Công nhân sản xuất tại nhà máy Công ty TNHH MTV CELLUTANE Việt Nam
"Đối với các doanh nghiệp trong nước, theo nhận định từ các ngành chức năng, năm 2017 có nhiều khởi sắc hơn bởi Việt Nam gia nhập kinh tế quốc tế. Ngoài ra, doanh nghiệp còn đổi mới trang thiết bị sản xuất, chú trọng đến chất lượng sản phẩm hàng hóa để có thể gia nhập thị trường thế giới". |
Năm 2016, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN có nhiều khởi sắc, nhất là đối với những DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sử dụng công nghệ tiên tiến. Khối DN FDI hiện đang được xem là khu vực có những đóng góp lớn nhất vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Theo đó, doanh thu của DN FDI trong các khu công nghiệp (KCN) đạt trên 2,2 tỉ USD, tăng 70% so với năm 2015; xuất khẩu đạt 675 triệu USD, doanh thu của DN trong nước đạt 26.230 tỉ đồng.
Đến thời điểm này, Công ty (Cty) TNHH MTV Đồ gỗ FuKui Việt Nam đi vào hoạt động sản xuất tại KCN Phú An Thạnh (huyện Bến Lức) khoảng 3 năm. Các sản phẩm của Cty đều xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu. Hầu hết nguyên liệu làm ra sản phẩm đều là hàng trong nước, đơn vị chỉ nhập những nguyên liệu mà Việt Nam chưa sản xuất. Năm 2016, doanh thu của đơn vị đạt khoảng 4,5 triệu USD. Theo kế hoạch, năm 2017, Cty tăng sản lượng cao hơn năm 2016 khoảng 20% nhằm đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
Giám đốc Cty - ông Sugiyama Mit cho biết: “Hiện nay, Cty có nguồn nguyên liệu phong phú, lực lượng lao động đáp ứng tốt nhu cầu công việc. Ngoài ra, Cty vừa được cấp phép bán hàng hóa trong nước. Vì vậy, ngay từ những tháng đầu năm 2017, Ban Lãnh đạo Cty động viên người lao động thông qua chế độ tiền lương, tiền thưởng để họ phấn khởi, tăng năng suất lao động. Ngoài ra, Cty tiếp tục triển khai giai đoạn 2 để tăng sản lượng trong những năm tiếp theo”. Cùng với Cty TNHH MTV Đồ gỗ FuKui Việt Nam, nhiều đơn vị khác trong khối DN vốn FDI đang tích cực gia tăng năng lực để đạt giá trị sản xuất cao ngay từ những ngày đầu năm. Đó là Cty TNHH MTV CELLUTANE Việt Nam đóng trên địa bàn KCN Phúc Long, chuyên ngành nghề gia công vỏ bọc ghế sofa xuất khẩu sang Nhật Bản.
Quản đốc Cty TNHH MTV CELLUTANE Việt Nam - Trương Dũng Tiến thông tin, năm 2016, Cty sản xuất bình quân mỗi tháng 10.000 sản phẩm. Năm 2017, đơn hàng từ các đối tác tăng, do đó, Cty tiếp tục thu tuyển thêm công nhân để đáp ứng nhu cầu hàng hóa. Dự kiến năm nay, sẽ tăng sản lượng 50% sản phẩm so với năm trước.
Đối với các DN trong nước, theo nhận định từ các ngành chức năng, năm 2017 có nhiều khởi sắc hơn bởi Việt Nam gia nhập kinh tế quốc tế. Ngoài ra, DN còn đổi mới trang thiết bị sản xuất, chú trọng đến chất lượng sản phẩm hàng hóa để có thể gia nhập thị trường thế giới.
Dây chuyền rửa trái thanh long giúp Công ty Hương vị trái cây Việt giúp bảo quản trái lâu hơn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu sang thị trường khó tính
Thanh long là một trong những loại cây trồng chủ lực của Long An với sản lượng thu hoạch trái thanh long năm 2016 trên toàn tỉnh khoảng 158.000 tấn, trong đó, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành. Tuy nhiên, sản phẩm có đến 90% xuất khẩu sang Trung Quốc, lượng hàng hóa xuất sang thị trường khó tính chưa nhiều. Khắc phục những nhược điểm mà nhiều DN thu mua và xuất khẩu thanh long đang gặp phải là chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường khó tính, thời gian gần đây, Cty TNHH MTV Hương vị trái cây Việt, xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành mạnh dạn liên kết với nông dân trong sản xuất để tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường khó tính.
Giám đốc Cty - Nguyễn Thân Ái chia sẻ, Cty đi vào kinh doanh từ năm 2014, do sớm nhận thấy việc sản xuất thanh long đại trà và chưa có định hướng thị trường của nhiều DN hay hợp tác xã dẫn đến thiếu tính bền vững. Vì vậy, Cty định hướng xuất khẩu thanh long vào các thị trường khó tính: Châu Âu, Thái Lan,... và giảm dần phụ thuộc xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Năm 2016, Cty TNHH MTV Hương vị trái cây Việt thu mua và bán ra thị trường sản lượng khá lớn, trong đó, hầu hết dành cho xuất khẩu. Đặc biệt, Cty có đến 30% sản lượng trái thanh long xuất khẩu sang thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc với giá trị mang về khoảng 1 triệu USD. Theo định hướng của năm 2017, Cty tiếp tục phát triển thị trường mới gồm Indonesia, Singapore, Mỹ,...
Để có thể chinh phục thị trường khó tính, Cty tiếp tục liên kết cùng nông dân trong sản xuất và đầu tư thêm trang thiết bị. Mới đây, Cty được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương (do Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp quản lý) và vốn đối ứng để đầu tư dây chuyền rửa trái thanh long. Theo ông Nguyễn Thân Ái, dây chuyền này giúp rửa sạch trái thanh long bằng khí ozone, giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, trái được làm khô nhanh chóng sau khi rửa, giúp bảo quản trái lâu hơn, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang thị trường khó tính.
Trước những nỗ lực của từng doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tin tưởng rằng, năm 2017 có nhiều tín hiệu tích cực, giúp tăng năng suất, tăng lợi nhuận, góp phần tích cực trong thực hiện kế hoạch về phát triển kinh tế trong tỉnh./.
Thanh Tùng