Tiếng Việt | English

07/09/2015 - 10:48

Điển hình trong phong trào thi đua yêu nước

Ông Võ Trung Thực, ngụ ấp 4, xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An là chủ nhân của giải pháp “Máy phun thuốc trên cây lúa” được Sở Khoa học và Công nghệ thẩm định và công nhận tại Hội thi “Sáng tạo kỹ thuật của nhà nông” tỉnh Long An lần thứ III.

Ý tưởng sáng chế máy phun thuốc với công suất lớn được hình thành trong suy nghĩ của ông cách đây khoảng 2 năm, khi thấy địa phương thiếu nhân công lao động, nhất là thời điểm tập trung mùa vụ. Trong khi đó, trên thị trường có rất nhiều loại máy phun thuốc, nhưng hầu hết các loại máy này đều có thời gian phun lâu, hiệu quả phun hạn chế và ảnh hưởng đến sức khỏe người phun.

Trước thực tế đó, đầu năm 2014, ông Thực vay vốn, mua vật tư, máy móc sáng chế “Máy phun thuốc trên cây lúa”. Sau 2 tháng tìm tòi nghiên cứu, máy phun thuốc ra đời dựa trên nguyên lý kết nối của các bộ phận với nhau để tạo ra sức nén và lực đẩy phun thuốc ra ngoài đồng ruộng.

Máy phun gồm 4 phần chính: đầu máy, máy nén, bình chứa nước và dàn phun. Đến nay, máy phun thuốc cải tiến của ông Thực đã được nông dân trên địa bàn đánh giá cao về hiệu quả của máy cũng như đặt gia công để làm dịch vụ nông nghiệp tại địa phương.

Ông Võ Trung Thực là một điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh 2 năm liền và là điển hình tiêu biểu cấp tỉnh trong Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ông là 1 trong 20 tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Long An được chọn về quê Bác báo công vào cuối tháng 5-2015.

Bình quân, 1 máy phun thuốc hoàn chỉnh có giá từ 24 - 25 triệu đồng. Đặc biệt, khi sử dụng máy phun này có thể rút ngắn thời gian phun, mỗi hécta chỉ phun khoảng 50 phút, góp phần giảm chi phí lao động khoảng 1 triệu đồng/ha, hiệu quả phun thuốc lại cao và ít ảnh hưởng đến sức khỏe người phun do hạn chế tiếp xúc trực tiếp với thuốc.

Ông Thực canh tác 9ha lúa, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông lãi trên 300 triệu đồng. Thời gian rảnh rỗi, ông nhận phun thuốc thuê, góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế gia đình và có điều kiện nuôi 2 con ăn học đến nơi đến chốn.

Kết thúc mùa vụ, ông Thực lại tiếp tục với sở thích tìm tòi, sáng chế, cải tiến các máy móc nông cụ phục vụ sản xuất hiệu quả hơn. Trước đây, ông đã cải tiến thành công hàm cắt lúa của máy gặt đập liên hợp và được ứng dụng tốt ở địa phương./.

Hồng Luyn – Tấn Hữu

 

Chia sẻ bài viết