Tiếng Việt | English

30/05/2022 - 14:04

Đình Bình Lập - Ngôi đình cổ trên đất Tân An xưa

TP.Tân An vừa có thêm một Di tích lịch sử cấp tỉnh là đình Bình Lập - ngôi đình được xem là chứng tích quan trọng trong quá trình khai hoang, lập ấp ở Tân An.

Long An là một trong những nơi được khai phá khá sớm ở Nam bộ với bề dày trên 300 năm lịch sử. Những thế hệ cư dân nơi đây đã trải qua quá trình khai phá, đấu tranh, không ngừng lao động, sáng tạo và để lại trên mảnh đất này những giá trị lịch sử - văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng.

Trong kho tàng di sản văn hóa quý báu ấy, cơ sở tín ngưỡng, lễ hội dân gian là một trong những thành tố quan trọng, phản ánh những chặng đường lịch sử, những giá trị lao động, sáng tạo tuyệt vời của ông cha ta trong quá trình khai hoang mở cõi.

Đình Bình Lập là một trong những ngôi đình cổ tại Tân An

Đình Bình Lập (phường 3, TP.Tân An) là ngôi đình cổ hiện còn lưu giữ được kiểu dáng kiến trúc truyền thống dạng tứ trụ của đình làng Nam bộ; gắn với quá trình khai phá và định cư của người Việt trên đất Tân An xưa. Ngôi đình được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ XIX, là một trong những chứng tích quan trọng của quá trình khai hoang, mở đất, lập làng và xác lập chủ quyền của người Việt trên vùng đất Tân An xưa.

Đình Bình Lập được sắc phong vào ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ V (08/01/1852). Đây là thiết chế văn hóa truyền thống, thờ Thành Hoàng bổn cảnh, các vị tiền hiền, hậu hiền và là trung tâm tín ngưỡng, sinh hoạt lễ hội của cộng đồng cư dân địa phương từ xưa đến nay. Đặc biệt, đình Bình Lập còn lưu giữ, bảo quản nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa: 3 sắc thần và 3 thanh kiếm do vua Tự Đức ban tặng cho làng Bình Lập năm 1852, hai hàng lỗ bộ, cặp hạc bằng đồng có niên đại cuối thế kỷ XIX,... Đây là vật chứng cụ thể minh chứng hùng hồn cho quá trình khai hoang, lập làng và xây đình Bình Lập của tiền nhân trên đất Tân An hơn 3 thế kỷ qua.

Theo thông lệ hàng năm, tại đình Bình Lập diễn ra các lễ hội dân gian như Lễ Kỳ yên ngày 15, 16 tháng 2 (Âm lịch), Lễ Tống phong ngày 16 tháng 3, Lễ Hạ điền ngày 16 tháng 5, Lễ Cầu bông ngày 16 tháng 10 và Lễ Thượng điền ngày 16 tháng 12. Nhìn chung, 5 lễ hội chính trong năm được tổ chức theo những tập tục truyền thống của đình Nam bộ; trong đó, Lễ Kỳ yên được tổ chức long trọng nhất, được đông đảo người dân tham dự. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm nhằm cầu nguyện cho “phong điều vũ thuận” (mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt), “quốc thới dân an” (nhân dân an lành, quốc gia thịnh vượng).

Những chạm khắc tinh xảo bên trong chánh điện đình Bình Lập

Là một thiết chế văn hóa truyền thống, đình Bình Lập không chỉ là chứng tích của buổi đầu khai hoang, mở đất lập làng của người Việt trên đất Tân An mà còn là mái nhà chung của nhân dân địa phương trong sinh hoạt cộng đồng, nhu cầu tín ngưỡng và đình từng là công sở hành chánh của làng, xã trước đây.

Với những giá trị lịch sử - văn hóa, kiến trúc truyền thống tiêu biểu, đình Bình Lập đã được UBND tỉnh ra Quyết định xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh (Quyết định số 2867/QĐ-UBND, ngày 01/4/2022).

Đình Bình Lập là di sản văn hóa quý báu của dân tộc, tài nguyên tinh thần của nhân dân, cần được giữ gìn và phát huy, nhất là kết cấu kiến trúc nghệ thuật truyền thống độc đáo, lễ hội dân gian mang đậm dấu ấn của đình làng Nam bộ xưa.

Đình Bình Lập tồn tại đến nay gần 300 năm, mặc dù được trùng tu nhiều lần nhưng hiện xuống cấp nghiêm trọng, nhất là hệ thống khung sườn bằng gỗ bị mối mọt làm hư hỏng khá nhiều. Vì vậy, hiện nay, công tác trùng tu đình Bình Lập là việc làm hết sức cần thiết, nhằm bảo vệ nguyên trạng kiến trúc ban đầu của đình, bảo tồn một trong những những công trình kiến trúc đình làng truyền thống Nam bộ còn tồn tại trên đất Long An.

Đình Bình Lập với lễ hội dân gian thường niên, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân địa phương; đồng thời, nơi đây góp phần giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ hôm nay và mai sau; phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch và góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH ở địa phương./.

Văn Hiếu

Chia sẻ bài viết