Hãy để trẻ có một tuổi thơ đúng nghĩa, bổ ích và lý thú!
Đừng đánh mất tuổi thơ của trẻ
Hình ảnh các em tụm năm, tụm bảy với nhau để chơi những trò chơi giải trí: Bắn bi, nhảy dây, thả diều, đánh đũa, tạt lon, nhảy lò cò,... thật dễ thương biết bao! Thế nhưng hiện nay, các trò chơi này dần trở nên “xa lạ” đối với các em. Do cha mẹ tất bật với công việc nên trẻ bị “bao vây” bởi bốn bức tường, tiếng ồn và bị ảnh hưởng bởi những sản phẩm công nghệ hiện đại,...
Những điều đó vô tình làm cho trẻ dần thụ động, thiếu sự nhanh nhẹn, hoạt bát trong mọi hoạt động. Một số trẻ (nhất là trẻ em ở thành thị) bị cha mẹ bắt buộc đi học thêm, kể cả kỳ nghỉ hè nên các em không được nghỉ ngơi, thư giãn sau chuỗi ngày miệt mài học tập.
Chị N.T.T, ngụ phường 7, TP.Tân An chia sẻ: “Càng lên lớp lớn hơn, lượng kiến thức phải học càng nhiều, nếu không học thêm thì cháu không thể theo kịp các bạn và không thể nắm bắt được hết chương trình. Vì vậy, ngoài thời gian học ở lớp, tôi phải cho con học thêm và kỳ nghỉ hè cũng giống như học kỳ thứ ba, không chỉ đối với con tôi mà rất nhiều trẻ khác cũng vậy”.
“Do ở nhà không có người trông nom nên tôi phải đi tìm lớp đăng ký học hè vừa giúp con có thể trau dồi thêm kiến thức, vừa có người quản lý. Hơn nữa, bé gái nhà tôi năm nay đang học lớp 2, nghỉ hè xong sẽ vào lớp 3. Năm học vừa qua, cháu không đạt học sinh xuất sắc vì môn Toán điểm thấp, kéo thành tích học tập của cả năm. Điều này khiến tôi rất buồn. Vì vậy, hè này lên lịch cho cháu học thêm, với hy vọng năm sau, cháu sẽ đạt thành tích cao hơn” - chị Trần Thị Huệ, ngụ xã Bình Tâm, TP.Tân An chia sẻ.
Để trẻ phát triển toàn diện
Tuổi thơ hết sức quan trọng trong ký ức của mỗi con người. Bởi vậy, hãy cho trẻ có một tuổi thơ đúng nghĩa. Thay vì để bé tập trung vào việc học hè, bậc làm cha mẹ hãy để con mình được vui chơi, giải trí, giúp trẻ phát huy trí tưởng tượng và khả năng tư duy của mình nhằm khám phá thiên nhiên cũng như con người một cách chủ động hơn.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, hiện là giáo viên Trường THPT Nguyễn Trung Trực, huyện Tân Trụ chia sẻ: “Làm cha mẹ, ai cũng muốn con mình tài giỏi, thông minh,... Nhưng nếu chúng ta chỉ biết bắt buộc con phải học, học và học thì tuổi thơ của bé trải qua chẳng có gì thú vị. Vì vậy, tôi cho con mình có một tuổi thơ đúng nghĩa để sau này khi lớn lên, bé luôn hạnh phúc khi nhớ về thời thơ ấu. Ngoài giờ học, tôi cho con trải nghiệm những trò chơi bổ ích như thả diều, được chạy giỡn ngoài đồng ruộng, được tắm sông, chơi nhảy dây, trốn tìm,... và giúp đỡ ba mẹ những việc vừa sức. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy, bé có thể học được rất nhiều từ những trò chơi ấy, ví dụ như muốn thả diều được, phải có gió, làm thế nào để diều bay được cao hơn; chơi trốn tìm giúp tăng khả năng phán đoán cho trẻ,...”.
Chị Phạm Thị Hạnh, ngụ xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước cho rằng: “Với nhịp sống hiện đại, trẻ em dễ dàng bị cuốn vào những trò chơi vô bổ, tốn thời gian, tiền bạc và tổn hại sức khỏe. Để bé không bị “ghiền” điện thoại, tôi quy định cho bé mỗi ngày chỉ chơi khoảng 15 phút. Cuối tuần, tôi thường dẫn bé đi công viên tham gia các trò chơi bổ ích. Bên cạnh đó, tôi thường xuyên học cùng bé, chơi cùng bé. Do con gái tôi chỉ mới 3 tuổi nên tôi chỉ cho bé học khi nào bé thích”.
"Các bậc phụ huynh không nên chỉ biết ép con mình học rồi lại học mà quên cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi bổ ích để trẻ có một tuổi thơ đúng nghĩa". Phó Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Long An - Huỳnh Thị Ngọc Báu |
Phó Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Long An - Huỳnh Thị Ngọc Báu chia sẻ: “Các bậc cha mẹ cần biết rằng, điểm số không đại diện cho tương lai của con trẻ, kết quả chỉ là kiểm tra việc ôn luyện kiến thức và khả năng làm chủ tình hình của trẻ, đừng vì thành tích mà quy kết cho con mình là học sinh kém, hay chỉ có học sinh hư, điểm mới thấp. Làm như vậy là cha mẹ đang đẩy con mình vào sự dằn vặt và tự phá hoại bản thân.
Thống kê chứng minh rằng, ngày nay, những người thành đạt thường không phải là học sinh giỏi nhất. Những người có thành tích tầm trung như đứng thứ 7-17 lại có nhiều khả năng thành công lớn trong tất cả các lĩnh vực. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, học sinh có điểm quá tốt, thông thường cha mẹ và bản thân các em quá chú trọng thành tích mà bỏ qua các kỹ năng trong cuộc sống. Những trẻ như vậy thường thiếu cảm xúc và thờ ơ trong mọi sự việc. Ngược lại, những học sinh có thành tích xếp loại trung thường không bị điểm số chi phối nên có nhiều năng lượng để học hỏi thêm những kiến thức khác nhau và phát triển toàn diện hơn.
Vì vậy, các bậc phụ huynh không nên chỉ biết ép con mình học rồi lại học mà quên cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi bổ ích để trẻ có một tuổi thơ đúng nghĩa. Không chỉ học con chữ mà cha mẹ cần dạy con tự bảo vệ bản thân nhằm ứng phó khi bị bắt nạt; dạy trẻ cách đối phó với “yêu râu xanh”, kỹ năng ứng phó với nguy hiểm; dạy con ở nhà một mình. Ngoài ra, cần dạy trẻ có khả năng xử lý và sống có trách nhiệm, phát triển tính tự lập và sáng tạo,... Qua đó, giúp trẻ có thêm kiến thức ngoài xã hội, trang bị kỹ năng sống để vững bước vào đời”.
Được nghỉ ngơi, thư giãn sau thời gian miệt mài học tập, tham gia các hoạt động vui chơi đúng nghĩa, bổ ích sẽ là một phần thưởng thú vị với trẻ, qua đó giúp trẻ trang bị kỹ năng sống và phát triển toàn diện hơn./.
Ngọc Mận