Cao điểm đợt nắng nóng trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, lượng điện tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố gia tăng đã khiến hóa đơn tiền điện thời điểm này tăng vọt. Tại Hà Nội, đã có nhiều khiếu nại của khách hàng đối với ngành điện về cách tính giá điện; thắc mắc về chỉ số điện cũng như đòi hỏi cần phải công khai, minh bạch hơn trong cách ghi chỉ số công tơ điện vẫn đang được áp dụng hiện nay.
Hiện đại hóa hạ tầng điện lực
Trước những thắc mắc của nhiều khách hàng sử dụng điện, tại Hội nghị giao ban trực tuyến 6 tháng đầu năm của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đối với những phản hồi của dư luận cũng như các chuyên gia liên quan đến biểu tính giá điện mới, EVN đã và đang giải thích làm rõ.
Công nhân ngành điện thao tác ghi chỉ số công tơ điện bằng thiết bị mới. (Ảnh: EVN HANOI)
Đặc biệt với những thắc mắc của người dân về giá điện cũng như chỉ số điện tiêu dùng, tới đây ngành điện sẽ tiến hành công khai minh bạch việc cách ghi chỉ số công tơ điện, tạo điều kiện cao nhất cho người dân có quyền được kiểm tra, giám sát quá trình này.
Thực hiện việc công khai minh bạch trong công tác ghi chỉ số công tơ điện hàng tháng, từ tháng 7/2015, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) đã đưa vào sử dụng thiết bị đọc chỉ số công tơ điện từ xa, áp dụng công nghệ camera kết hợp với máy tính bảng.
Thiết bị ghi chỉ số công tơ điện mới được áp dụng có khả năng chụp ảnh chỉ số công tơ điện, tính toán sản lượng ngay tại hiện trường sau khi nhập chỉ số sử dụng điện mới, cảnh báo các sản lượng bất thường... Đồng thời cải thiện điều kiện lao động, tăng năng suất và hiệu quả làm việc, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người lao động.
Đáng chú ý, trong quá trình ghi chỉ số công tơ điện bằng thiết bị này, khách hàng có thể xem, lưu lại hình ảnh chụp chỉ số điện khách hàng sử dụng trong tháng giúp củng cố niềm tin của khách hàng đối với ngành điện.
EVN HANOI cho biết hiện là đơn vị đầu tiên nghiên cứu áp dụng công nghệ tiên tiến trong việc ghi chỉ số công tơ điện. Đến tháng 7/2015, EVN HANOI sẽ đưa vào sử dụng gần 1.300 bộ ghi chỉ số tại tất cả các Công ty Điện lực trực thuộc. Dự kiến trong kỳ hóa đơn tháng 7/2015, số lượng khách hàng được áp dụng biện pháp ghi chỉ số công tơ này là trên 1 triệu khách hàng (chiếm tỉ lệ trên 40%).
EVN HANOI cũng cho biết, đang tiếp tục triển khai đầu tư, trang bị thiết bị này cho tất cả các Công ty Điện lực của thành phố nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và minh bạch trong công tác ghi chỉ số công tơ điện. Đồng thời khẳng định: “Việc ứng dụng giải pháp ghi chỉ số công tơ bằng camera kết hợp máy tính bảng đã giúp cải tiến, hiện đại hoá công tác ghi chỉ số công tơ hàng tháng, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng sử dụng điện ngày một hoàn thiện hơn”.
Sử dụng phương tiện đọc số điện là hợp lý
Đánh giá giải pháp ghi chỉ số công tơ điện từ xa bằng thiết bị cầm tay được EVN HANOI ứng dụng, Giáo sư - Viện sĩ Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho biết, đây là ứng dụng hoàn toàn hợp lý. Thực chất đây vẫn là cách đo đếm lượng điện tiêu thụ trực tiếp tại điểm bán điện cho khách hàng, tuy nhiên, thay vì cách đọc chỉ số công tơ điện bằng mắt thường, ngành điện cải tiến và trang bị camera và máy tính để đọc và ghi số điện từ xa.
“Cách làm này sẽ giảm vất vả cho đội ngũ nhân viên ghi, đếm số điện. Lực lượng này không phải dùng thang leo trèo ghi đếm số điện. Hơn nữa, cách làm này giúp cho việc ghi hóa đơn tiền điện hàng tháng của khách hàng cũng thuận tiện hơn”, Giáo sư - Viện sĩ Trần Đình Long khẳng định.
Mặt khác, theo Giáo sư - Viện sĩ Trần Đình Long, trong lộ trình hiện đại hóa ngành điện, việc sử dụng phương tiện hỗ trợ đọc số điện đương nhiên phải được tiến hành. Đối với trang thiết bị phục vụ cho công tác đo, đếm điện của EVN HANOI được đưa vào sử dụng hiện nay, theo Luật Điện lực đã quy định rõ: Bên bán điện phải tự trang bị các thiết bị này. Khách hàng - người mua điện hoàn toàn không bị ảnh hưởng từ việc đầu tư các thiết bị của EVN HANOI, từ đó không tác động đến giá điện trong thời gian tới.
Khách hàng có thể xem, lưu lại hình ảnh chụp chỉ số điện sử dụng trong tháng. (Ảnh: EVN HANOI)
Cũng theo Giáo sư - Viện sĩ Trần Đình Long, trên bình diện rộng, ngành điện muốn hiện đại hóa hạ tầng đo đếm điện nói chung, cần hơn cả là phải thay toàn bộ công tơ điện cơ học hiện nay bằng công tơ điện tử. Đi kèm theo đó là cần thiết phải ứng dụng linh hoạt công nghệ thông tin vào công tác này. Khi đó, việc thu thập, xử lý dữ liệu, lập hóa đơn và thậm chí là xuất hóa đơn tiền điện đến khách hàng sẽ được kịp thời, nhanh chóng và chính xác bằng các thiết bị công nghệ hiện đại, ứng dụng nền tảng của công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ.
Thực tế hiện nay theo đánh giá của Giáo sư - Viện sĩ Trần Đình Long, ngành điện đang phải dành một nguồn kinh phí rất lớn chi cho công đoạn đọc, ghi chỉ số công tơ điện. Việc chốt số điện hàng tháng cũng như mỗi lần thay đổi giá điện…đã tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc, đó là chưa kể đến đội ngũ những người đi thu tiền điện trực tiếp. Thậm chí, những đội ngũ này còn có thể đang làm cho năng suất và hiệu quả của các công ty phân phối điện giảm thấp.
Do đó, Giáo sư - Viện sĩ Trần Đình Long đề xuất, nếu ngành điện chịu khó bỏ tiền đầu tư (tất nhiên là cũng khá tốn kém) nâng cấp hệ thống điện hiện đại, sẽ khiến tiến độ khai thác, vận hành và phân phối điện gọn nhẹ hơn. Nhất là khi ngành điện điện tử hóa được hệ thống chỉ trong thời gian không dài sẽ có thể thu hồi được nguồn kinh phí đầu tư.
“Hiện đại hóa là việc ngành điện trước sau vẫn phải làm vì xu thế hiện nay là xây dựng lưới điện thông minh, trong đó xác định một trong những tiêu chí quan trọng nhất đó là khâu đo đếm điện. Trong đó xác định phải làm như thế nào để thuận tiện, minh bạch, khách hàng càng ít thắc mắc càng tốt”, Giáo sư - Viện sĩ Trần Đình Long chỉ rõ.
Cho biết thêm về các phương pháp phân phối điện hiện nay, Giáo sư - Viện sĩ Trần Đình Long cho biết, hiện tại hầu hết các nước trên thế giới, thiết bị đo đếm điện sinh hoạt đã được chuyển 100% sang công tơ điện tử. Ở Việt Nam, sau này khi thị trường điện phát triển, giá điện có thể thay đổi liên tục, khách hàng có thể trả tiền điện theo giờ sử dụng cùng với giá điện nhiều thành phần…việc sử dụng công tơ điện tử sẽ tạo ra sự thuận tiện rất lớn./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN