Tiếng Việt | English

03/10/2016 - 17:19

Đô cử khuyết tật mang nhiều vinh quang về cho đất nước

Những năm qua, lực sĩ khuyết tật Lê Văn Công (32 tuổi) mang về nhiều huy chương ở khu vực, châu Á và thế giới, qua đó khẳng định cho thế giới thấy nghị lực sống, vươn lên của người khuyết tật Việt Nam, dù tàn nhưng không phế.

Liên tiếp rinh “vàng” về cho Tổ quốc

Sinh ra trong một gia đình nghèo có 5 anh em trai ở vùng quê Hà Tĩnh, Công bị khuyết tật bẩm sinh hai chân từ lúc chào đời do mẹ anh bị sốt xuất huyết khi mang thai. Anh lớn lên trong sự đùm bọc của gia đình và không tránh khỏi tự ti, mặc cảm khi nhìn thấy bạn bè cùng trang lứa vui đùa, chạy nhảy.

Năm 2002, 19 tuổi, Công một mình vào TP.HCM ở nhờ nhà một người bác cùng quê để học tập. Vừa học, anh vừa làm thêm ở các xưởng mộc gần trường. Ra trường, Công vừa tiếp tục học thêm khóa chỉnh sửa hình ảnh ở Câu lạc bộ (CLB) khuyết tật trẻ, vừa nhận các văn bản về đánh máy kiếm thu nhập, trang trải cuộc sống.

Năm 2005, Công tiếp tục tham gia lớp học tại một CLB hướng nghiệp khuyết tật trẻ của thành phố. Trong năm này, anh được giới thiệu vào tập luyện thể dục-thể thao, rèn luyện sức khỏe ở CLB Cử tạ tại Trung tâm Văn hóa-Thể thao quận Tân Bình, TP.HCM. Anh kể: “Tại đây, mình được HLV Nguyễn Hồng Phúc (Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao quận Tân Bình) tận tình hướng dẫn, bồi dưỡng và định hướng trở thành vận động viên cử tạ chuyên nghiệp”.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Lê Tấn Dũng đến thăm gia đình và chúc mừng thành tích của đô cử Lê Văn Công tại nhà riêng

Chỉ vài tháng sau, Công tham gia giải Thể thao người khuyết tật toàn quốc tại Hà Nội và đoạt Huy chương Bạc ở hạng cân 48kg. Nhờ niềm đam mê, nghị lực phi thường, anh đã trở thành đô cử có tiếng và liên tục rinh "vàng" về cho Tổ quốc. Lần đầu tham dự quốc tế ASEAN Para Games 2007, Công xuất sắc giành HCV hạng 49kg với mức tạ 152,5kg. Rồi tại Pra Games 2009, Công lại giành được HCV với mức tạ 165kg.

Trong lúc sự nghiệp đang thuận lợi, một ngày trong năm 2010, Công bị tai nạn giao thông trong lúc điều khiển xe máy 3 bánh đi tập luyện và bị chấn thương đứt dây chằng ở vai. Tưởng chừng như sự nghiệp thể thao của anh chấm dứt nhưng với ý chí vươn lên, 3 năm sau, Công trở lại thi đấu đỉnh cao.

Năm 2013, tại giải vô địch Cử tạ người khuyết tật châu Á diễn ra tại Malaysia, Lê Văn Công lập được thành tích 176kg, đoạt HCV, phá kỷ lục châu Á. Đến năm 2014, tại Asian Para Games II, Công tiếp tục phá kỷ lục thế giới ở hạng cân 49kg khi nâng thành công mức tạ 181,5kg.

Không dừng lại ở đó, năm 2015, Công lại tiếp tục giành HCV ở giải vô địch châu Á khi nâng thành công mức tạ 182kg, phá thành công kỷ lục thế giới do chính anh nắm giữ. Tuy nhiên, thành tích nổi bật nhất của Công chính là tại Paralympic tổ chức ở Brazil diễn ra trong tháng 9/2016, anh vượt qua các đối thủ “nặng ký” để giành tấm HCV ở hạng cân 49kg khi nâng thành công mức tạ 183kg và phá sâu kỷ lục thế giới.

“Gia đình luôn là động lực”

Trong căn nhà cấp 4 ở ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An của Lê Văn Công những ngày qua luôn rộn rã tiếng cười. Bạn bè, người thân xa gần, kể cả lãnh đạo tỉnh Long An đến chúc mừng tấm huy HCV Công vừa giành được.

Vừa rót ly nước chè xanh còn nóng hổi mời khách, đô cử Lê Văn Công vui vẻ trò chuyện bằng giọng nói đậm chất “đi mô” không lẫn vào đâu được. “Đi mô rồi cũng có nơi để nhớ, để thương, để quay về. Đó là gia đình, vợ con” - đô cử Công bắt đầu câu chuyện từ những chuyến đi thi đấu.

“Ngày trước đi trong làng, trong xã đã hiếm, người khuyết tật teo tóp hai chân di chuyển phải nhờ chiếc xe lăn như mình càng không dám nghĩ có ngày trở thành lực sĩ cử tạ, có những chuyến đi xa cách nửa vòng trái đất như thế” - anh Công chia sẻ.

“Mỗi ngày, cứ 15 giờ, tôi sử dụng xe gắn máy 3 bánh chạy gần 50 cây số cả đi lẫn về để đến TP.HCM tập luyện, đến tận hơn 20 giờ đêm mới về đến nhà. Dù có chút vất vả nhưng vẫn vui vì có mái nhà để vợ con ở, để mình có nơi đi về vui vầy” - anh Công vui vẻ nói.


Đô cử Lê Văn Công cùng vợ và 2 con

Trò chuyện với chúng tôi, đô cử Lê Văn Công luôn nói về sự hỗ trợ của gia đình và những người đã dìu dắt, hướng dẫn mình. Công chia sẻ, gia đình chính là chỗ dựa vững chắc, là niềm tin, động lực để anh nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn. Cũng chính vì thế, cứ mỗi lần gặt hái được huy chương, người đầu tiên anh gọi điện thông báo tin vui là vợ, con, cha mẹ.

Như lần đoạt HCV vừa rồi, anh nói qua điện thoại với con trai đầu 6 tuổi: “Cha đã thực hiện được lời hứa với con rồi nhé!”. Chia sẻ về việc thực hiện được lời hứa với con trai 6 tuổi, Công kể: “Trước khi sang Brazil thi đấu, con trai hứa sẽ học tốt để mang về điểm 10 tặng cha, còn mình hứa sẽ mang HCV về tặng con”.

Nói về người vợ Chu Thị Tám (quê Nghệ An), Công xúc động: “Vợ mình đã hy sinh quá nhiều. Vợ chính là hậu phương vững chắc để mình thi đấu. Năm 2005, mình gặp em ở TP.HCM, em lành lặn, khỏe mạnh nhưng vẫn yêu người tật nguyền như mình. Đến 2008, chúng mình tổ chức đám cưới. Từ đó đến nay, em vất vả lo cho chồng, con để mình yên tâm tập luyện, thi đấu”. Ngồi bên cạnh, chị Tám góp vui: “Thấy anh hiền lành, thật thà, tôi thương, rồi đồng ý làm vợ. Người ta thường tặng hoa cho vợ, còn anh lại tặng tôi HCV”.


Lực sĩ Lê Văn Công (giữa) hạnh phúc trong niềm vui chiến thắng khi đoạt huy chương vàng tại Paralympic Rio 2016. Ảnh: Internet

Từ những số tiền thưởng có được sau mỗi lần gặt hái thành tích vàng, năm 2014, Lê Văn Công mua một mảnh đất, cất căn nhà nhỏ ở ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, rồi đưa vợ, đứa con trai về ở. Niềm vui càng nhân lên, khi cách đây 6 tháng, gia đình anh đón thêm thành viên mới khi cô con gái kháu khỉnh chào đời.

Hỏi Công cảm thấy thế nào mỗi lần bước vào thi đấu? Công cười hiền khô nói, cứ để tâm lý thoải mái, không để áp lực thành tích đè nặng. Nhưng bao giờ cũng vậy, trước khi nâng tạ, mình đều nghĩ đến vợ con, đến sự kỳ vọng của gia đình, bạn bè, huấn luyện viên và của đất nước. Vậy cảm giác mỗi lần giành HCV và đứng nhìn lá cờ Tổ quốc được kéo lên cao nhất thì sao? Công rưng rưng nói, mỗi lần như thế, mình thấy tự hào vô cùng, nhiều khi vui quá mà nước mắt cứ tuôn ra. Mình hiểu rằng, đó không chỉ là hạnh phúc, tự hào cho riêng bản thân mà còn cho gia đình, quê hương, đất nước./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết