Tiếng Việt | English

10/04/2024 - 10:59

Kiến Tường: Sản lượng lúa Đông Xuân đạt hơn 135.000 tấn

Vụ lúa Đông Xuân (ĐX) 2023-2024 trên địa bàn thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An thắng lợi lớn. Trung bình mỗi hécta lúa, nông dân có lợi nhuận khoảng 33 triệu đồng.

Vụ lúa Đông Xuân thắng lợi

Vụ lúa ĐX 2023-2024, toàn thị xã xuống giống được 19.758ha. Cơ cấu giống chủ yếu gồm OM18, chiếm 77%; Đài thơm 8 chiếm 19,1% và một số giống khác như nếp, RVT, OM4900, ST24,...

Vụ lúa Đông Xuân trên địa bàn thị xã Kiến Tường thắng lợi lớn, nông dân có lợi nhuận cao

Trong vụ ĐX năm nay, với điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, tình hình sâu, bệnh gây hại chỉ diễn ra trên một số diện tích với tỷ lệ gây hại từ nhẹ đến trung bình. Sâu, bệnh gây hại chủ yếu là ốc bươu vàng, chuột, bệnh đạo ôn lá, bệnh cháy bìa lá, sâu cuốn lá, sâu đục thân và sâu năn. Tuy nhiên, do người dân tuân thủ lịch gieo sạ, các ngành chuyên môn kịp thời khuyến cáo, hướng dẫn các biện pháp phòng, trừ cũng như người dân chủ động áp dụng các biện pháp canh tác “3 giảm, 3 tăng”; “1 phải, 5 giảm”; quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); theo dõi bẫy đèn thông minh,... nên việc sản xuất lúa đạt hiệu quả cao, các trà lúa nhiễm bệnh đều hồi phục, phát triển tốt, không ảnh hưởng nhiều đến năng suất.

Vụ ĐX 2023-2024, sản lượng lúa trên địa bàn thị xã đạt hơn 135.000 tấn, đạt 134,15% kế hoạch và đạt 132,9% so cùng kỳ, năng suất trung bình đạt từ 7,8-8,8 tấn/ha. Với giá bán dao động từ 7.600-8.100 đồng/kg, trên mỗi hécta lúa, trung bình, nông dân có lợi nhuận 33 triệu đồng, tăng 7,74 triệu đồng so với năm 2023.

Anh Lê Thành Nhân (ấp Bàu Mua, xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường) cho biết: “Gia đình tôi canh tác khoảng 2ha lúa, năm nay, tuy giá lúa có giảm so với năm ngoái nhưng tình hình tiêu thụ lúa tương đối thuận lợi, không xảy ra tình trạng thương lái chèn ép giá, bỏ cọc”. Bên cạnh lúa, nông dân trên địa bàn thị xã còn trồng được 313,7ha rau màu và các loại cây công nghiệp ngắn ngày. Trong đó, chủ yếu là dưa hấu với diện tích 255ha, năng suất bình quân đạt 23 tấn/ha, sản lượng đạt 586,65 tấn; sen lấy ngó 15,6ha, năng suất ước đạt 3,5 tấn/ha, sản lượng ước đạt 55,38 tấn; sen lấy gương 11ha, năng suất ước đạt 3,9 tấn/ha, sản lượng ước đạt 42,9 tấn;...

Thị xã Kiến Tường dự kiến thời vụ xuống giống các vùng theo 3 đợt. Đợt 1 từ ngày 24/4 đến ngày 04/5 tại các vùng trũng thấp không có đê bao; đợt 2 từ ngày 22/5 đến ngày 01/6 và đợt 3 từ ngày 20 đến ngày 30/6 tại các vùng không chủ động được nguồn nước.

Tập trung sản xuất vụ Hè Thu 2024

Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thị xã Kiến Tường, đến thời điểm hiện tại, vụ lúa Hè Thu 2024, nông dân thị xã đã xuống giống được 481ha. Trong đó, lúa ở giai đoạn mạ 305ha, giai đoạn đẻ nhánh 75ha, giai đoạn làm đòng 35ha và 86ha lúa đang giai đoạn trổ.

Tuy nhiên, một số diện tích lúa Hè Thu đang bị nhiễm các loại sinh vật gây hại như ốc bươu vàng mật độ 2-4 con/m2, diện tích nhiễm 80ha; 50ha bị sâu cuốn lá mật độ 1-2 con/m2; 100ha nhiễm rầy phấn trắng mật độ 3.000-5.000 con/m2. Ngoài ra, còn có đạo ôn lá tỷ lệ 7-10% cùng một số sâu, bệnh gây hại khác. Hiện ngành Nông nghiệp thị xã tập trung hướng dẫn nông dân phòng, trừ sâu, bệnh gây hại.

Vụ Đông Xuân năm nay, sản lượng lúa trên địa bàn thị xã đạt hơn 135.000 tấn, đạt 134,15 kế hoạch và đạt 132,9% so cùng kỳ

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thị xã Kiến Tường - Hồ Thị Thúy Phượng thông tin: “Để hạn chế sâu, bệnh gây hại trên lúa Hè Thu, ngành chuyên môn thị xã tăng cường khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên để có thể theo dõi và xử lý kịp thời các loại sinh vật gây hại có khả năng phát sinh, phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết hiện nay. Ngoài ra, theo hướng dẫn của ngành chuyên môn, trong sử dụng thuốc đặc trị để phòng, trừ sâu, bệnh, khi phun thuốc, người dân cần tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”, có thể kết hợp thêm phân bón lá để giúp lúa phát triển tốt trong điều kiện nắng nóng hiện nay.

Đặc biệt, đối với bệnh đạo ôn lá, bệnh cháy bìa lá, nông dân cần sử dụng thuốc đặc trị theo đúng khuyến cáo để phòng, trừ kịp thời”. Theo dự báo của ngành chuyên môn, thời gian tới, rầy nâu xuất hiện rải rác, bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ, ốc bươu vàng, bọ trĩ, sâu đục thân,... phát sinh và gia tăng diện tích nhiễm trên giai đoạn lúa mạ và đẻ nhánh.

Thông tin từ UBND thị xã Kiến Tường, để bảo đảm vụ lúa Hè Thu thắng lợi, UBND thị xã chỉ đạo các ngành liên quan theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến sâu, bệnh để hướng dẫn, tuyên truyền nông dân phòng, trừ hiệu quả các loại sâu, bệnh gây hại. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp thị xã chủ động kiểm tra, nạo vét các tuyến kênh bị bồi lắng, bảo đảm đủ nguồn nước phục vụ tưới, tiêu cho sản xuất.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tập trung chỉ đạo rà soát, xây dựng kế hoạch xuống giống lúa Hè Thu hợp lý, bảo đảm thời gian cách ly với vụ ĐX, xử lý rơm rạ nhằm hạn chế sự lây truyền của các đối tượng gây hại từ lúa vụ ĐX, ngộ độc hữu cơ, bố trí thời vụ xuống giống phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, linh hoạt điều chỉnh theo tình hình thực tế./.

Kiên Định - Tuấn Hùng

Chia sẻ bài viết