Tiếng Việt | English

26/10/2015 - 09:07

Long An

Dịch bệnh bùng phát trên cây chanh

Hiện nay, diện tích trồng chanh của tỉnh Long An là 6.715ha, trong đó, chanh cho trái là 4.769ha, tập trung ở các huyện: Bến Lức, Đức Huệ, Đức Hòa, Thủ Thừa và Thạnh Hóa.Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, cây chanh xuất hiện nhiều loại sâu bệnh khiến người dân vô cùng lo lắng.


Cây chanh xuất hiện nhiều loại sâu bệnh khiến người dân vô cùng lo lắng

Dịch bệnh bùng phát mạnh

Riêng huyện Bến Lức có diện tích lớn nhất 3.842ha, diện tích đang cho trái là khoảng 3.000ha. Tuy nhiên, hiện nay, nông dân Bến Lức đang lo lắng khi cây chanh nhiễm nhiều loại sâu bệnh, gây ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng, lợi nhuận của người dân trồng chanh. Hiện toàn huyện có khoảng trên 1.850ha bị nhiễm các loại sâu bệnh. Trong đó, 800ha nhiễm nấm hồng, 500ha nhiễm bệnh ghẻ nham với tỷ lệ bệnh 5 – 10%, 500ha nhiễm bệnh mủ thân, 40ha bệnh vàng lá, thối rễ, 19,5ha ghẻ loét.

Do cây chanh mang lại hiệu quả kinh tế cao nên những năm gần đây, diện tích chanh tăng lên rất nhanh. Chính điều này làm cho các ngành chức năng khó quản lý chất lượng cây giống. Mặt khác, nông dân chưa nắm vững kỹ thuật canh tác, chăm sóc không đúng kỹ thuật nên hiện nay có khoảng 50% diện tích chanh trên địa bàn bị nhiễm bệnh rất khó chữa trị và hồi phục.

Ông Đặng Văn Phải, ngụ ấp 6, xã Thạnh Hòa cho biết: “Hiện toàn ấp có khoảng 420ha chanh. Hầu như vườn chanh nào cũng bị nhiễm bệnh từ 50% trở lên. Chanh bị nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ, nấm hồng, sâu vẽ bùa, ghẻ nham, mủ thân,… Những năm gần đây, diện tích chanh nhiễm bệnh ngày càng tăng, do điều kiện thời tiết thất thường, rầy ngày càng nhiều, cây giống không bảo đảm chất lượng như những năm trước. Hiện 3,5ha chanh gia đình tôi cũng hơn một nửa diện tích bị nhiễm bệnh nấm hồng, sâu vẻ bùa, ghẻ loét,…”.


Khoảng 50% diện tích chanh trên địa bàn huyện Bến Lức bị nhiễm bệnh rất khó chữa trị và hồi phục

Liệu có giữ được thời "hoàng kim"?

Anh Nguyễn Tế Hân, xã Thạnh Hòa, huyện Bến lứcho biết: “Hiện gia đình tôi có hơn 2ha chanh. Trung bình mỗi năm lợi nhuận trên 100 triệu đồng nhưng, không hiểu sao trong 1-2 năm gần đây, chanh nhiễm bệnh rất nhiều. Từ đó, năng suất, lợi nhuận cũng giảm. Bây giờ, nông dân trồng chanh không có lời. Ở vùng này không trồng chanh thì cũng rất khó chuyển sang cây trồng khác. Theo tôi biết, nhiều giống chanh có nguồn gốc không rõ ràng, không bảo đảm chất lượng, bị nhiễm các loại bệnh hại rồi bán cho người dân đem trồng, trong đó, nhiều cây giống được chuyển từ các tỉnh lân cận vào địa bàn tỉnh nhưng không được kiểm soát chất lượng. Hiện hơn một nửa diện tích chanh của gia đình tôi cũng đang nhiễm nhiều loại bệnh, nhiều nhất là bệnh nấm hồng, thối rễ,… Vừa qua, kỹ sư của các công ty bảo vệ thực vật đến xem, đưa thuốc cho chúng tôi phun xịt nhưng cũng không thấy hiệu quả”.


Hầu như vườn chanh nào cũng bị nhiễm bệnh từ 50% trở lên

Cán bộ Khuyến nông xã Thạnh Hòa - Nguyễn Thanh Phúc cho biết thêm: “Thạnh Hòa là một trong những xã có diện tích trồng chanh nhiều nhất huyện, trên 1.700ha. Hiện nay, khoảng 50% diện tích bị nhiễm bệnh như: Nấm hồng, sâu vẽ bùa, thối rễ, ghẻ loét, mủ thân,... Hầu như đám chanh nào cũng bị nhiễm bệnh, có những đám nhiễm bệnh trên 70%. Nếu chanh nhiễm bệnh như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất, chất lượng và giá thành sản phẩm”.

Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức – Lê Văn Thuận: Hiện diện tích nhiễm bệnh chủ yếu các xã Thạnh Hòa, Thạnh Lợi,... Trước tình hình trên, huyện cũng đã chỉ đạo các cán bộ kỹ thuật tiến hành kiểm tra, hướng dẫn người dân cách điều trị để khống chế dịch bệnh tránh lây lan và khuyến khích người dân nên phá bỏ những vườn chanh già, chuyển sang cây trồng khác, sau đó, mới quay lại trồng chanh để hạn chế sâu bệnh. Khuyến cáo nông dân cũng cần xử lý tốt đất trồng chanh, sử dụng thuốc hiệu quả, đúng liều lượng, đúng thuốc”./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết