Tiếng Việt | English

22/05/2023 - 11:14

Đến năm 2030, tỉnh Long An sẽ có 120.000ha lúa chất lượng cao

Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao (CLC) gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) (gọi tắt là đề án) nhằm hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung quy mô lớn, ổn định lâu dài, tạo thuận lợi để tổ chức lại sản xuất lúa gạo Vùng ĐBSCL theo hướng hiện đại, đáp ứng đa mục tiêu. Tham gia đề án, tỉnh đăng ký thực hiện với diện tích 120.000ha.

Đề án đặt ra mục tiêu chung là hình thành vùng chuyên canh sản xuất lúa CLC với hệ thống sản xuất được tổ chức theo chuỗi giá trị, áp dụng các tiêu chuẩn bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính; nâng cao hiệu quả hệ thống sản xuất, kinh doanh, thu nhập người trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; ổn định xã hội và nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Song song đó, đề án cũng đặt ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa CLC của Vùng ĐBSCL đạt 500.000ha với lợi nhuận bình quân tăng khoảng 30%; đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa toàn vùng đạt 1 triệu ha với lợi nhuận bình quân tăng trên 40%. Đề án sẽ được triển khai tại 12 tỉnh, thành phố Vùng ĐBSCL, trong đó, Long An với vùng chuyên canh lúa Đồng Tháp Mười đăng ký thực hiện 120.000ha. Cụ thể, đến năm 2025, tỉnh sẽ có 60.000ha lúa CLC và đến năm 2030 sẽ có 120.000ha lúa CLC.

Tỉnh đăng ký thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích 120.000ha

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hàng năm, diện tích gieo trồng cây lúa của tỉnh đạt trên 500.000ha, sản lượng đạt khoảng 2,8 triệu tấn, năng suất đạt từ 6,5-7 tấn/ha. Những năm qua, tỉnh đã dịch chuyển cơ cấu giống lúa từ nhóm chất lượng thấp sang lúa CLC như OM5451, OM18, Jasmin 85, RVT, Đài Thơm 8, ST24, ST25,... Hiện giống CLC trên 90% tổng diện tích gieo trồng lúa của tỉnh, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Tại huyện Vĩnh Hưng, trên 400ha lúa của xã Tuyên Bình Tây được huyện đưa vào vùng sản xuất lúa CLC. Theo nhiều nông dân, trồng lúa CLC mang lại hiệu quả cao hơn 15% so với lúa truyền thống và nếu được sản xuất chuyên canh, quy mô lớn, hiệu quả chắc chắn tiếp tục được nâng lên.

Ông Nguyễn Văn Bình (xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng) cho biết: “Tôi đang canh tác trên 2ha lúa. Từ khi tham gia vào mô hình sản xuất lúa CLC, vụ nào tôi bán lúa cũng được giá cao. Do đó, tôi rất ủng hộ mô hình này và chấp hành nghiêm quy trình sản xuất mà cán bộ kỹ thuật của xã, huyện đã hướng dẫn”. Từ sự đồng thuận của nông dân, mối liên kết giữa “4 nhà” (Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông) để xây dựng vùng chuyên canh lúa CLC đã có những “cái bắt tay” chặt hơn, từng bước nâng cao chất lượng lúa, giúp nông dân làm giàu từ cây lúa.

Sản xuất lúa chất lượng cao sẽ góp phần ổn định đầu ra cho nông dân

Huyện Thạnh Hóa cũng có vùng chuyên canh lúa CLC 200ha tại khu vực đê bao khép kín của xã Thạnh An. Thời gian qua, việc sản xuất lúa của người dân luôn được ngành Nông nghiệp huyện quan tâm, hỗ trợ. Nhờ đó, sản lượng và chất lượng lúa được cải thiện qua từng năm.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha thông tin: “Sản xuất lúa CLC theo hướng bền vững nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống và nâng cao thu nhập cho nông dân. Thời gian tới, huyện tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã để đẩy mạnh liên kết sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo của huyện”.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, đề án không chỉ hướng đến hiệu quả kinh tế, an ninh lương thực, tạo thu nhập cao hơn cho nông dân mà còn bảo đảm nhiều mục tiêu trong tình hình mới như thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm lượng khí metan (gây hiệu ứng khí nhà kính) do canh tác lúa gây ra. Đồng thời, thực hiện đề án góp phần chuyển đổi tư duy sản xuất của nông dân, hướng đến nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững cho các tỉnh Vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Long An nói riêng./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết