Hoa tết ở Long Hòa hiện tại còn khá nhỏ, chỉ những luống dự kiến xuất bán ngày 23 tháng Chạp mới bắt đầu có búp
Rực rỡ một mùa hoa
Về thăm Cần Đước (tỉnh Long An), trên những tuyến đường chính lẫn đường quê len lỏi giữa các nếp nhà tại xã Phước Vân, Long Hòa, đâu đâu cũng thấy những ruộng hoa chào tết. Hoa vạn thọ, cúc, mào gà hứa hẹn một mùa hoa tết rực rỡ. Hơn 20 năm trồng hoa tết ở xã Long Hòa, ông Hồ Văn Cảm, ngụ ấp 1B, chia sẻ: “Nghề trồng hoa có ở Long Hòa mấy chục năm rồi, cứ đến độ tháng 11 âm lịch, nông dân xuống giống trồng hoa, chủ yếu là vạn thọ. Ở đây, chúng tôi trồng hoa trên ruộng, canh 3 đợt ra hoa: 23, 28 tháng Chạp và rằm tháng Giêng”. Trên 20 năm theo nghề trồng hoa tết, ông Cảm cũng như những nông dân khác có thể nhìn lá mà đong đếm lượng nước cần tưới cho hoa để hoa nở đúng vào dịp tết.
Thời điểm này, hoa xuất bán vào ngày 28 tháng Chạp và rằm tháng Giêng còn khá nhỏ, còn hoa xuất bán ngày 23 tháng Chạp thì sum suê hơn, có cây ra những búp đầu tiên. Ông Cảm kể, đến khoảng ngày 23 tháng Chạp, thương lái đến tận ruộng thu mua hoặc chủ vườn có thể chở từng xe ra chợ, có khi người qua đường thấy hoa đẹp nên dừng lại mua. Vùng quê yên bình thời điểm đó trở nên nhộn nhịp. Từng xe hoa vàng đua nhau chạy dọc các tuyến đường quê như một bức tranh chứa đựng niềm vui và sự ấm no.
Ông Cảm giải thích: “Trồng hoa nếu được mùa, được giá thì lợi nhuận khá hơn trồng rau vụ tết nhưng không phải năm nào cũng vậy”. Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Hòa - Lê Phát Tài cho biết, Long Hòa có khoảng 11ha đất trồng hoa, ít hơn so với những năm trước do một số hộ không trồng nữa. Ông Tài nói: “Nếu hoa bán tại vườn mức giá 2.000 đồng/cây thì nông dân hòa vốn. Có năm giá hoa giảm sâu, nông dân không có lời nên năm nay, có người chuyển sang trồng rau phục vụ tết”. Tuy nhiên, số người ở lại với nghề vẫn còn nhiều nên những tuyến đường dọc Long Hòa, Phước Vân vẫn đầy những ruộng hoa và hứa hẹn một mùa vàng rực rỡ những ngày giáp tết.
Giữa lòng TP.Tân An có một cánh đồng hoa trong chậu đang vươn mình chờ tết (Trong ảnh: Vườn hoa của ông Ba Hà)
Đó cũng là “lời hứa hẹn” ở các ruộng hoa khắp nơi trong tỉnh: Cần Giuộc, Đức Hòa, Thủ Thừa, TP.Tân An,... Rời Long Hòa, chúng tôi về Tân An để ngắm những luống hoa ngay giữa lòng thành phố. Có hơn 30 năm kinh nghiệm trồng hoa tết, ông Ba Hà kể: “Trước đây, tôi trồng hoa ở khắp nơi, hễ trong TP.Tân An ở đâu có đất trống là tôi thuê trồng. 2 năm trở lại đây, tôi về lại Bình Tâm, thuê Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng xã để trồng hoa chậu, chủ yếu vẫn là vạn thọ, mào gà và sống đời”. Vườn hoa của ông Ba Hà với khoảng 1.500 chậu được xếp ngay ngắn, đẹp mắt.
Vì hoa chậu chỉ đón tết nên vạn thọ vẫn còn non, vừa “lên chậu” cách đây hơn 10 ngày, mào gà bắt đầu trổ hoa nhưng vẫn chưa đạt “phong độ” cao nhất. Ông Hà chia sẻ, trồng hoa không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật nhưng phải tỉ mỉ và chịu cực vì rất nhiều công đoạn đòi hỏi làm ban đêm. Ông giải thích thêm: “Muốn diệt sâu phải xịt hoặc bắt buổi tối, lúc sâu ra ngoài hoạt động, nếu không thì phun xịt nhiều thuốc cũng không ăn thua. Thời tiết năm nay, với vạn thọ thì tương đối thuận lợi nhưng với mào gà thì không!”. Vừa nói, ông vừa đỡ một hoa mào gà ngắm nghía! Vậy mới hiểu, để có được một chậu hoa đẹp trong ngày tết, người trồng phải bỏ không ít công sức, mồ hôi. Chỉ khi nào chậu hoa rực rỡ được người mua “đón” về nhà góp phần tạo nên mùa xuân sum vầy, ấm áp thì người trồng hoa mới thực sự hết lo.
Hoa vạn thọ đón Tết vừa được “lên chậu” cách đây hơn 10 ngày
Thơm mùi mứt tết
Rời xóm trồng hoa, chúng tôi tìm về xóm mứt để sớm cảm nhận chút ngọt ngào trong ngày tết. Cũng như mọi năm, xóm mứt tại xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ lại nô nức “vào mùa”. Hầu như nhà nào cũng râm ran câu chuyện về mứt me, mứt gừng cho ngày tết. Ghé thăm nhà nào cũng thấy mọi người tất bật tay gói mứt, miệng nói, cười. Tết như đã tràn vào khắp xóm! Không chỉ có Tân Trụ rộn ràng mùa mứt, tại huyện Cần Giuộc những năm gần đây cũng xôn xao chuyện làm mứt tết. Nhiều ngôi chùa trên địa bàn huyện Cần Giuộc làm mứt me, mứt gừng số lượng lớn để biếu phật tử viếng chùa và bán trong dịp tết. Ngoài ra, nhiều người dân cũng bắt đầu làm mứt tết để cung cấp cho các khu công nghiệp và theo đặt hàng từ khách phương xa. Chị Nguyễn Thị Kim Chi, ngụ ấp Tân Thanh B, xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, cũng làm theo hình thức đó.
Mứt muốn ngon và bảo quản được lâu thì phải phơi “đặng nắng”, trái me phải thật khô thì mới đạt độ ngon cần thiết. Ảnh: Thanh Nga
Hơn 5 năm làm mứt tết, chị Kim Chi vẫn duy trì số lượng khoảng 1 tấn me xanh/năm. Tết của gia đình chị Chi bắt đầu từ giữa tháng 10 âm lịch, thời điểm chị chọn mua me ở tận Gò Công, Tiền Giang. Me mua về trái phải to, đẹp, mới cho được mẻ mứt ngon như ý. Me được ngâm nước muối cho dễ lột và lấy hạt, sau đó, xăm cho bớt chua, ướp đường và sên trên bếp. Một trong những khâu quan trọng là phơi mứt. Mứt muốn ngon và bảo quản được lâu thì phải phơi “đặng nắng”, trái me phải thật khô thì mới đạt độ ngon cần thiết. Chị Chi chia sẻ: “Me phơi phải thật khô mới ngon. Nhờ khách hàng thương nên năm sau đặt hàng nhiều hơn năm trước một chút”. Niềm vui của người làm mứt chỉ đơn giản như vậy, cung cấp cho thực khách của mình những mẻ mứt đạt độ ngon cần thiết, để cái tết của người mua mứt thêm phần ngọt ngào.
Chị Chi chia sẻ: “Làm mứt tết cực lắm nhưng không làm thì buồn!”. Vừa nói, chị vừa nhanh tay gói me. Bên cạnh chị là thau me vừa ngâm xong còn chưa lột vỏ. Để người mua có nhiều lựa chọn, gia đình chị làm 3 loại: Mứt me chua ngọt truyền thống nguyên trái, mứt me chua cay được cắt nhỏ ướp gia vị đóng hộp và me ngâm chua ngọt. Theo chị, me mua về với số lượng lớn sẽ có trái to, trái nhỏ, trái nguyên, trái gãy. Mỗi loại phù hợp để làm một loại mứt khác nhau nên trong quá trình ngâm, lột, chị kết hợp phân loại để làm ra 3 loại mứt như kể trên. Dẫu biết thêm phần vất vả nhưng để vui lòng thực khách, chị Chi và gia đình không ngại.
Tết đang đến rất gần, những ngày nắng đẹp, các mẻ mứt phơi, những chậu hoa vạn thọ, mào gà đâu đó trong các làng nghề, dọc những tuyến đường quê sẽ góp phần “gọi tết” đến từng nhà. Tết nếu thiếu chút hoa, chút mứt có lẽ sẽ không thể nào trọn vẹn, nên những người trồng hoa, làm mứt, những làng nghề cứ thế âm thầm góp chút hương xuân cho tết đủ đầy./.
"Để có được một chậu hoa đẹp trong ngày tết, người trồng phải bỏ không ít công sức, mồ hôi. Chỉ khi nào chậu hoa rực rỡ được người mua “đón” về nhà góp phần tạo nên mùa xuân sum vầy, ấm áp thì người trồng hoa mới thực sự hết lo”. |
Phương Phương