1. Năm 2008, Công ty (Cty) TNHH Tazmo Việt Nam được thành lập với số vốn điều lệ trên 8 triệu USD. Hiện nay, Cty có 4 nhà máy với tổng diện tích khoảng 15.000m2 hoạt động tại Việt Nam, trong đó, có 3 nhà máy tại Khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc. Cty Tazmo tạo được uy tín không chỉ ở Việt Nam mà cả các nước trong khu vực ASEAN với việc ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất gia công các thiết bị công nghiệp, thiết bị sản xuất chất bán dẫn, khuôn chính xác.
Dù được các nhà đầu tư trên thế giới đánh giá cao nhưng khi dịch Covid-19 diễn ra, Cty gặp không ít khó khăn, thách thức. Tổng Giám đốc Cty TNHH Tazmo Việt Nam - Kazuhisa Fukuo cho biết: “Khi dịch Covid-19 bùng phát, các chính sách ứng phó và phòng ngừa dịch bệnh như phong tỏa, cách ly khiến việc vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sản xuất đình trệ do thiếu hụt nguyên, vật liệu, phụ kiện, nhất là hàng nhập khẩu. Cty đối mặt với nhiều thách thức như lượng hàng hóa xuất khẩu sang Nhật Bản giảm một nửa; các kế hoạch mở rộng và phát triển DN không thực hiện được”.
Dù vậy, Cty không bó tay ngồi đợi mà chủ động giải quyết những khó khăn, trở ngại để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Kazuhisa Fukuo cho biết thêm: “Cty chủ động cùng đối tác, khách hàng giải quyết những hạn chế mà các bên đang vướng mắc để việc phối hợp được thuận lợi hơn. Chẳng hạn như để khơi thông đầu ra cho sản phẩm, Cty sẵn sàng hỗ trợ khách hàng giải quyết khó khăn trong kinh doanh, duy trì sản xuất và tiếp tục đặt hàng; đồng thời, hỗ trợ các nhà cung cấp trong việc tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên, vật liệu đầu vào. Bên cạnh đó, Cty luôn xử lý kịp thời các quy định kiểm soát dịch của cơ quan nhà nước để việc lưu thông hàng hóa bảo đảm kế hoạch đề ra”.
Nhìn lại những chặng đường gian khó đã qua, ông Kazuhisa Fukuo tự hào nói: “Với sự hỗ trợ từ Cty mẹ cùng sự đồng lòng, đoàn kết, làm việc chăm chỉ và nỗ lực của toàn thể nhân viên, Cty đã vượt qua được những khó khăn và vẫn có thể hoàn thành kế hoạch đề ra. Từ năm 2020 đến nay, Cty không hề cắt giảm nhân sự, giảm lương, mà còn tạo thêm việc làm cho người lao động, duy trì việc thưởng cho nhân viên có cố gắng, nỗ lực làm tốt công việc”.
2. Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động giá cả nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào và chi phí sản xuất tăng, thị trường tiêu thụ chưa phục hồi, để duy trì sản xuất trong giai đoạn hiện nay, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Nước Hoàng Minh (với thương hiệu nước i-on kiềm cao cấp “I-on Life”) - Võ Đăng Linh chia sẻ: “Cty đã linh động chuẩn bị nhiều kế hoạch để ứng phó với rủi ro, tăng cường sức đề kháng của DN trước các cuộc khủng hoảng”.
Nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Nước Hoàng Minh tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến, hiện đại, tự động hóa hoàn toàn
Trải qua gần 15 năm hình thành và phát triển, Cty Cổ phần Nước Hoàng Minh không ngừng đầu tư cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế xanh và bảo vệ môi trường với việc sử dụng màng co nắp chai nhằm giảm thiểu rác thải không thể tái chế.
Giai đoạn 2020-2022, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 nhưng Cty vận hành thành công hệ thống phòng chiết sạch (Cleanroom) theo tiêu chuẩn ISO-8, một trong những tiêu chuẩn khắt khe nhất trong chế biến đồ uống, thực phẩm và nâng công suất sản xuất đạt 80 triệu lít/năm. Nhờ không ngừng đổi mới, sáng tạo trong ngành nước giải khát, 2 năm qua (2021, 2022), nước I-on Life của Cty liên tiếp được bầu chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao.
Để giúp DN đứng vững trong giai đoạn khó khăn, tạo động lực phục hồi kinh tế sau đại dịch, theo ông Võ Đăng Linh, DN mong Nhà nước sớm có các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN. Các cơ quan, ban, ngành cần có thêm các chính sách hỗ trợ người lao động ổn định việc làm, thúc đẩy tăng trưởng và thúc đẩy sự phát triển của các DN, bảo đảm đời sống của người dân.
Tổng Giám đốc Cty TNHH Tazmo Việt Nam - Kazuhisa Fukuo cho biết: “DN rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan nhà nước trong các lĩnh vực như tháo gỡ những vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, nhất là đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; hỗ trợ giảm chi phí cho DN, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước; hỗ trợ, miễn, giảm các loại phí, lệ phí, tiền thuê đất,...”.
Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ DN như tăng cường các buổi đối thoại giúp DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư; triển khai kế hoạch khuyến công địa phương với kinh phí khoảng 1,5 tỉ đồng và đề xuất Chương trình khuyến công quốc gia năm 2023 (dự kiến trên 3,4 tỉ đồng) nhằm hỗ trợ DN cải tiến máy móc, thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm; tổ chức hoạt động xúc tiến, tìm kiếm thị trường mới.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng thành lập các đoàn đến làm việc, tìm hiểu những vướng mắc, khó khăn để tháo gỡ cho DN. Qua đó, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3,43%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch rõ nét, đúng định hướng, các chỉ tiêu chủ yếu đạt khá.
Tin rằng, thời gian tới, tỉnh sẽ có thêm nhiều biện pháp cụ thể, quyết liệt, chính sách hỗ trợ nhanh chóng, thuận lợi, đúng đối tượng, giúp DN giảm bớt khó khăn, chủ động trong sản xuất, kinh doanh, tích cực đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững./.
An Thuận