Tiếng Việt | English

15/03/2021 - 14:52

Đi ngược chiều, tai nạn luôn 'rình rập'

Dù biết mối nguy hiểm khi đi vào đường ngược chiều rất dễ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) nhưng vẫn có nhiều người vi phạm. Nhiều người đã lý giải vi phạm đi ngược chiều vì rút ngắn được khoảng cách di chuyển.

Vi phạm đi ngược chiều tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông

Quốc lộ (QL) 1 đoạn qua tỉnh Long An có chiều dài khoảng 30km và ở giữa có lắp dải phân cách để phân ra 2 chiều lưu thông. Cứ một khoảng cách nhất định thì có một khoảng hở để người, phương tiện chuyển hướng lưu thông. Thế nhưng, tình trạng vi phạm đi ngược chiều vẫn thường xuyên xảy ra.

Như đoạn qua phường Tân Khánh, TP.Tân An, chúng tôi vẫn nhìn thấy nhiều người vi phạm đi ngược chiều. Trong đó, đoạn trước Trường Chính trị Long An, hướng lưu thông về TP.HCM có nhiều người đi ngược chiều để ra một tuyến đường gần đó hoặc chuyển qua làn đường bên kia. Hay như đoạn qua huyện Thủ Thừa, tình trạng vi phạm đi ngược chiều vẫn xảy ra rất nhiều. Nhiều lần đi qua đây, người viết cũng phải giật mình khi đang lưu thông thì bất ngờ phát hiện ở khoảng cách gần phía trước có người điều khiển phương tiện chạy ngược chiều.

Tuy nhiên, qua ghi nhận, một trong những khu vực đi ngược chiều diễn ra phổ biến và nhiều nhất trên QL1 là đoạn qua thị trấn Bến Lức (làn đường hướng về TP.HCM) tiếp giáp tuyến đường Nguyễn Văn Tuôi. Bà Lê Thị Lan - người dân sống gần khu vực này, cho biết: “Cứ vào chiều tối, tình trạng đi ngược chiều ở đoạn đường này rất nhiều. Cụ thể, nhiều người khi đi từ đường Nguyễn Văn Tuôi ra QL1 thì cố tình đi ngược chiều (làn đường lưu thông về TP.HCM) một đoạn dài hàng trăm mét để qua điểm hở sang làn đường bên kia di chuyển về hướng TP.Tân An”.

Còn trên tuyến đường Nguyễn Trung Trực, đoạn qua khu phố 8, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, các biển cấm đi ngược chiều rất rõ và dễ thấy nhưng vi phạm này vẫn xảy ra khá nhiều, nhất là vào thời điểm chiều tối, lúc công nhân tan ca. “Tuyến đường này nằm phía trước Khu công nghiệp Thuận Đạo và chợ Thuận Đạo nên lượng người, phương tiện lưu thông rất đông, nhất là lúc tan ca” - ông Nguyễn Thế Lâm - một người dân ở gần đoạn đường này, cho biết.

Trên Đường tỉnh 830, đoạn qua địa bàn xã Lương Hòa, huyện Bến Lức (gần Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hù Kiệt), nhiều người sau khi ra khỏi chợ đã vô tư điều khiển phương tiện chạy ngược chiều hàng trăm mét (làn đường hướng Bến Lức về Đức Hòa) rồi mới sang làn đường hướng về thị trấn Bến Lức. Có những lúc, người điều khiển phương tiện đi ngược chiều cứ nối thành hàng dọc, trong khi kế bên, xe tải, ôtô phóng vùn vụt.

Ngoài ra, vi phạm đi ngược chiều ở đường có biển cấm đi ngược chiều cũng xảy ra ở nhiều tuyến đường khác trong tỉnh. Như nội ô TP.Tân An, vẫn thường nhìn thấy nhiều người điều khiển phương tiện đi ngược chiều ở tuyến đường Hùng Vương. Đặc biệt, vi phạm đi ngược chiều xảy ra rất phổ biến tại tuyến đường trước Bưu điện Trung tâm của tỉnh.

Thông tin từ Cảnh sát giao thông, đi ngược chiều dẫn đến làm hẹp lối đi, cản trở và che khuất tầm nhìn của người đang điều khiển phương tiện lưu thông đúng phần đường. Vì vậy, vi phạm này càng làm tăng nguy cơ xảy ra TNGT. Thực tế, những năm qua, có nhiều vụ va chạm TNGT được xác định nguyên nhân do đi ngược chiều gây ra; trong đó, có những vụ gây chết người.

Thông thường, người vi phạm đi ngược chiều hay đưa ra lý do biện minh là tiết kiệm thời gian, có việc gấp, nếu đi đúng hướng lưu thông quy định thì phải di chuyển một quãng đường xa hơn. Không những thế, có nhiều người lại nói do thấy người khác đi ngược chiều nên bản thân đi theo.

Để kiềm chế TNGT, Phòng Cảnh sát giao thông tiếp tục tăng cường phối hợp các cấp, các ngành đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm an toàn giao thông; trong đó, đặc biệt chú ý xử lý vi phạm đi ngược chiều. Mặt khác, công tác tuyên truyền về an toàn giao thông, khuyến cáo, cảnh báo các nguyên nhân thường dẫn đến TNGT cũng được đặc biệt quan tâm, thực hiện dưới nhiều hình thức, phương pháp nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về giao thông cho người tham gia giao thông.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt đối với hành vi điều khiển xe đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển cấm đi ngược chiều được quy định như sau:

- Đối với người điều khiển xe ôtô: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng. Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc. Bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 5 đến 7 tháng.

- Đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.

- Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện): Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng.

Ngoài những mức xử lý trên thì người đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển cấm đi ngược chiều mà gây tai nạn giao thông sẽ có mức phạt cao hơn. Đối với ôtô sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng; xe máy có mức phạt từ 4-5 triệu đồng./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết