Mỗi năm, sắc phong chỉ được mở ra một lần, mỗi lần thỉnh sắc đều phải áo dài, khăn đóng chỉnh tề. (Trong ảnh: Mở sắc phong đình Vĩnh Phong)
Trong xu thế phát triển của xã hội, đình thần không còn là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân. Nhưng đó vẫn là “mái nhà chung” để nhớ về nguồn cội, nơi trở về dự những lễ hội truyền thống của quê mình!
Nơi lưu giữ các sắc phong
Lễ hội Làm Chay tại đình Tân Xuân (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) là lễ hội truyền thống cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an và tưởng nhớ những người con ưu tú hy sinh vì nước. Lễ hội Làm Chay có nhiều hoạt động và nghi thức, trong đó có nghi thức rước sắc thần là một trong những nghi thức chính của lễ hội. Những người rước sắc phải khăn áo chỉnh tề, nghi thức rước sắc diễn ra long trọng và đầy tôn kính.
Phó Trưởng ban Quản trị đình Tân Xuân - Ngô Minh Đa cho biết, tại đình Tân Xuân có 3 sắc phong của vua Tự Đức vào năm 1882 phong thần cho đình Tân Xuân. Sắc phong được in trên giấy dó vẽ rồng nhũ bạc và luôn được người dân tôn kính.
Ông Đa giải thích: “Trước đây, sắc phong được xem là đại diện cho vua nên người dân rất mực tôn kính. Mỗi năm, sắc phong chỉ được mở ra một lần, mỗi lần thỉnh sắc đều phải áo dài, khăn đóng chỉnh tề”. Trưởng ban Quản trị đình Vĩnh Phong (huyện Thủ Thừa) - Nguyễn Văn Sang cũng khẳng định như vậy khi nói về sắc phong của vua Tự Đức đang được cất giữ tại đình.
Bản copy sắc thần đình Vĩnh Phong
Và đó là nét riêng đặc biệt của các đình thần có sắc phong. Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích lịch sử - văn hóa tỉnh - Nguyễn Văn Thiện cho biết, sắc phong trong các đình thần thường phản ánh một giai đoạn lịch sử. Các sắc phong vừa có giá trị về niên đại, vừa có giá trị về lịch sử, văn hóa. Nó thể hiện sự quản lý của Nhà nước phong kiến với thiết chế văn hóa và bộ máy tự quản làng xã. Trên địa bàn tỉnh có 213 đình nhưng chỉ có 32 sắc phong, đa số có niên đại thời Tự Đức. Theo tài liệu từ Bảo tàng Long An, sắc phong thời Tự Đức là sắc phong cấp đồng loạt thể hiện một giai đoạn bất ổn của Tổ quốc. Đó là động thái xác lập chủ quyền của Nhà nước Việt Nam trên làng xã trong giai đoạn thực dân Pháp xâm lược Nam bộ.
Ngoài sắc phong thời Tự Đức, đình thần ở tỉnh còn có sắc phong thời Minh Mạng. Chúng tôi tìm về đình Tân Chánh (huyện Cần Đước), ngôi đình được mệnh danh là đình có giá trị tư liệu lớn nhất trong tỉnh. Thật vậy, đình Tân Chánh hiện còn 3 sắc phong của vua Minh Mạng cùng số lượng lớn những văn bản cổ có dấu ấn triện màu son của vua Gia Long, Minh Mạng và được xác định là những tư liệu nguyên bản, duy nhất. Cũng như sắc phong tại các ngôi đình thần khác, sắc phong tại đình Tân Chánh luôn được tôn kính và chỉ mở sắc một lần trong năm. Nói về điều này, ông Thiện cho rằng, việc thần thánh hóa sắc phong, không dám kiểm tra thường xuyên dẫn tới sắc phong bị hư hại do ẩm mốc hoặc mối mọt. Điều đó đã xảy ra với các sắc phong của đình Tân Xuân, buộc Ban Quản trị đình phải làm lại sắc phong tại Huế.
Giữ hồn lễ hội
Đình thần không chỉ là nơi lưu giữ các giá trị lịch sử, tư liệu mà còn là nơi giữ hồn cốt lễ hội dân gian, là “nhà” để người dân trong làng dù có đi đâu vẫn nhớ trở về. “Dù ai đi ngược về xuôi/ Làm Chay mười sáu nhớ về Tầm Vu” như một lời nhắc nhở người dân Tầm Vu, Châu Thành về với lễ hội của đình Tân Xuân mỗi năm.
Không chỉ ở đình Tân Xuân, mà các đình khác mỗi năm đều có lễ hội của riêng mình để người dân trong làng xã trở về dự lễ như một dịp về “nhà”. Mặc dù phạm vi ảnh hưởng không lớn như Lễ hội Làm Chay nhưng các lễ hội ở đình thần khác đều được lưu giữ, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các nét văn hóa, nghi lễ đều được giữ gìn như một cách “giữ nếp nhà” của người dân Việt.
Các đình thần mỗi năm đều có lễ hội của riêng mình để người dân trong làng xã trở về dự lễ như một dịp về “nhà”. (Trong hình: Lễ Kỳ yên đình Vĩnh Phong)
Chúng tôi đến gặp Trưởng ban Quản trị đình Vĩnh Phong - Nguyễn Văn Sang để tìm hiểu về Lễ hội Kỳ yên, lễ giỗ ông Mai Tự Thừa được gìn giữ và lưu truyền. Để giải thích cho chúng tôi, ông Sang mang ra một tập tài liệu dày, trong đó có quyển sổ khổ giấy A3 dày, nặng được chép tay. Đó là tài sản, vốn quý của ông Sang. Ông Sang cho biết: “Đây là toàn bộ những nghi lễ, lời văn tế, nghi thức cúng trong các lễ hội tại đình mà tôi đã ghi chép lại. Từ khi tiếp nhận công việc tại đình, tôi dành thời gian sưu tầm và ghi chép để những người sau này biết cách mà làm theo, lễ hội được lưu truyền như một nét văn hóa đẹp của vùng này”. Trong buổi trò chuyện, ông kể cho chúng tôi nghe về lịch sử vùng đất Thủ Thừa, ông Mai Tự Thừa và ngôi đình. Ông kể bằng tất cả niềm tự hào của một người cả đời gắn bó với vùng đất Thủ Thừa nói chung và thị trấn Thủ Thừa nói riêng.
Đình thần chỉ gắn liền với cộng đồng địa phương, phạm vi lan tỏa không lớn, người đi cúng đình thường là người trong vùng nên để gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống, các lễ hội diễn ra, đòi hỏi ban quản trị đình phải thật sự có “tâm” với công việc của mình cũng như sự chung tay của cộng đồng./.
(còn tiếp)
Bài 2: Biểu tượng lịch sử - văn hóa
Ngọc Thạch - Phương Phương