Tiếng Việt | English

23/02/2017 - 10:22

Đồ “sida” - Rẻ, đẹp nhưng cần thận trọng

Bên cạnh các loại trang phục may sẵn thông thường, một bộ phận người dân vẫn rất ưa chuộng quần áo đã qua sử dụng vì giá cả phải chăng, mẫu mã phong phú. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần chú ý khi lựa chọn cũng như cẩn trọng với những nguy cơ về sức khỏe với những mặt hàng này.


Đồ “si” với rất nhiều chủng loại, mẫu mã phong phú và  giá cả phải chăng nên được nhiều người ưa chuộng

Đồ “si”, hay còn gọi là đồ “sida”, quần áo “hàng thùng”, đồ “second hand” - là tên gọi chung của các loại trang phục đã qua sử dụng. Trước đây, những mặt hàng này là quần áo cũ do Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (viết tắt tiếng Anh là Swedish International Development Cooperation Agency - SIDA) viện trợ từ những năm đầu thập niên 1980. Việc chữ “sida” trùng với tên gọi căn bệnh SIDA/AIDS chỉ là ngẫu nhiên. Đến nay, dù tổ chức SIDA không còn hình thức viện trợ này cho nước ta nhưng khái niệm đồ “sida” vẫn được dùng để gọi những mặt hàng quần áo từ nước ngoài đã qua sử dụng tại thị trường Việt Nam.

Do là quần áo cũ nên đồ “si” phải được giặt, tẩy sạch rồi mới đến tay người tiêu dùng. Do đó, quần áo “si” khi mới mua về có mùi khó chịu rất đặc trưng. Đồ “si” có đầy đủ chủng loại từ bình dân đến cao cấp, bao gồm: Quần áo, giày dép, đồ lót, phụ kiện trang sức, mắt kính, đồng hồ, thắt lưng, nón, thậm chí là... thảm lau chân, thú nhồi bông,... phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng từ người lao động đến đối tượng có điều kiện kinh tế khá giả, thích sưu tầm đồ “độc”, lạ.

Chị Phan Tố Trang, ngụ xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An chia sẻ: “Tôi rất thích sưu tầm đồ “si” vì giá cả phải chăng, mẫu mã đẹp. Đồ “si” cũng bắt kịp xu hướng thời trang không thua gì đồ mới. Thậm chí, nếu chịu khó “lăn xả lựa chọn”, khách hàng còn tìm được cái “độc” hơn, đẹp hơn với giá rất thấp”. Còn với chị Lê Thị Duyên, ngụ phường 4, TP.Tân An có chồng làm phụ hồ nên thường mua đồ “si” cho chồng mặc vì mua cái áo “si” có khi chỉ chừng 15.000-20.000 đồng, rẻ hơn rất nhiều so với mua chiếc áo mới, tiết kiệm được một khoản chi phí cho gia đình.


Người tiêu dùng cần chú ý khi lựa chọn cũng như cẩn trọng với những nguy cơ về sức khỏe với những mặt hàng này

Tại TP.Tân An, dọc tuyến Quốc lộ 1 tập trung khá nhiều cửa hàng đồ “si”. Ở nội ô, khu vực phường 1, 2, 3 cũng có một số cửa hàng đồ “si” rải rác hoặc thỉnh thoảng có những xe đẩy bán dạo dọc đường. Thông thường, các cửa hàng đồ “si” đều có số lượng khách hàng quen cố định. Ngày khui kiện sẽ được chủ cửa hàng thông báo cho khách đến lựa chọn.

Chủ cửa hàng đồ “si” trên Quốc lộ 1, phường 2, TP.Tân An cho biết: “Đồ “si” của tôi được bạn hàng từ TP.HCM giao tận nơi. Các loại quần áo được khui kiện vào ngày cố định trong tuần. Ai đến mua trong ngày khui kiện thì phải chịu giá cao nhất. Những ngày sau đó, giá giảm dần cho đến khi bán hết. Riêng giày dép, túi xách thì tôi thường nhận hàng trực tiếp tại TP.HCM, lựa chọn để bảo đảm chất lượng,...”.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Long An - Nguyễn Tấn Vĩnh, thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường chỉ đạo các đội Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại đối với tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, trong đó có kiểm tra về kinh doanh quần áo đã qua sử dụng. Qua kiểm tra, chưa phát hiện hành vi vi phạm về đăng ký kinh doanh, hóa đơn, chứng từ, nhãn hàng hóa,...

Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng cần thận trọng khi chọn mua quần áo đã qua sử dụng. Bởi vì loại hàng này được chủ hàng xử lý qua các công đoạn như tẩy, nhuộm, hấp lại cho mới, người mua mặc vào dễ bị viêm da do tiếp xúc thuốc nhuộm, thuốc tẩy, thuốc làm cứng vải,... Một số trường hợp còn vết máu trên vải, do đó, nguy cơ bị lây nhiễm các bệnh như viêm gan siêu vi B, C, HIV,... vẫn có thể xảy ra. Ngoài ra, người mua thường có thói quen mặc thử tại chỗ, với quần áo đã qua sử dụng thì không nên mặc thử khi mua, nhất là đồ lót, vì một số mầm bệnh như vui-rút, vi nấm, ký sinh trùng có thể tồn tại một thời gian dài và có khả năng gây bệnh, không an toàn đối với sức khỏe.

Có “cầu” ắt có “cung” - đây là quy luật tất yếu của thị trường. Không thể phủ nhận được lợi ích của đồ “si” khi tiết kiệm một khoản chi phí cho các bà nội trợ, sinh viên, học sinh và những người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần cân nhắc lựa chọn những mặt hàng chất lượng, giá thành phù hợp túi tiền và vẫn bảo đảm sức khỏe cho bản thân và gia đình./.

Cát Tường

Chia sẻ bài viết