Cán bộ y tế điều trị Methadone hỏi thăm, tư vấn sức khỏe cho người bệnh
Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai 4 cơ sở điều trị Methadone, điều trị 521 bệnh nhân nghiện ma túy, đạt 80,2% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao cho Long An năm 2015 tại Quyết định số 1008/QĐ-TTg, ngày 20-6-2014. Qua điều trị bằng Methadone, bệnh nhân bỏ được heroin, không phát hiện trường hợp nhiễm HIV mới, đồng thời giúp người nghiện cải thiện sức khỏe và có việc làm ổn định. Tuy nhiên, đối với nhân viên y tế thì lại gặp không ít khó khăn, bất cập.
Anh Lê Thái Bình phụ trách cấp phát thuốc tại Cơ sở điều trị Methadone số 3 (Trung tâm Y tế huyện Cần Giuộc) lo lắng: “Hằng ngày, chúng tôi phải tiếp xúc nhiều bệnh nhân bất ổn tâm lý, đôi khi khuyên họ không nghe, mà nói không khéo thì bị họ hiểu nhầm. Họ uống thuốc không đúng giờ quy định, cơ sở đóng cửa nghỉ trưa, họ đập cửa, leo rào, hâm dọa và đòi đánh. Mặc dù, chúng tôi luôn cố gắng giải thích để họ hiểu và phối hợp điều trị, nhưng chúng tôi, ai cũng lo lắng vì nguy cơ lây các bệnh truyền nhiễm là rất cao. Khó khăn là thế, nhưng những nhân viên phụ trách điều trị chưa có phụ cấp đặc thù nghề nghiệp nào cả”.
Là người trực tiếp tư vấn cho bệnh nhân, anh Nguyễn Quang Vinh (tư vấn viên Cơ sở điều trị Methadone số 3, huyện Cần Giuộc) luôn băn khoăn với công việc hiện tại của mình. Anh Vinh bày tỏ: “Chúng tôi phải phục vụ bệnh nhân mỗi ngày, kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ, tết. Mỗi ngày phải đến cơ sở rất sớm cho bệnh nhân uống thuốc để họ kịp đi làm. Tuy nhiên, đến nay, tôi vẫn chưa ổn định về biên chế và chỉ lãnh mỗi tháng 1 triệu đồng”.
Ngoài cơ sở 1, cán bộ làm việc tại 3 cơ sở còn lại đều gặp không ít khó khăn. Hầu hết họ phục vụ chủ yếu bằng cái tâm và trách nhiệm của mình chứ chưa có một chế độ hay chính sách nào cả. Anh Lê Hải Thiên Lý (Cơ sở điều trị Methadone số 2 tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa) cho biết: “Tôi phụ trách xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm HIV, phát thuốc và kiêm luôn tư vấn cho cho bệnh nhân đã hơn 1 năm nay, nhưng chưa được vô biên chế, hoàn toàn không có lương và cũng không được hỗ trợ bất kỳ chi phí nào. Tôi cũng như các cán bộ khác đều mong muốn được lãnh đạo xem xét để chúng tôi có hợp đồng hoặc biên chế nhằm an tâm phục vụ tiếp”.
Long An là tỉnh thứ 21 trong cả nước và là tỉnh thứ 5 thuộc khu vực phía Nam triển khai điều trị Methadone từ tháng 10-2013. Hiện toàn tỉnh có 4 cơ sở điều trị Methadone đặt tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa, Trung tâm Y tế huyện Cần Giuộc và Trung tâm Y tế huyện Bến Lức. Kết quả điều trị đứng hàng thứ 5 trên cả nước, sau Hải Phòng, Nam Định, Lai Châu và Hưng Yên.
Đạt kết quả trên, thời gian qua, các nhân viên y tế phục vụ tại Cơ sở điều trị Methadone đã cố gắng vượt qua nhiều khó khăn để phục vụ bệnh nhân - những người nghiện lâu năm với tâm lý và hành vi thường bất ổn. Vất vả là thế nhưng nhiều người vẫn chưa có biên chế, hợp đồng làm việc ổn định. Một số nhân viên đã được đưa đi đào tạo tại Hà Nội, rất tốn kém và gặp nhiều khó khăn khác nên đã không thể tiếp tục làm việc lâu dài. Thiết nghĩ, những khó khăn này cần sớm được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết./.
Ngọc Mận