc hiểu vừa sức nhưng vẫn bảo đảm sự phân hóa.

Ở phần Làm văn, thầy Hoàng chia sẻ, câu 1 (nghị luận xã hội) nêu vấn đề quen thuộc, thực tế mà thú vị, có tính giáo dục vì “cân bằng cảm xúc” là chuyện hàng ngày ai cũng đối mặt, đặc biệt là người trẻ. Với câu hỏi này, thí sinh rất dễ viết, vấn đề chỉ là khai thác luận đề nông sâu thế nào. Câu 2 (nghị luận văn học) ra đúng trọng tâm chương trình nhưng vẫn phân loại được nhận thức và tư duy thí sinh. Ngữ liệu trong đề là đoạn kết truyện “Vợ nhặt” vốn đã được ôn tập kỹ, thí sinh không khó viết; nhưng khai thác cho hết các chi tiết và nhất là rút ra “cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân” thì đây chính là chỗ phân hóa bài làm thí sinh.

Theo thầy Hoàng, nhìn chung đề Ngữ văn ở mức trung bình, không khó, nhưng hay và sáng tạo thì chưa./.

An Nhiên – Thanh Nga

Chia sẻ bài viết