Tiếng Việt | English

27/12/2015 - 07:29

Điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với phôi và thép dài nhập khẩu

Đã có 4 doanh nghiệp thép Việt Nam yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.

Cục Quản lý cạnh tranh (VCA – Bộ Công Thương) cho biết, ngày 15/12 vừa qua, 4 doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất thép Việt Nam đã gửi hồ sơ đến Cục Quản lý cạnh tranh yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.

Nhóm 4 doanh nghiệp đại diện cho Bên yêu cầu bao gồm Công ty cổ phần thép Hòa Phát, công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, công ty CP Gang thép Thái Nguyên, công ty CP Thép Việt Ý yêu cầu điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu thuộc các mã HS: 7207.11.00; 7207.19.00; 7207.20.29; 7207.20.99; 7224.90.00; 7213.10.00; 7213.91.20; 7214.20.31; 7214.20.41; 7227.90.00; 7228.30.10; 9811.00.00.


4 doanh nghiệp thép yêu cầu Bộ Công Thương áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. (Ảnh: KT)

Sau khi xem xét hồ sơ, Bộ Công Thương đã xác nhận đơn yêu cầu của Bên yêu cầu là đầy đủ và hợp lệ theo quy định của pháp luật. Ngày 25/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 14296/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo quy định tại Điều 18 của Pháp lệnh Tự vệ, thời hạn điều tra không quá 6 tháng kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định điều tra. Trong trường hợp cần thiết, thời hạn điều tra có thể được gia hạn một lần không quá 2 tháng tiếp theo.

Còn theo quy định tại điều 20 của Pháp lệnh Tự vệ, Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời trước khi kết thúc điều tra, nếu xét thấy việc chậm thi hành các biện pháp tự vệ gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước và thiệt hại đó khó có thể khắc phục về sau.

Cục Quản lý cạnh tranh - Cơ quan phụ trách điều tra vụ việc cho biết, theo quy định tại Điều 13 của Pháp lệnh Tự vệ, các Bên muốn đăng ký làm Bên liên quan của vụ việc có thể gửi đăng ký tới Cục Quản lý cạnh tranh. Bản câu hỏi điều tra sẽ được gửi đến các Bên liên quan sau ngày ra quyết định điều tra.

Tất cả các Bên liên quan có thể nêu quan điểm của mình về vụ việc này trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương ra quyết định điều tra vụ việc. Bộ Công Thương sẽ có trách nhiệm xem xét tất cả các thông tin, chứng cứ, quan điểm của các Bên liên quan trước khi đưa ra kết luận về vụ việc./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích