Tiếng Việt | English

25/06/2023 - 09:29

Đồng hành, sẻ chia cùng người khuyết tật

Trong hành trình vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống, người khuyết tật luôn nhận được sự sẻ chia, đồng hành của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Trung tâm Công tác xã hội tỉnh tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho người bệnh tâm thần nhẹ

“Mái nhà chung” của người bệnh tâm thần

Hiện nay, Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) tỉnh Long An quản lý, chăm sóc trên 420 đối tượng, trong đó, trên 80% là người bệnh tâm thần. Những năm qua, Trung tâm thực sự là “mái nhà chung” của những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống. Bởi, cán bộ, nhân viên Trung tâm chăm sóc các đối tượng bằng tình yêu thương, sự sẻ chia và đồng cảm.

Trung tâm CTXH tỉnh không chỉ thực hiện tốt chức năng chăm sóc, điều trị cho người tâm thần mà còn tạo điều kiện cho người bệnh tâm thần nhẹ học nghề đan giỏ nhựa. Được học nghề, lao động và có thu nhập mở ra cho người mắc bệnh tâm thần những hy vọng về cuộc sống mới với khả năng tự chủ, sẵn sàng tái hòa nhập cộng đồng. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của nhân viên Trung tâm, nhiều bệnh nhân tiếp thu nhanh, có khả năng tự làm ra sản phẩm, trung bình 1 người có thể đan 3 giỏ/ngày, thu nhập vài trăm ngàn đồng/tháng.

Chị Phan Thị Ngọc Lai (nhân viên Trung tâm CTXH tỉnh) cho biết: “Ban ngày, những người bệnh tham gia học nghề, lao động, tối về họ ngủ ngon hơn. Tình trạng bệnh nhân la hét, quậy phá vào ban đêm cũng giảm nhiều. Sau thời gian điều trị, nhiều bệnh nhân thuyên giảm, tinh thần dần cải thiện”.

Đến nay, việc dạy nghề của Trung tâm CTXH tỉnh ổn định hơn, trong đó, có doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu đầu vào và bao tiêu đầu ra. Bà N.T.D. (người bệnh tâm thần nhẹ) bộc bạch: “Được làm việc, lao động, tôi cảm thấy rất vui vì mình có thể tự làm ra tiền”.

Gia đình - điểm tựa của sự thành đạt

Anh Nguyễn Quang Đạt tốt nghiệp văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh

Anh Nguyễn Quang Đạt (phường 3, TP.Tân An) hạn chế về giao tiếp và vận động nhưng đã cố gắng học tập, tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Công nghệ thông tin và có thêm văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh.

Anh Đạt cho biết: “6 tuổi, tôi mới biết đi chập chững. Do tay yếu không cầm viết được, tôi phải học 2 năm lớp 1. Nhiều người khuyên gia đình cho tôi nghỉ nhưng cha mẹ thấy tôi ham học nên quyết tâm cho tôi học đến nơi, đến chốn. Mang trên mình nhiều khiếm khuyết, tôi thường bị bạn bè trêu chọc, không chơi cùng nên đôi lúc tôi cũng buồn. Thế nhưng, chính tình yêu thương, sẻ chia của gia đình đã giúp tôi vượt qua mọi rào cản về tâm lý, quyết tâm theo đuổi ước mơ”.

Biết mình hạn chế về khả năng giao tiếp, vận động, anh Đạt tìm hiểu các ngành nghề khác nhau, nhất quan tâm đến ngành Công nghệ thông tin. Năm 2012, anh thi đậu vào Trường Đại học Công nghệ Thực phẩm TP.HCM, chuyên ngành Công nghệ thông tin.

Sau khi tốt nghiệp đại học, anh tiếp tục học lên thạc sĩ, nhất là mạnh dạn học văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh để chuẩn bị tiếp tục học lên tiến sĩ. Hiện anh Đạt có việc làm ổn định tại Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông).

Cơ thể có khiếm khuyết là điều không ai muốn, thế nhưng trên hành trình vượt qua khó khăn, chinh phục ước mơ, những người khuyết tật luôn nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt từ gia đình, người thân và xã hội./.

Minh Thư

Chia sẻ bài viết