Bài 2: “Cú hích” cho nông nghiệp phát triển
Từ các chính sách đầu tư cho “tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn), ngành Nông nghiệp tỉnh từng bước tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững
Mô hình Cánh đồng lớn theo hướng sản xuất liên kết “4 nhà” và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa được các địa phương chú trọng thực hiện
“Bệ đỡ” cho nông nghiệp
Từ khi triển khai, thực hiện NQ số 26-NQ/TW và NQ số 19-NQ/TW, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành nhiều NQ chuyên đề phục vụ yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án được tỉnh xây dựng phù hợp tình hình, điều kiện từng vùng và địa phương.
Theo đó, tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi thu hút nguồn lực phát triển nhanh kinh tế nông thôn, khuyến khích người dân phát triển sản xuất, tiêu biểu như Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; NQ về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An;... Bên cạnh đó, các cấp, các ngành trong tỉnh cũng có những giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) và liên hiệp HTX.
Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hiệp (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) được hỗ trợ xây dựng nhà sơ chế để bảo đảm các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm (Trong ảnh: Hội Nông dân tỉnh khảo sát tại nhà sơ chế của Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hiệp)
Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Rau an toàn Phước Hiệp (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) - Trần Thanh Minh chia sẻ: “HTX được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành để ƯDCNC vào trồng rau như hỗ trợ xây dựng nhà lưới, nhà màng, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, tưới nhỏ giọt,... giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, HTX cũng được hỗ trợ xây dựng nhà sơ chế, kho lạnh,... để bảo đảm các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm”.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cần Giuộc, để tiếp tục duy trì và nhân rộng diện tích sản xuất rau ƯDCNC, thời gian tới, huyện triển khai, thực hiện tốt các chính sách nông nghiệp ƯDCNC của tỉnh để kịp thời hỗ trợ kinh phí cho nông dân; nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả, phối hợp các ngành chức năng đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, HTX trên địa bàn huyện.
Tại huyện Tân Hưng, để thực hiện hiệu quả NQ về “tam nông”, thời gian qua, huyện tập trung thực hiện quy hoạch về nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Hưng - Phạm Thanh Hùng thông tin: Huyện tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tổ chức lại sản xuất. Trong đó, đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và ƯDCNC vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng nông sản. Huyện còn thực hiện mô hình Cánh đồng lớn theo hướng sản xuất liên kết “4 nhà” và ƯDCNC trong sản xuất lúa; đồng thời, quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng kinh tế tập thể trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, huyện cũng quan tâm đầu tư nâng cấp và xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm để phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục duy trì, phát triển diện tích đất sản xuất khoảng 300.000ha với một số cây trồng, vật nuôi chủ lực như lúa, rau, thanh long, chanh, gia cầm, bò, heo, thủy sản,...
Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ các giải pháp nhằm triển khai đạt hiệu quả Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, góp phần từng bước chuẩn hóa vùng nguyên liệu, hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản sạch, an toàn, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thị trường.
Thông tin từ Sở NN&PTNT, đến hết quí I/2024, toàn tỉnh có hơn 50.316ha lúa ƯDCNC, hơn 1.987ha rau ƯDCNC, 2.946ha chanh ƯDCNC, 4.951ha thanh long ƯDCNC, hơn 45ha tôm ƯDCNC,…
Mô hình trồng thanh long ƯDCNC của HTX Long Hội (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) là một trong những mô hình tiêu biểu về ƯDCNC vào sản xuất thanh long của tỉnh. Việc áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất thanh long bước đầu đã làm thay đổi tập quán canh tác của người dân, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Ngành Nông nghiệp tỉnh khảo sát mô hình trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao của Hợp tác xã Long Hội (xã An Lục Long, huyện Châu Thành)
Theo Giám đốc HTX Long Hội - Trương Minh Trung, hiện tại, HTX ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm để giảm công lao động và giá thành, tăng hiệu quả kinh tế so với sản xuất truyền thống. Đồng thời, HTX chuyển đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và có ký kết tiêu thụ với giá ổn định, cao hơn thị trường từ 5.000-7.000 đồng/kg. Toàn HTX có hơn 50ha thanh long với hơn 60 thành viên, trung bình mỗi năm, thành viên HTX thu lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/ha.
Huyện Vĩnh Hưng là một trong những địa phương có nhiều thay đổi tích cực kể từ khi thực hiện NQ về “tam nông”. Thời gian qua, cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện từng bước được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và thị trường. Nông dân trên địa bàn huyện mạnh dạn ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng và giá trị nông sản.
Huyện hình thành vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao quy mô lớn với sản lượng lúa hàng năm đạt hơn 350.000 tấn, đóng góp lớn vào sản lượng lương thực của tỉnh. Đối với những vùng trồng lúa kém hiệu quả, huyện mạnh dạn chuyển đổi sang cây trồng khác như rau màu, cây ăn trái, cây dược liệu,... kết hợp chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Giám đốc HTX Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng) - Bùi Văn Tuấn cho hay: Ngay từ khi được thành lập, HTX đã huy động vốn của thành viên để tập trung đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất như đường nội đồng, trạm bơm điện, cơ giới hóa sản xuất, từ đó giúp thành viên tăng lợi nhuận, chủ động trong sản xuất. Qua đây, tạo tiền đề cho thành viên mạnh dạn ƯDCNC trong canh tác theo tư duy mới, giảm chi phí đầu tư.
Gia đình anh Hà Quang Hà (xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng) hiện canh tác vườn cam sành 7,5ha. Nhìn vườn cam tươi tốt, trĩu quả, ít ai có thể ngờ được rằng trước đây, vườn cam này từng là ruộng lúa năng suất thấp và khu vườn tạp không mang lại hiệu quả kinh tế. Anh Hà bộc bạch: “Nhờ được địa phương tổ chức tập huấn, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để thực hiện mô hình trồng cam sành, kinh tế gia đình tôi ngày càng ổn định”.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung quy hoạch, xây dựng nhiều vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao quy mô lớn phục vụ xuất khẩu; đồng thời, chuyển đổi nhiều diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp giúp tăng năng suất và sản lượng.
“Sau gần 14 năm triển khai, thực hiện NQ số 26-NQ/TW và 2 năm thực hiện NQ số 19-NQ/TW, nông nghiệp tỉnh phát triển với tốc độ cao và ổn định theo hướng sản xuất hàng hóa. Kinh tế nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong việc ổn định nền kinh tế và đời sống ở nông thôn, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh” - bà Đinh Thị Phương Khanh cho biết./.
(còn tiếp)
Bùi Tùng
Bài cuối: Nâng tầm vị thế của nông dân