Tiếng Việt | English

04/06/2019 - 22:08

Đổi thay ở xã vùng biên

Những năm gần đây, nhờ sự tập trung triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), diện mạo nông thôn của xã biên giới Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An có nhiều thay đổi; đời sống vật chất, tinh thần của người dân dần được cải thiện.

Khởi sắc sau 30 năm thành lập

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp - Huỳnh Thị Nga chia sẻ: “Vào khoảng năm 1989, nông dân nghèo một số tỉnh miền Tây, miền Trung di cư đến vùng đất này lập nghiệp. Sau 30 năm thành lập, vùng đất “trấp rùng rình” ngày nào, giờ hình thành nên những khu dân cư nhộn nhịp; trường học, điện, nước sạch, nhà ở dân cư,... được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của người dân vùng biên”.

Đến nay, kết cấu hạ tầng nông thôn của xã cơ bản đáp ứng nhu cầu thông thương, đi lại của người dân. Các tuyến đường trục chính nội đồng (5,7km) được đầu tư, xây dựng bảo đảm vận chuyển hàng hóa. Hệ thống kênh, mương, thủy lợi ngày càng hoàn thiện, chủ động tưới tiêu trên 80% diện tích sản xuất nông nghiệp (2.750ha). Đời sống của người dân không ngừng được nâng lên nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hợp lý. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện nay chỉ còn 3,26% (năm 2018), thu nhập bình quân đầu người đạt trên 37 triệu đồng/năm.

Thu nhập bình quân đầu người của xã Tân Hiệp hiện đạt trên 37 triệu đồng/năm

Ông Nguyễn Thanh Hiền, ngụ ấp 4, xã Tân Hiệp, chia sẻ: “Quê ở Bến Tre, tôi đến đây lập nghiệp được gần 20 năm rồi. Gia đình tôi hiện có 1,5ha đất nông nghiệp, trồng xen canh lúa và dưa hấu. Hàng năm, sau khi trừ các khoản chi phí, tôi thu lợi nhuận gần 200 triệu đồng”.

Từ nguồn vốn vay hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, gia đình bà Nguyễn Thị Tuyền mạnh dạn đầu tư nuôi trăn mang lại hiệu quả kinh tế. Bình quân 1 con trăn, bà nuôi trong vòng 11 tháng được 10kg, bán với giá 150.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, thu lợi nhuận 800.000 đồng/con. “Ban đầu, gia đình tôi chỉ nuôi 10 con trăn, từ khi có nguồn vốn ưu đãi, số lượng trăn nuôi ngày càng nhiều và hiện nay trong chuồng có hơn 300 con lớn, nhỏ. Trăn nuôi khá dễ, vì nguồn thức ăn có nhiều, ít bị bệnh; thương lái đến tận nhà mua với giá tương đối ổn định. Nhờ nuôi trăn, gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo bền vững” - bà Tuyền chia sẻ. 

Dồn sức xây dựng nông thôn mới

Đến nay, Tân Hiệp đạt 15/19 tiêu chí xã NTM. Trong 4 tiêu chí chưa đạt (giao thông, y tế, môi trường, hệ thống chính trị), khó khăn nhất của địa phương hiện nay là hoàn thiện tiêu chí giao thông. Nguyên nhân chủ yếu là nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản của địa phương không nhiều, trong khi đời sống của người dân vùng biên chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên nguồn lực tham gia, đóng góp hỗ trợ XDNTM còn hạn chế.

Hiện nay, trên địa bàn còn khá nhiều tuyến đường giao thông nông thôn xuống cấp, không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi lưu thông. Đặc biệt, con đường huyết mạch từ trung tâm xã đến huyện vẫn chưa được láng nhựa, chúng tôi phải “gồng mình” qua lại tuyến đường đầy “ổ voi”, “ổ gà” - ông Nguyễn Văn Bé, ngụ ấp 4, xã Tân Hiệp, bày tỏ.

Theo báo cáo của UBN D xã, đường liên xã và đường từ trung tâm xã đến huyện chỉ được láng nhựa, bêtông hóa 2/29,5km, đạt 6,7%; đường trục ấp, liên ấp được cứng hóa 7,5/12,5km, đạt 60%; đường ngõ, xóm đầu tư chỉ được 2,2/11,2km vẫn còn lầy lội vào mùa mưa. “Để xây dựng các đường trục xã, liên xã, trục ấp, liên ấp đạt chuẩn, cần có nguồn vốn khá lớn, ngoài khả năng của xã. Vì vậy, địa phương rất mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ cấp trên để bảo đảm việc đi lại thuận tiện cho người dân cũng như hoàn thành các tiêu chí XDNT M sau năm 2020, góp phần đưa địa phương phát triển toàn diện, bền vững” - Phó Chủ tịch UBN D xã - Huỳnh Thị Nga bộc bạch.

Để sớm về đích NT M, hiện nay, Đảng ủy, chính quyền xã Tân Hiệp tích cực tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNT M. Qua đó, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị trong việc chung tay, góp sức xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là đầu tư hoàn thiện đường giao thông nông thôn, tạo đà thúc đẩy sự phát triển KT-XH của người dân vùng biên./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết