Năm 2024, ước diện tích xuống giống lúa các vụ là 3.823,55 ngàn hécta, thấp hơn cùng kỳ 16,35 ngàn hécta. Mặc dù diện tích giảm nhưng năng suất mỗi vụ đều tăng nên ước sản lượng cả năm 2024 là hơn 24 ngàn tấn, tăng hơn 11 ngàn tấn so với năm 2023, bảo đảm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Đặc biệt, trong năm 2024, một số địa phương đã triển khai đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp; kết quả vừa giúp nông dân tăng lợi nhuận hơn 20%, vừa giảm phát thải 5-10 tấn CO2 tương đương/hécta so với ngoài mô hình.
Ngoài ra, việc sản xuất cây rau màu luôn được các tỉnh trong vùng quan tâm chỉ đạo phát triển và góp phần quan trọng trong cơ cấu cây trồng của vùng.
Đặc biệt, hiện nông dân trong vùng đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất – tiêu thụ; xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu.
Ước sản lượng các loại cây ăn quả chín (xoài, chuối, thanh long, dứa, cam, quýt, bưởi,...) toàn Vùng ĐBSCL năm 2024 là 5.777 ngàn tấn, tăng 429,7 ngàn tấn so với năm 2023; trong đó ước sản lượng 8 tháng năm 2024 là 4.142 ngàn tấn; ước sản lượng 4 tháng cuối năm 2024 là 1.633 ngàn tấn.
Tại hội nghị, Cục Bảo vệ thực vật báo cáo sơ kết công tác bảo vệ thực vật trên các loại cây trồng năm 2024, dự báo tình hình dịch hại trên lúa và một số cây trồng khác trong vụ Đông Xuân 2024-2025, đưa ra giải pháp phòng ngừa một số dịch hại quan trọng; Cục Thủy lợi báo cáo đánh giá tình hình nguồn nước và giải pháp thủy lợi phục vụ sản xuất và chuyển đổi cây trồng năm 2024, dự báo tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, nguồn nước cung cấp cho sản xuất vụ Đông Xuân 2024-2025 Vùng ĐBSCL.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm thông tin những kết quả mà tỉnh Long An đạt được trong thời gian qua và những giải pháp trong thời gian tới.
Theo đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thống nhất từ nhận thức đến hành động, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; ứng dụng khoa học và công nghệ để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua giá trị gia tăng của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản có tiềm năng, lợi thế.
Phát huy hiệu quả Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm; thực hiện chuyển đổi số trong trồng trọt như ứng dụng phần mềm để quản lý sản xuất trồng trọt từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm minh bạch thông tin sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường;…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Hoàng Trung phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Hoàng Trung đánh giá cao những kết quả sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh Vùng ĐBSCL thời gian qua.
Ông đề nghị, các địa phương và các đơn vị liên quan phải phối hợp điều chỉnh cơ cấu khung thời vụ sản xuất lúa sát tình hình biến đổi thời tiết; đồng thời, phối hợp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón để bảo vệ quyền lợi người dân.
Các địa phương tăng cường tính dự báo, cảnh báo dịch hại và hướng dẫn nông dân áp dụng triệt để các giải pháp kỹ thuật tiến bộ để tăng năng suất, chất lượng nông sản, đi liền với thực hành nông nghiệp tốt - GAP, xây dựng mã số vùng trồng, hướng đến thị trường xuất khẩu,…Qua đó, góp phần vào tăng trưởng phát triển kinh tế của ngành, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực./.
Thu Thảo - Thái Bạch