Nhiều trái chủ mệt mỏi vì đòi tiền mua trái phiếu - Ảnh: CƯỜNG NGÔ
Theo thống kê trên trang HNX, trong tháng 12 này, dự kiến có 46 lô trái phiếu đến hạn phải thanh toán. Trong số này, một số tổ chức phát hành là công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, FLC, LDG...
Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận có lô trái phiếu trị giá 1.500 tỉ đồng lãi suất phát hành 9%/năm sẽ đáo hạn ngày 27-12-2023.
"Bom" nợ trái phiếu từ hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát
Cuối tháng 9 vừa qua, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã phát đi thông báo tìm bị hại trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các tổ chức có liên quan.
Kết quả điều tra xác định các vi phạm có liên quan tại Quang Thuận và một số doanh nghiệp khác liên quan Vạn Thịnh Phát. Cụ thể có hành vi gian dối, làm trái quy định trong việc tạo lập 25 gói trái phiếu (tổng giá trị 30.000 tỉ đồng) để bán cho trái chủ và chiếm đoạt.
Để phục vụ yêu cầu điều tra vụ án, đảm bảo quyền lợi của bị hại, cơ quan điều tra đã đề nghị các trái chủ có liên quan phối hợp làm việc.
Về Công ty Quang Thuận, doanh nghiệp chưa đại chúng này thành lập từ năm 2001, trụ sở tại quận 3, TP.HCM, ông Huỳnh Ngọc Phát làm người đại diện pháp luật.
Dù huy động cả chục nghìn tỉ đồng trái phiếu, nhưng báo cáo về tình hình tài chính doanh nghiệp này hé lộ bức tranh kinh doanh rất èo uột.
Nửa đầu năm 2023, Quang Thuận báo lỗ hơn 641 tỉ đồng. Cả năm 2022 trước đó lỗ gần 4,3 tỉ đồng. Còn năm 2021 lãi nhưng chỉ hơn 412 triệu đồng...
Báo cáo tài chính cơ bản còn cho biết tính đến 30-6-2023, vốn chủ sở hữu Quang Thuận giảm mạnh từ hơn 3.000 tỉ đồng về 1.249 tỉ đồng, bốc hơi 58%.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty 9,96 lần, tương đương hơn 12.440 tỉ đồng. Trong đó, chiếm chủ yếu là nợ trái phiếu doanh nghiệp với hơn 10.900 tỉ đồng.
Hành trình kinh doanh từ lãi nhỏ giọt đến lỗ khủng của Quang Thuận - Dữ liệu: BCTC
FLC tích cực mua lại trái phiếu, LDG tính bán dự án trả nợ
Danh sách trái phiếu đáo hạn tháng 12 có tên Công ty cổ phần Tập đoàn FLC với gần 1.000 tỉ đồng và Công ty cổ phần Đầu tư LDG với 200 tỉ đồng. Hai doanh nghiệp đều đã và đang trải qua những khó khăn nhất định khi chủ tịch bị khởi tố.
Tại FLC, đến tháng 10-2023, doanh nghiệp đã mua lại trước hạn 153 tỉ đồng trái phiếu lô FLCH2123003. Mã trái phiếu có kỳ hạn 24 tháng, lãi suất 12%/năm, đáo hạn ngày 28-12-2023.
Sau khi lãnh đạo cấp cao vướng lao lý, FLC đã tiến hành mua lại nhiều đợt trái phiếu trước hạn. Tại phiên họp bất thường hồi đầu năm, FLC cho biết cần thực hiện tái cơ cấu toàn diện, trong đó có các khoản vay.
Nhiều nhóm giải pháp quan trọng đã được FLC thông qua như tái cấu trúc nguồn vốn, sử dụng tài sản của tập đoàn để xử lý các khoản vay trái phiếu, vay tại các tổ chức, cá nhân…
Từ quý 3 năm ngoái đến nay, FLC vẫn chưa thể công bố thông tin các báo cáo tài chính. Trong lần giải trình đầu tháng 11, FLC nói vẫn chưa đạt đồng thuận với kiểm toán UHY về báo cáo riêng, báo cáo hợp nhất năm 2021.
Với LDG, ngày 29-11, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam với ông Nguyễn Khánh Hưng (sinh năm 1978), chủ tịch HĐQT công ty này, về tội "lừa dối khách hàng".
Trước khi bị bắt, cuối tháng 9, ông Hưng đã ký quyết định thông qua chủ trương tái cơ cấu tài sản, dự án của công ty.
Trong đó tính bán dự án khu du lịch biển Bãi Bụt - Sơn Trà ở Đà Nẵng, khu chung cư lô C1 ở Bình Dương và các tài sản, dự án khác để trả nợ trái phiếu, nợ ngân hàng...
Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2018 - 2019, LDG lãi rất lớn. Tuy nhiên, từ năm 2020 trở đi, hoạt động kinh doanh của LDG bắt đầu lao dốc liên tục.
Đến năm 2022, lãi ròng cả công ty chỉ 4 tỉ đồng. Tệ hơn nữa khi LDG ghi nhận lỗ hơn 209 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023.
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất LDG
Nhiều doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn
Theo Bộ Tài chính, từ tháng 3 đến tháng 10-2023 có 66 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, giá trị 170.700 tỉ đồng.
Cũng thời gian này, một số doanh nghiệp đã chủ động mua lại trái phiếu với khoảng 184.700 tỉ đồng, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm trước.
Thống kê đến ngày 20-10-2023, có 60/132 doanh nghiệp chậm thanh toán 28.500 tỉ đồng đã có phương án đàm phán với nhà đầu tư, chiếm 34,7% khối lượng trái phiếu chậm trả.
|
Theo TTO
Nguồn: https://tuoitre.vn/doanh-nghiep-lien-quan-van-thinh-phat-sap-den-han-tra-hang-ngan-ti-dong-trai-phieu-20231202094353617.htm