Tiếng Việt | English

01/04/2020 - 14:38

Đời sống kinh tế sau Covid-19: Bài học từ đại dịch Cái Chết Đen

Nhiều bài học thế giới có thể rút ra từ đại dịch Cái Chết Đen đã từng xóa sổ 60% dân số châu Âu để lường trước cuộc sống kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Tờ Economic Times cho rằng, thế giới có thể rút ra nhiều bài học từ đại dịch Cái Chết Đen (Back Death) - bệnh dịch hạch đã từng xóa sổ 60% dân số châu Âu vào nửa sau thế kỉ 14 - để lường trước cuộc sống kinh tế sau đại dịch Covid-19 hiện đang hoành hành khắp nơi.

Nhìn vào tai họa mà đại dịch thảm khốc trong quá khứ gây ra cũng có thể tưởng tượng được phần nào về tổn thất mà Covid-19 có thể mang lại khiến thay đổi đời sống kinh tế sâu rộng.

Hình ảnh thảm khốc về đại dịch Cái Chết Đen (Black Death) vào nửa sau thế kỉ 14. (Ảnh: GETTY)

Hình ảnh thảm khốc về đại dịch Cái Chết Đen (Black Death) vào nửa sau thế kỉ 14. (Ảnh: GETTY)

Tất cả những biến động đều sẽ để lại dấu vết, một số mờ dần, một số thì trường tồn. Sau Cái Chết Đen, bệnh dịch hạch được cho đã giết chết 60% dân số châu Âu ở nửa sau của thế kỷ 14, người ta nhận ra rằng cuộc sống quá ngắn ngủi. Và đại dịch này cũng đóng vai trò lớn trong việc định hình lãi suất ở châu Âu thời kỳ trung cổ, từng kéo dài suốt cả chặng đường đến thời kỳ Khai sáng (Enlightenment).

Đại dịch Covid-19 hiện nay không gây chết người như bệnh dịch hạch trong khi các công cụ chống dịch của thế giới đã hiện đại hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, Covid-19 được cho là vẫn có những tác động thảm khốc đối với các nền kinh tế, nhất là về giá cả và tài sản. Khả năng phục hồi của nền kinh tế sau khi dịch bệnh qua đi hiện vẫn đang chưa thể tính toán kĩ lưỡng được.

Các nhà kinh tế học đã có rất nhiều tranh luận về tác động của Cái Chết Đen. Tuy nhiên, họ đồng ý rằng sự suy giảm đột ngột có tác động thiểu phát. Năng suất làm việc của người lao động tăng vọt vì các thế hệ trước bị giới hạn về diện tích canh tác. Khi nhiều người chết bị dịch bệnh, bẫy dân số (Malthusian trap) cũng biến mất bởi sự tăng trưởng không còn bị hạn chế bởi nguồn cung thực phẩm.

Trong nghiên cứu được Ngân hàng Anh công bố hồi tháng 1 vừa qua, chuyên gia Paul Schmelzing cho biết lạm phát toàn cầu trung bình hàng năm từ năm 1360 đến 1460 chậm lại chỉ 0,65% với với mức 1,58% trong khoảng thời gian từ năm 1311 đến 1359. Tiền thuê đất thì giảm mạnh trong khi người thuê đất có nhiều cơ hội để lựa chọn những vùng đất tốt trong bối cảnh người thiếu đất thừa. Thiểu phát làm tăng tiền lương thực tế hay nói cách khác, mức sống của người công nhân luôn rất cao trong giai đoạn sau dịch bệnh và kéo dài tới tận những năm 1700.

Nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh sau đại dịch, sau đó hạ thấp dần. (Nguồn: Bloomberg)

Nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh sau đại dịch, sau đó hạ thấp dần. (Nguồn: Bloomberg)

Chuyên gia Paul Schmelzing phân tích: Sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng thể hiện rõ ràng hơn sau dịch bệnh. Cái Chết Đen không chỉ khiến dân số sụt giảm mà trải nghiệm đau thương về những cái chết bất thình lình đã tạo ra một động lực hưởng thụ khi người ta vẫn còn có thể.

Các sản phẩm vốn được coi là xa xỉ trước đó, chẳng hạn như đồ lót bằng vải lanh và kính cửa sổ, trở nên phổ biến và được dùng rộng rãi khi giá rẻ hơn để thỏa mãn đông đảo người dùng hơn. Tuy nhiên, sau đó, những việc chi tiêu vô tội vạ cũng kết thúc bằng những luật lệ hà khắc, quy định hàng loạt những quy chuẩn trong xã hội. Tiền tiết kiệm được chuyển vào trái phiếu.

Dịch bệnh bùng lên trong một xã hội tiền tư bản rõ ràng không thể có sự tương đồng chính xác với ngày nay. Tuy nhiên, nó cũng làm nổi bật lên những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt, tờ Economic Times nhận định.

Những gì đang diễn ra có thể khiến lãi suất giảm không ngừng. Trong bối cảnh thế giới đang trở nên phẳng và thương mại toàn cầu vẫn là chìa khóa, dịch bệnh có thể khiến thời đại của robot và thuật toán tới nhanh hơn.

Sự gia tăng lao động giá rẻ ở Trung Quốc và Ấn Độ khiến người ta quen với việc nghĩ về chi phí tiền lương như một món hời mà trong đó các nhà tư bản luôn nắm thế thượng phong. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu các biện pháp kích thích mà các nước áp dụng chống Covid-19, bao gồm hỗ trợ tiền lương, trợ cấp tiền mặt, cứu trợ cho sinh viên tiếp tục được duy trì sau khi tình trạng khẩn cấp vì virus corona đã chấm dứt? Liệu nó có thể làm mất cân bằng quyền lực một lần nữa, giống như khi đời sống của người lao động tăng cao sau Cái Chết Đen do họ kiếm được nhiều tiền trong khi hàng hóa lại rẻ mạt?

Sau khi mạnh tay chi tiêu, người dân sẽ lại tằn tiện, tiết kiệm. (Nguồn: Bloomberg)

Sau khi mạnh tay chi tiêu, người dân sẽ lại tằn tiện, tiết kiệm. (Nguồn: Bloomberg)

Để điều chỉnh sự mất cân bằng quyền lực, các vị vua Anh đã cố gắng ban hành các sắc lệnh, liên tục trong cả thế kỷ, nhằm để tiền lương của thợ xây và thợ mộc xuống mức thấp như trước khi dịch bệnh xảy ra. Thế giới ngày nay vẫn có thể áp dụng những hình thức này bởi sự hỗ trợ của máy móc và tự động hóa nhằm thay thế nhân công.

Song, theo phân tích của nhà kinh tế học David Autor thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, một căn bệnh mà đặc biệt nguy hiểm với người già như đại dịch Covid-19 hiện nay có thể làm thay đổi nhân khẩu học toàn cầu và gây ra những hậu quả khó lường đối với hệ thống tiết kiệm lương hưu và nhu cầu tài sản.

Chi phí vay trước khi xảy ra Cái Chết Đen ở các chế độ quân chủ lớn của châu Âu là 20-30%. Tuy nhiên, khi đại dịch xảy ra, nó giảm xuống chỉ còn 8-10%. Các thành phố lớn ở Italy, Đức và Hà Lan đều giảm lãi suất từ 15% xuống 4%. Điều đáng ngạc nhiên là sự sụt giảm này trùng hợp với sự gia tăng mạnh mẽ về nợ có chủ quyền trong việc tăng cường sức mạnh quân sự.

Ngày nay cũng thế. Thế giới hiện đang đối mặt với một loại nợ có chủ quyền để tiến hành cuộc chiến chống đại dịch. Các nền kinh tế mới phát triển chẳng có lựa chọn nào khác ngoài việc đi vay để ngăn hệ thống tài chính sụp đổ cũng như các ngành công nghiệp phá sản.

Giả sử, ngay cả khi tỷ lệ tử vong chỉ chiếm 1% tổng số người nhiễm bệnh thì Covid-19 cũng có thể phủ một cái bóng lâu dài lên hành vi, thị hiếu, giá cả,... và tất nhiên là cả lãi suất./.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích