Tiếng Việt | English

19/09/2017 - 14:09

Đổi thay ở một xã vùng biên

Tân Hiệp là 1 trong 2 xã biên giới của huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Với xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới (XDNTM) thấp nhưng những năm gần đây, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, diện mạo nông thôn của xã có nhiều đổi thay, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển KT-XH.


Trạm Y tế xã được xây dựng đạt chuẩn, bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân

Qua rà soát theo Quyết định số 1243/QĐ-UBND, ngày 07/4/2017 của UBND tỉnh về việc ban hành Bộ tiêu chí xã NTM tỉnh đến năm 2020, Tân Hiệp cơ bản đạt 13/19 tiêu chí. Trong năm 2017, xã phấn đấu đạt thêm 3 tiêu chí: Thu nhập, nhà ở dân cư, giáo dục và đào tạo.

Tập trung phát triển kinh tế

Là xã thuần nông, sản xuất lúa vẫn là thế mạnh của Tân Hiệp. Tuy nhiên, để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, chính quyền địa phương phối hợp các hội, đoàn thể, trong đó chủ lực là Hội Nông dân xã, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Vài năm trở lại đây, nhiều mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế cao được triển khai thực hiện và nhân rộng, giúp người dân nâng cao thu nhập. Đó là các mô hình: Trồng chanh, nuôi bò sinh sản, nuôi dê thịt, trăn thịt, trồng nếp giống,... Tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp nên nông dân mạnh dạn mở rộng sản xuất.


Mô hình nuôi dê cần nguồn vốn đầu tư ít nhưng dễ tiêu thụ và giá cả ổn định

Anh Trịnh Văn Lâm, ngụ ấp 2, chia sẻ: “Gia đình tôi chuyển 1ha lúa sang trồng chanh được gần 2 năm nay. Ngoài những kinh nghiệm học qua sách, báo, tôi còn tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do Hội Nông dân phối hợp tổ chức nên đạt năng suất cao, thu nhập cao hơn so với trồng lúa”.

“Thu nhập bình quân đầu người của xã cuối năm 2015 đạt 33,2 triệu đồng/năm; dự kiến đến cuối năm 2017, đạt khoảng 38 triệu đồng/năm. Toàn xã có hơn 90% người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên, chủ yếu làm công nhân và sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo theo đa chiều còn 3,57%” - Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp - Lê Hoàng Hải cho biết.


Mô hình trồng chanh mang lại thu nhập cao cho nông dân

Nâng cao đời sống

Những năm qua, Tân Hiệp huy động sức mạnh tổng hợp trong xây dựng xã văn hóa, NTM. Toàn xã hiện có 13 đài nước ở 4 ấp, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước hợp vệ sinh của trên 98% hộ dân. 98,7% hộ dân sử dụng điện thường xuyên, an toàn. 3/3 trường học đều được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Trạm Y tế xã được xây dựng đạt chuẩn, bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Sáu, ngụ ấp 4, phấn khởi nói: “Trước kia, những con đường trong xã toàn là đường đất, đá đỏ, chứ đâu có đường trải đá 0x4 hoặc tráng bêtông như bây giờ! Trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng được đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe, vui chơi của người dân”.

Bên cạnh những kết quả tích cực, chương trình XDNTM ở Tân Hiệp vẫn còn không ít khó khăn, nhất là tiêu chí giao thông. Đến nay, đường từ trung tâm xã đến huyện vẫn còn là đường đá đỏ, nắng bụi, mưa lầy. Đường trục ấp và liên ấp chỉ mới cứng hóa 7,5/12,5km. Dù người dân đồng tình ủng hộ nhưng với mật độ dân cư thưa, sức đóng góp có hạn, khối lượng công trình cần xây dựng khá nhiều và cần nguồn kinh phí lớn nên đến nay, hệ thống cầu, đường giao thông nông thôn vẫn chưa được đầu tư hoàn chỉnh.

“Để đạt mục tiêu, kế hoạch năm 2017, xã tập trung cho công tác dạy nghề, tạo việc làm, giúp người dân giảm nghèo, nâng cao thu nhập. Đồng thời, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cụm, tuyến dân cư” gắn với thực hiện chương trình XDNTM; kết hợp chặt chẽ phát triển KT-XH với củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng biên giới vững mạnh toàn diện” - ông Lê Hoàng Hải thông tin./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết