Chính quyền và người dân chung tay xây dựng lại đình Tân Xuân với kinh phí dự kiến khoảng 7 tỉ đồng
Dù điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa có thay đổi đến đâu thì những giá trị cốt lõi của đình thần vẫn không mất đi. Đình thần luôn có những giá trị không thể thay thế về lịch sử, văn hóa, tư liệu, kiến trúc,... Tuy nhiên, thời gian đã khiến nhiều đình thần xuống cấp và những người có trách nhiệm, tâm huyết vẫn đang từng ngày giữ gìn “hồn cốt” dân tộc.
Thiếu kinh phí trùng tu
Chúng tôi về thăm đình Tân Chánh, ngôi đình có nhiều giá trị về tư liệu nhất trong tỉnh. Đường vào đình quanh co, nhỏ, hẹp, nếu có 2 xe đi ngược chiều thì khó lòng tránh được. Theo lời kể của những người cao tuổi ở địa phương thì đình Tân Chánh trước đây có quy mô khá lớn, gồm: Hậu đường, võ ca, chánh điện và nhà khói, tuy nhiên đã bị chiến tranh tàn phá. Đình Tân Chánh mới được xây lại sau khi thống nhất đất nước. Đình nép dưới bóng 2 cây me trăm tuổi, gồm dãy nhà ngang nối liền nhà khách và chánh điện còn tương đối nguyên vẹn.
Tuy nhiên, Trưởng ban Tổ chức đình Tân Chánh - ông Năm Lô cho biết: “Nhắc đến đình Tân Chánh là phải nhắc đến cả khu mộ ông Nguyễn Khắc Tuấn và mẹ ông. Hiện tại, ngôi đình còn tương đối nguyên vẹn nhưng 2 khu mộ bị hư hỏng nhiều, nhất là khu mộ mẹ ông Nguyễn Khắc Tuấn. Ngoài ra, con đường vào đình rất nhỏ, gây khó khăn trong đi lại, nhất là những dịp diễn ra lễ hội. Tuy nhiên, việc xã hội hóa để trùng tu gặp nhiều khó khăn bởi đa phần là do các cá nhân tự đóng góp. Tôi mong Nhà nước quan tâm, có những giải pháp, kêu gọi xã hội hóa để có kinh phí mở rộng đường cũng như trùng tu 2 khu mộ”.
Việc thiếu kinh phí trùng tu là khó khăn chung của các đình thần hiện nay, đặc biệt là đình thần được công nhận là di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia. Như đình Vĩnh Phong - một di tích cấp quốc gia, đang đối mặt với nguy cơ xuống cấp nhưng thiếu kinh phí trùng tu, tôn tạo. Nóc võ ca, mái đình bị dột nhiều chỗ, tường bị bong tróc và có vết nứt.
Trưởng ban Quản trị đình Vĩnh Phong - Nguyễn Văn Sang chia sẻ: “Mặc dù chúng tôi cố gắng giữ gìn và kịp thông báo về những hư hại với cấp quản lý nhưng đình vẫn đang xuống cấp từng ngày. Chúng tôi không có kinh phí để sửa chữa hoặc trùng tu vì chi phí quá lớn và xã hội hóa gặp nhiều khó khăn!”.
Có thể thấy, các đình thần đều bị xuống cấp với nhiều mức độ khác nhau do tác động của thiên nhiên và con người. Mỗi đình thần, đặc biệt là những đình được công nhận di tích đều mang những giá trị không thể thay thế về văn hóa, lịch sử nên việc trùng tu, sửa chữa là việc cần làm!
Cần sự chung tay!
Để giữ lại những giá trị tốt đẹp của đình thần, nhiều nỗ lực xã hội hóa đã được thực hiện. Nói về điều này, ông Sang chia sẻ: “Mỗi khi có dự kiến trùng tu hoặc sửa chữa, tôi đều làm thư ngỏ gửi đến từng hộ gia đình, tuy nhiên, kết quả thu được chỉ trong chừng mực”. Nói rồi, ông khẽ khép quyển sổ kẹp tờ thư ngỏ lại. Việc khó khăn trong xã hội hóa dường như là thực trạng chung của các đình thần.
Trưởng ban Tổ chức đình Tân Chánh - ông Năm Lô kể: “Mỗi khi đình cần sửa chữa hoặc tu bổ, tôi cùng các thành viên khác trong Ban Tổ chức đều đứng ra vận động kinh phí”. Không chỉ vận động, ông còn là người trực tiếp đóng góp và ứng trước tiền cho các hoạt động của đình. Tuy nhiên, những nỗ lực đó vẫn còn nhiều hạn chế. Ông Năm Lô nói: “Nếu chỉ là những hư hỏng nhỏ, với chi phí sửa chữa vài chục triệu đồng thì có thể xã hội hóa, nhưng tu bổ, sửa chữa lớn hơn thì quá sức so với Ban Tổ chức chúng tôi”.
Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích lịch sử - văn hóa tỉnh - Nguyễn Văn Thiện khẳng định, việc xã hội hóa trùng tu, tôn tạo, xây dựng đình gặp nhiều khó khăn là điều dễ hiểu vì đình gắn liền với cộng đồng làng xã, sức lan tỏa thấp. Ông Thiện nói: “Đình gắn liền với người dân một địa phương nhất định và chỉ có sức ảnh hưởng đến người dân ở địa phương đó, khả năng vận động được kinh phí không cao. Để công tác xã hội hóa đạt kết quả tốt, cần có sự phối hợp giữa chính quyền và người dân”.
Đường vào đình Tân Chánh rất nhỏ, gây khó khăn trong đi lại, nhất là những dịp diễn ra lễ hội
Nhận định của ông Thiện được chứng minh bằng việc đình Tân Xuân được xây mới bằng kinh phí xã hội hóa. Trưởng ban Quản trị đình Tân Xuân - Đoàn Công Tập cho biết, kinh phí xây mới đình khoảng 7 tỉ đồng, tất cả đều là tiền xã hội hóa.
Ông nói: “Từ khi có kế hoạch xây dựng đình, chúng tôi phổ biến cho người dân trong khu vực và người dân tham gia Lễ hội Làm Chay biết. Mọi người không ai bảo ai đều đóng góp rất nhiệt tình, tùy theo khả năng của mình. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng hỗ trợ rất nhiều trong việc vận động. Nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền, Ban Quản trị đình và người dân thì chắc đình Tân Xuân khó có cơ hội được xây mới!”.
Có thể thấy, đình thần mang một giá trị không hề nhỏ trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Để gìn giữ những giá trị đó là điều không phải dễ dàng, cần sự chung tay của chính quyền và cả cộng đồng./.
Ngọc Thạch - Phương Phương