Tiếng Việt | English

09/07/2016 - 08:07

Để người Việt xài hàng Việt

Cuộc vận động: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” từ khi phát động được sự hưởng ứng tích cực của toàn xã hội. Đó là dấu hiệu đáng mừng, điều này cũng chứng tỏ cuộc vận động tác động rất lớn đến tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam. Trong những hoạt động hưởng ứng cuộc vận động lớn này có chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn, được các nhà sản xuất trong nước nhiệt tình tham gia và từ đó góp phần tạo được niềm tin nơi người tiêu dùng, nhất là vùng nông thôn vốn thiếu thốn thông tin. Tuy nhiên, từ các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn thời gian qua ở các địa phương, với vai trò là người tiêu dùng, tôi quan tâm vài vấn đề.

Người Việt mình nói chung, nhất là người dân nông thôn nói riêng có tâm lý trong mua sắm, tiêu dùng là thường nghe mách bảo của người dùng trước. Mua gì, sắm gì, xài gì, thường thông qua kênh của “tiếng đồn”, rồi đổ xô đi mua, chứ ít khi dựa vào thông tin chính thống của nhà sản xuất. Vì thế, khi tổ chức đưa hàng tiêu dùng về nông thôn, các nhà sản xuất phải đặc biệt chú ý điều này. Theo đó, những sản phẩm bày bán, ngoài việc bảo đảm chất lượng, giá thành hợp lý,... thì cần có khoảng thời gian bày bán lâu hơn, bởi khi một gia đình nào đó mua về một sản phẩm thì những người hàng xóm hay hỏi han, bàn bạc, tính toán, cân nhắc từ nhiều khía cạnh rồi sau đó mới quyết định mua theo. Một khi “tiếng lành đồn xa”, dần dần họ sẽ rủ nhau mua sắm đông hơn. Và như vậy, nhà sản xuất mới có cơ hội tăng doanh thu bởi những người tiêu dùng này. Thực tế, thời gian qua, mỗi lần tổ chức phiên chợ, dù có thông báo, quảng bá nhưng bày bán trong thời gian quá ngắn thì không thể nào có doanh thu cao được.

Trên địa bàn huyện Cần Đước, nhiều nhà sản xuất cũng nhiều lần tổ chức đưa hàng về nông thôn bán cho người dân ở đây. Nhưng khi thấy doanh thu những ngày đầu không mấy khả quan là họ rút đi chứ không bám trụ lâu ngày hơn. Như đã nói ở trên, nếu các nhà sản xuất và đơn vị tổ chức chịu khó kiên trì và duy trì thời gian dài hơn khoảng 2, 3 tuần trở lên thì chắc chắn người mua sẽ nhiều hơn và như vậy, lợi nhuận sẽ tăng lên.

Việc nữa, khi các nhà kinh doanh tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn nên chú ý ở những vùng sâu hơn, xa hơn chứ không chỉ tập trung ở thị trấn, thị tứ hay những khu dân cư đông đúc. Và càng không nên tổ chức gần trung tâm chợ, vì làm như vậy sẽ không có sức hút và lan tỏa.

Cuối cùng, điều tôi muốn nói là không nên đưa những mặt hàng kim khí điện máy về nông thôn trong những phiên chợ này. Vì khi bỏ ra món tiền khá lớn cho những mặt hàng này, người tiêu dùng ở nông thôn thường tìm mua ở những cửa hàng lớn, có thương hiệu, uy tín lâu năm. Họ ngại mua ở những phiên chợ chỉ bày bán vài ngày rồi đi. Bởi họ không thực sự an tâm nếu lỡ như sản phẩm bị lỗi thì khó có điều kiện khiếu nại hay đổi trả./.

Nguyễn Thanh Hùng Hai

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích