Tiếng Việt | English

06/04/2023 - 18:50

'Điểm tựa' cho người khiếm thị

Dù bị khiếm khuyết một phần cơ thể nhưng người khiếm thị không đơn độc trong hành trình vượt qua khó khăn mà luôn có sự đồng hành, sẻ chia của Hội Người mù tỉnh Long An. Đây chính là điểm tựa cho họ khẳng định bản thân, vươn lên trong cuộc sống.

Mang trên mình khiếm khuyết về cơ thể nhưng anh Nguyễn Ngọc Mừng (SN 1988, ngụ xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc) chưa bao giờ cảm thấy mặc cảm, tự ti. Anh luôn tin vào những điều kỳ diệu trong cuộc sống và không ngừng nỗ lực vươn lên. Anh Mừng chia sẻ: “Tôi vẫn luôn tin vào bản thân, tin vào cuộc sống, chưa bao giờ suy nghĩ tiêu cực vì xung quanh tôi còn nhiều điều tốt đẹp! Tôi có được cuộc sống ngày hôm nay cũng nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Hội Người mù tỉnh và gia đình trong việc tạo điều kiện học chữ nổi, học nghề xoa bóp, bấm huyệt để có thu nhập tự nuôi sống bản thân. Bình quân, tôi thu nhập 250.000-300.000 đồng/ngày. Số tiền này một phần làm chi phí sinh hoạt, một phần gửi về quê chăm lo cha già”.

Anh Nguyễn Ngọc Mừng có thu nhập ổn định từ nghề xoa bóp

Tương tự trường hợp anh Mừng, chị Lê Thị Ngọc Huệ (SN 1982, ngụ phường 6, TP.Tân An) bị khiếm thị cách đây 3 năm. Theo đó, thông qua chính quyền địa phương, chị được Hội Người mù TP.Tân An tạo điều kiện học chữ nổi và nghề xoa bóp, bấm huyệt. Chị Huệ bộc bạch: “Đầu năm 2023, tôi vào Hội Người mù TP.Tân An học chữ nổi và nghề xoa bóp, bấm huyệt. Ban đầu, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn nhưng nhờ sự quan tâm, chia sẻ của các anh chị đi trước giúp tôi có thêm lòng tin, nghị lực khắc phục khó khăn. Khi đến đây, tôi cảm thấy rất vui, tinh thần thoải mái hơn bởi có nhiều bạn bè cùng cảnh ngộ nên dễ dàng đồng cảm, chia sẻ với nhau”.

Trước đây, chị Huệ cũng có một gia đình hạnh phúc như bao người khác. Thế nhưng biến cố ập đến làm mắt chị không còn nhìn thấy, gia đình chạy chữa khắp nơi cũng không có kết quả làm cuộc sống càng khó khăn hơn. Không chịu được cảnh nghèo khó, chồng chị bỏ nhà đi nên hai mẹ con về nương tựa bên ngoại. Song, mẹ chị lớn tuổi, thu nhập chỉ dựa vào số tiền ít ỏi từ công việc giúp việc nhà cho người quen. Chính sự chia sẻ, động viên, hỗ trợ kịp thời của Hội Người mù TP.Tân An giúp chị Huệ có thêm nghị lực, ít nhất không làm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Mất đi đôi mắt, cuộc sống của chị Huệ, anh Mừng thật sự khó khăn. Thế nhưng, họ chưa bao giờ đơn độc trong hành trình vượt qua nghịch cảnh bởi các cấp, các ngành luôn sẻ chia, yêu thương để họ có thêm nghị lực, lòng tin vươn lên ổn định cuộc sống. Theo đó, Hội Người mù các cấp luôn tạo điều kiện cho các hội viên học nghề như xe nhang, đàn, dệt chiếu, xoa bóp, bấm huyệt,… Ngoài ra, Hội còn kết nối các nhà hảo tâm thường xuyên tặng quà nhân các dịp lễ, tết.

Lớp học chữ nổi dành cho người khiếm thị

Chủ tịch Hội Người mù tỉnh - Trịnh Văn Đực cho biết: “Hiện nay, Hội Người mù tỉnh có gần 950 hội viên, đa số đều có hoàn cảnh khó khăn, không nghề nghiệp, mặc cảm về bản thân, gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo,… Thấu hiểu các khó khăn của hội viên, Hội luôn có nhiều hoạt động chăm lo về đời sống vật chất và tinh thần. Nhận thấy nghề xoa bóp, bấm huyệt đang phát triển, bình quân mức lương cơ bản 3-4 triệu đồng/tháng/người, Hội sẽ kết nối các ngành chức năng mở các khóa đào tạo ngắn hạn nghề xoa bóp, bấm huyệt cho các hội viên khi có nhu cầu học nghề”.

Không may bị khiếm khuyết một phần cơ thể nhưng với sự đồng hành của Hội Người mù và sự quan tâm, sẻ chia của toàn xã hội giúp nhiều người khiếm thị hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội./.

Lê Ngọc - Thái Bạch

Chia sẻ bài viết