Sáng 05/01, kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024 diễn ra với các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc và thi lập trình trên máy vi tính môn tin học.
Đề Văn chọn học sinh giỏi quốc gia gây được sự chú ý đối với dư luận.
Học sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia tại Hội đồng thi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong
Đề có cấu trúc quen thuộc
Thầy Phan Quan Thông, tổ trưởng chuyên môn tổ Ngữ văn, Trường THPT Hùng Vương, quận 5 chia sẻ đề có cấu trúc quen thuộc.
Trong đó, câu 1 yêu cầu học sinh viết bài văn nghị luận xã hội. Vấn đề nghị luận gần gũi với tuổi trẻ nhưng cũng đọng lại trong các em những suy nghĩ sâu sắc. Trải nghiệm – ghi lại – tức thời chia sẻ lên mạng xã hội có nên là phương cách khẳng định giá trị của người trẻ trong thời đại ngày nay? Học sinh có trải nghiệm sống, có những suy nghĩ sâu sắc sẽ làm tốt câu hỏi này.
Đề văn chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024
Câu 2 yêu cầu học sinh viết bài nghị luận văn học. Vấn đề nghị luận không mới nhưng khá rộng và phức tạp: ý nghĩa vô tận của những kiệt tác nằm ở đâu, ở nghĩa khởi thủy, chủ ý của tác giả hay ở ý nghĩa, tính thích đáng của nó khi ở bên ngoài bối cảnh xuất hiện? Học sinh cần có hiểu biết sâu sắc về vấn đề lý luận đặt ra và trải nghiệm đọc phong phú mới làm tốt câu này.
Tương tự, cô Lưu Mai Tâm, giáo viên Trường THPT Trịnh Hoài Đức, tỉnh Bình Dương, cho hay câu nghị luận xã hội mang hơi thở của cuộc sống hiện thời mà mỗi học sinh đều là người trong cuộc. Các em tự đưa ra quan điểm. Kĩ năng nghị luận sẽ quyết định sự thành công của bài văn.
Trong khi đó, câu 2 đề cập đến những vấn đề muôn thuở của văn học: tác phẩm văn học lớn - kiệt tác; ý nghĩa của tác phẩm văn học; mối liên hệ giữa nhà văn - tác phẩm và người đọc - vấn đề kiến tạo ý nghĩa của tác phẩm văn học - vai trò của tiếp nhận văn học;
“Câu 2 vấn đề không mới nhưng không bao giờ cũ. Học sinh vừa cần nền tảng tri thức văn học, tri thức lí luận văn học, vừa cần nền tảng hiểu biết xã hội ở thời đại. Những tri thức ấy cần được vận dụng, xử lí linh hoạt trong kĩ năng làm bài" - cô Tâm nói thêm.
Mang tính thời sự
Cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên Trường THPT Quỳnh Lưu 4, Nghệ An cho biết câu nghị luận xã hội đề cập đến một vấn đề mang tính thời sự, có ý nghĩa xã hội, đặc biệt với người trẻ trong xã hội hiện nay.
“Đây không phải là một vấn đề hoàn toàn mới mẻ. Tuy nhiên, người ra đề cũng đã thể hiện kinh nghiệm và chiều sâu của mình khi chỉ lẩy ra một khía cạnh biểu hiện của hiện tượng này và đặt nó trong tương quan với đối tượng (người trẻ) và bối cảnh thời đại” - cô Hà bộc bạch.
Theo cô Hà, “Trải nghiệm- ghi lại- tức thời chia sẻ lên mạng xã hội” với tư cách là một “phương cách khẳng định giá trị của người trẻ” là vấn đề không dễ viết.
Một mặt, trải nghiệm là một phần không thể thiếu trên hành trình trưởng thành, định hình và khẳng định giá trị bản thân của người trẻ. Các bạn trẻ ngày nay đã chủ động khám phá thế giới muôn màu, không bó mình trong sách vở và trong vòng an toàn chật hẹp. Mặt khác, từ trải nghiệm đến kinh nghiệm là một quá trình dài, cần thời gian và nhiều suy ngẫm, không phải đơn thuần chỉ cần ghi lại trên thiết bị điện tử và chia sẻ lên mạng xã hội.
Vì vậy, câu nghị luận xã hội trong đề thi này vừa quen vừa lạ, tạo cơ hội thí sinh suy nghĩ, bày tỏ quan điểm riêng. Đồng thời, nó có khả năng phân hóa học sinh.
Câu nghị luận văn bàn về một vấn đề lý luận văn học không mới. Giá trị của những tác phẩm văn học lớn đặt trong mối quan hệ với hoạt động tiếp nhận văn học của người đọc. Ý kiến khẳng định tính hai mặt của giá trị văn học: vừa chịu ảnh hưởng của góc nhìn riêng gắn với những trải nghiệm mang tính cá nhân của người đọc, vừa có những giá trị ổn định, bền vững muôn đời.
Chính chủ ý tác giả với ý nghĩa khởi thủy làm nên nền tảng cho quá trình tiếp nhận của người đọc. Mỗi bạn đọc, tùy theo vốn sống, tính cách, hoàn cảnh sống,… sẽ có những khám phá riêng, mới mẻ, ý nghĩa. Điều này khiến giá trị của mỗi kiệt tác, theo sự biến động của thời đại, lại càng phong phú, lắng sâu.
Cách nêu vấn đề ở câu hỏi này mang tính chất đối thoại khá rõ, khiến cho vấn đề được gợi ra từ nhiều góc độ, có khả năng tạo hứng thú bàn bạc, tranh luận cho học sinh. Tuy nhiên, phần trích dẫn ý kiến còn dài, ý kiến khá nặng về tính lý luận mà chưa thực sự hấp dẫn.
"Tóm lại, ý tưởng kết nối giữa trải nghiệm thực tế hôm nay và trải nghiệm, khám phá những giá trị muôn đời qua văn chương, sách vở rất thú vị và có chiều sâu" - cô Hà nói thêm./.
Theo plo.vn
Nguồn; https://plo.vn/de-van-hoc-sinh-gioi-quoc-gia-nong-hoi-hoi-tho-cuoc-song-post770397.html