Bộ GD-ĐT vừa công bố lịch thi THPT Quốc gia năm 2019. Theo đó, thí sinh sẽ tự thi trong 3 ngày (từ ngày 25-27/6/2019).
Để đảm bảo an toàn, nghiêm túc và không để xảy ra gian lận trong kỳ thi, năm nay, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) khẳng định, kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Bộ sẽ nỗ lực làm tốt. Để đạt được điều này, vai trò của các trường ĐH, CĐ trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 phải lớn hơn, rộng hơn, tham gia nhiều khâu hơn. Một phần yêu cầu là các trường này sẽ trực tiếp chấm bài thi trắc nghiệm. Câu chuyện này còn dài và sẽ triển khai tập huấn cụ thể thông qua quy chế.
Các trường đại học sẽ tham gia chấm thi trắc nghiệm cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019
PGS.TS Mai Văn Trinh cũng lưu ý các trường ĐH phải đặc biệt coi trọng việc lựa chọn nhân sự tham gia kỳ thi này. Vì đây là vấn đề mang tính chất quyết định. Những nhân sự này phải là những người có tinh thần trách nhiệm, có sự hiểu biết về thi cử và sau này sẽ tham gia vào khâu chấm thi.
Tuy nhiên, việc đổi mới tuyển sinh vẫn phải bám theo định hướng cụ thể như các trường phải chuẩn bị tinh thần để tự chủ trong tuyển sinh, xét tuyển.
Tại hội nghị tập huấn về công tác thi THPT Quốc gia năm 2019 mới đây, PGS.TS Mai Văn Trinh nhấn mạnh, năm nay vai trò của các đại học được nâng lên một bước nữa trong kỳ thi THPT quốc gia. Việc chấm thi trắc nghiệm được giao cho các trường đại học. Như vậy, Bộ đã “chọn mặt gửi kim cương” nhưng vẫn kèm nỗi lo vì trong thời gian dài nhiều trường không chấm thi trắc nghiệm.
Vì vậy, Bộ GD-ĐT giao việc chấm thi trắc nghiệm theo nguyên tắc có thể một trường sẽ chấm cho một số tỉnh và chấm thi tại địa phương. Toàn bộ cơ sở vật chất chấm thi trắc nghiệm do địa phương lo.
Các trường đại học đề nghị danh sách nhân sự (ít nhất 5-8 người) tham gia chấm thi trên cơ sở đó chủ tịch hội đồng thi của Sở sẽ ra quyết định thành lập ban chấm thi. Ban này chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia.
Cục trưởng Mai Văn Trinh đề nghị các trường đại học, cao đẳng chuẩn bị tốt các nội dung điều động đủ cán bộ, đáp ứng chất lượng tham gia công tác thi tại địa phương. Về quy định trường đại học địa phương không tham gia làm thi tại địa phương mình nhưng Bộ sẽ tính toán việc di chuyển gần nhất và thuận lợi cho các trường.
Các trường phải tập huấn đầy đủ, kỹ lưỡng về coi thi và chấm thi trắc nghiệm. Các trường phải phối hợp với các Sở để tập huấn công tác thi. Khi đến thực địa phải thạo việc, hiểu rõ chức năng của mình và biết phải làm gì.
PGS.TS Mai Văn Trinh đề nghị, khi tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia, ngân sách nhà nước tại địa phương đáp ứng với mức chi hạn hẹp. Vì vậy các trường đại học khi về địa phương cần hết sức chia sẻ việc này với địa phương./.
Bích Lan/VOV.VN