Tiếng Việt | English

05/11/2024 - 16:45

Để vụ lúa Đông Xuân 2024-2025 thắng lợi

Vụ lúa Đông Xuân (ĐX) được xem là vụ sản xuất chính và giữ vai trò quan trọng đối với việc thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp của cả năm. Do đó, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An và các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất nhằm đạt kết quả cao về năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế.

Tập trung gieo sạ đúng lịch

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Đinh Châu Phong cho biết: Vụ ĐX năm nay, huyện có kế hoạch gieo trồng hơn 28.300ha lúa, khoảng 2.000ha hoa màu và khoảng 600ha cây ăn quả. Thời điểm này, nước lũ trên các cánh đồng đang rút, nông dân bắt đầu ra đồng làm đất để chuẩn bị xuống giống lúa vụ ĐX.

Theo kế hoạch, lúa ĐX sẽ gieo sạ theo 3 đợt; trong đó, khuyến cáo nông dân tập trung gieo sạ trong đợt 2 (từ ngày 13 đến 25/11/2024). Về cơ cấu giống lúa, ưu tiên các giống lúa thơm, đặc sản, chất lượng cao như Nàng Hoa 9, ST24, ST25, Đài thơm 8, OM5451, OM4900, OM18,...

Nông dân vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị gieo sạ vụ lúa Đông Xuân 2024-2025

Anh Nguyễn Thanh Long (xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng) nói: “Ngay sau khi thu hoạch lúa vụ Hè Thu, anh vệ sinh đồng ruộng, làm đất, gia cố bờ bao và cho nước lũ vào ruộng nhằm diệt mầm bệnh và đón phù sa; đồng thời, chuẩn bị trước nguồn lúa giống chất lượng để sản xuất vụ ĐX”.

Thông tin từ Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Vĩnh Thuận (xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng), vụ ĐX năm nay, HTX dự kiến sản xuất khoảng 500ha lúa với các giống chất lượng cao như ST25, OM18, Đài thơm 8,... Với những tín hiệu tích cực về mực nước lũ và giá lúa, HTX đang phấn khởi bắt tay vào sản xuất vụ lúa này.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Vĩnh Thuận - Nguyễn Thị Diệu Ngân cho biết: “Vụ ĐX thích hợp sản xuất các loại lúa gạo thơm ngon và chất lượng cao nên các thành viên HTX ưu tiên gieo sạ các loại giống OM18, Đài thơm 8,... Nhìn chung, gieo sạ lúa không gặp nhiều khó khăn do hầu hết các công đoạn đều đã cơ giới hóa”.

Vụ ĐX này, huyện Bến Lức dự kiến gieo sạ khoảng 4.500ha lúa. Đến nay, đã gieo sạ khoảng 2.200ha, các diện tích còn lại sẽ tập trung gieo sạ trong tháng 11/2024. Cơ cấu giống mà ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo gieo sạ là các giống lúa: Nàng Hoa 9, RVT, ST24, ST25, IR 4625, Đài thơm 8, OM5451, OM18, Hương Châu 9,...

Ông Nguyễn Thái Châu (xã Tân Bửu, huyện Bến Lức) chia sẻ: “Hai năm gần đây, giá lúa tương đối cao, các doanh nghiệp ưu tiên thu mua các giống lúa chất lượng cao để phục vụ xuất khẩu nên nông dân cũng tập trung sản xuất các giống lúa này”.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Lê Văn Lộc, thời gian qua, huyện tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân; đồng thời, tập trung liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ. Mặt khác, huyện cũng huy động mọi nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống kênh, mương bảo đảm tưới tiêu, phòng, chống hạn, mặn, lũ lụt phục vụ sản xuất nông nghiệp và vận chuyển hàng hóa, nông sản của nông dân.

Vụ ĐX 2024-2025, toàn huyện Thủ Thừa dự kiến gieo sạ khoảng 16.700ha lúa. Bên cạnh cây lúa, nông dân còn sản xuất 1.794ha cây ăn quả, khoảng 200ha rau màu và 675ha cây mai vàng. Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, do hàng năm có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn, xâm nhập mặn vào cuối vụ nên huyện chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất vụ ĐX bảo đảm hiệu quả và ứng phó tốt với hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô 2024-2025.

Theo đó, huyện thường xuyên tuyên truyền, phổ biến thông tin về tình hình hạn, xâm nhập mặn, khuyến cáo người dân gieo sạ đúng lịch thời vụ đã khuyến cáo; không lấy nước ở các khu vực đã bị nhiễm mặn; tranh thủ lấy nước, tích trữ nước vào ao, đồng ruộng khi nước mặn chưa xâm nhập các kênh nội đồng, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí, không tự ý vận hành các cống ngăn mặn để không ảnh hưởng nhiễm mặn cục bộ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa - Phan Văn Tới thông tin: “Để chủ động ứng phó với hạn, xâm nhập mặn, ngay từ đầu năm, UBND huyện chỉ đạo các ngành, UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch nạo vét kênh, rạch; giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện triển khai 8 hạng mục công trình thủy lợi với kinh phí 18,5 tỉ đồng. Các công trình đang được thi công, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024”.

Theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ lúa ĐX 2024-2025, toàn tỉnh phấn đấu gieo sạ 224.700ha, năng suất ước đạt 66,5 tạ/ha và sản lượng ước đạt hơn 1,49 triệu tấn. Đến nay, toàn tỉnh đã gieo sạ 59.184ha lúa, bằng 26,33% kế hoạch và bằng 101,5% so cùng kỳ.

Để sản xuất thắng lợi

Trước dự báo hạn, mặn có khả năng đến sớm, để bảo đảm vụ lúa ĐX thắng lợi, ngành Nông nghiệp tỉnh chủ động đề ra nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, trọng tâm là xây dựng khung lịch thời vụ gieo sạ hợp lý, thích hợp từng vùng.

Cụ thể, toàn tỉnh sẽ có 3 đợt xuống giống vụ lúa ĐX, gồm: Đợt 1 (từ ngày 15 đến 25/10/2024) tại vùng gò biên giới các huyện phía Bắc và một số xã thuộc các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa và Tân Trụ có khả năng thiếu nước tưới cuối vụ; đợt 2 (từ ngày 15 đến 25/11/2024) tại vùng đất trung bình, vùng có đê bao, các xã chủ động được nguồn nước ở các huyện phía Nam; đợt 3 (từ ngày 13 đến 28/12/2024) tại các huyện vùng trũng thuộc vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, những địa phương đê bao chưa khép kín.

Ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo các địa phương bố trí thời vụ sản xuất lúa cần bám sát việc vận hành các hệ thống công trình thủy lợi

Các huyện phía Bắc cần đẩy nhanh tiến độ gieo sạ tập trung trong tháng 11, dứt điểm vụ lúa ĐX 2024-2025 trong tháng 12/2024. Các huyện phía Nam của tỉnh cần chú ý theo dõi những khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi triều cường, xâm nhập mặn, nên chuyển canh tác sang các cây trồng ngắn ngày, cây trồng sử dụng ít nước tưới và áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm để bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước tưới cho cây trồng.

Đặc biệt, các khu vực bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn cần chủ động nạo vét ao, kênh, mương nội đồng, sử dụng biện pháp tích trữ nước; tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân gieo sạ dứt điểm vụ lúa ĐX 2024-2025 trong tháng 11/2024 và hạn chế gieo sạ trong tháng 12/2024.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền thông tin: "Để bảo đảm sản xuất vụ lúa ĐX 2024-2025 thắng lợi, tỉnh khuyến cáo các địa phương bố trí thời vụ sản xuất lúa cần bám sát việc vận hành các hệ thống công trình thủy lợi; đồng thời, căn cứ thời gian, mật độ rầy nâu, sâu năn vào đèn để xây dựng lịch thời vụ cụ thể cho từng tiểu vùng, từng cánh đồng một cách đồng loạt.

Cùng với đó, Sở tập trung chỉ đạo, rà soát và thường xuyên theo dõi, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, các bản tin nông vụ, dự báo tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo; chủ động kiểm tra thực tế tình hình sinh vật gây hại cây trồng tại các giai đoạn quyết định năng suất để có chỉ đạo kịp thời. Mặt khác, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân ưu tiên gieo sạ các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường, cần chú ý các giống phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn".

“Sở chỉ đạo các chi cục trực thuộc, cơ quan chuyên môn theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, dự báo tình hình mưa bão, lũ, hạn, mặn cục bộ,... Song song đó, thực hiện nghiêm chế độ trực ban phòng, chống thiên tai theo quy định để theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết mưa bão, thủy văn, thông tin kịp thời đến các địa phương.

Đối với các địa phương, Sở yêu cầu không lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống thiên tai; cần tập trung lãnh, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm an toàn tuyệt đối, không để xảy ra thiệt hại về người, hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước” - ông Nguyễn Thanh Truyền thông tin thêm./.

Chủ động sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2024-2025

Chủ động sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2024-2025 

Theo dự báo của ngành chức năng, vụ Đông Xuân 2024-2025, tình hình sâu, bệnh gây hại và khí tượng, thủy văn diễn biến phức tạp.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết