Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa Long An - Huỳnh Thị Hồng thăm bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn
Sẵn sàng giúp đỡ khi bệnh nhân cần
Hoạt động CTXH trong các bệnh viện ngày càng được nhân rộng và khẳng định tầm quan trọng trong việc tạo thêm niềm tin, động lực, cơ hội cho người bệnh vượt qua khó khăn, an tâm điều trị, nhất là những BN có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Anh Nguyễn Hồ Nam, ngụ phường 3, TP.Tân An, bị bệnh dạ dày và gan. Hàng tuần, anh phải vào Bệnh viện Đa khoa Long An mua thuốc về uống. Tuy nhiên, anh không có tiền mua bảo hiểm y tế (BHYT) nên tốn nhiều chi phí. Trước hoàn cảnh này, Phòng CTXH - Bệnh viện Đa khoa Long An hỗ trợ anh Nam tiền mua BHYT và thuốc ngoài danh mục BHYT.
Anh Nam chia sẻ: “Trước đây, tôi là lao động chính trong gia đình. Sau khi bệnh, vợ dẫn con bỏ nhà ra đi, còn lại tôi và cha mẹ già. Không có tiền chữa bệnh, sức khỏe tôi ngày càng xấu. Khi vào phòng cấp cứu, gia đình không có tiền đóng viện phí nên Phòng CTXH đã hỗ trợ tiền và mua BHYT. Tôi rất mang ơn và trân trọng sự giúp đỡ này”.
Thấu hiểu những khó khăn của BN, Phòng CTXH luôn làm tốt vai trò cầu nối giữa mạnh thường quân và BN nghèo bằng những suất cơm, cháo và những hộp sữa dinh dưỡng miễn phí ấm tình người. Chị Ngô Thị Bé Hai (xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng) cho biết: “Mẹ tôi bị bệnh suy thận nằm viện hơn 1 tuần. Hàng ngày, tôi đều xuống nhận cơm từ thiện. Những suất cơm này giúp gia đình tôi vơi bớt khó khăn trong những ngày điều trị tại bệnh viện”.
Được biết, năm 2019, Phòng CTXH - Bệnh viện Đa khoa Long An hỗ trợ miễn viện phí trên 100 triệu đồng cho 21 người; hỗ trợ đột xuất cho BN có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên 172 triệu đồng, 51 BN; tặng 540.000 suất ăn; hỗ trợ tìm người thân cho 6 BN; mai táng 3 BN không có người thân; tư vấn, giải đáp thắc mắc cho trên 870 lượt BN và người nhà BN;... Trưởng phòng CTXH - Huỳnh Thị Hồng chia sẻ: “Không may bị tai nạn, bệnh tật phải nằm viện điều trị đã là nỗi khổ, với những người có hoàn cảnh khó khăn thì càng khó khăn hơn. Với phương châm “làm những gì có lợi nhất cho BN, nhất là BN nghèo”, chúng tôi cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần đồng hành cùng BN và người nhà BN trong suốt quá trình điều trị”.
Luôn tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ
Những người làm CTXH tại các bệnh viện còn sẵn sàng hướng dẫn BN khi gặp khó khăn về thủ tục chuyển viện, BHYT; tư vấn tâm lý,... Bà Lê Thị Đào, ngụ xã Long Định, huyện Cần Đước, cho hay: “Ban đầu, Bệnh viện Tâm thần Long An kêu làm hồ sơ, thủ tục nhập viện cho người nhà, tôi rất lo lắng vì viết chữ không rành, mắt mờ. Đang lo lắng, tôi được giới thiệu gặp Tổ CTXH để được tư vấn, hỗ trợ. Tại đây, tôi chỉ cần ký tên, đóng tiền, những thủ tục khác đều được hỗ trợ”.
Chuyên viên Tâm lý kiêm CTXH, Bệnh viện Tâm thần Long An - Trần Văn Phương bộc bạch: “Hiện nay, xã hội phát triển, áp lực công việc, gia đình khiến nhiều người mắc bệnh trầm cảm, mất ngủ, rối loạn lo âu. Những căn bệnh này phải phối hợp điều trị bằng hóa dược và tâm lý. Với phương châm tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ, tổ CTXH luôn tìm hiểu từng hoàn cảnh gia đình, vấn đề các BN đang gặp bằng liệu pháp hệ thống gia đình, sau đó dùng liệu pháp nhận thức hành vi, giúp BN và người nhà BN hiểu được vấn đề gia đình đang gặp phải, đồng thời giúp BN quay về thực tại. Qua đó, chuyên viên tâm lý sẽ gợi mở hướng giải quyết cho BN và gia đình BN”.
Cách đây 4 năm, chị N.T.H.M (huyện Châu Thành) không thể vượt qua cú sốc mất con, vợ chồng ly hôn, không nghề nghiệp ổn định nên nhiều lần có ý định tự tử nhưng không thành, dẫn đến bệnh trầm cảm. Khi được người thân đưa đến Bệnh viện Tâm thần Long An điều trị, chị M. cảm thấy khó chịu với đội ngũ y, bác sĩ, nhất là sau khi nghe thông báo phải nhập viện. Tuy nhiên, bằng tấm lòng của người thầy thuốc, Tổ CTXH bệnh viện đã tiếp cận, tìm hiểu thông tin để có phương pháp điều trị phù hợp.
Chuyên viên Tâm lý kiêm Công tác xã hội, Bệnh viện Tâm thần Long An - Nguyễn Văn Phương tư vấn, điều trị bằng phương pháp tâm lý cho bệnh nhân tâm thần
Chị M. trải lòng: “Tôi hết bệnh là nhờ Tổ CTXH - Bệnh viện Tâm thần Long An. Tại đây, tôi được nói ra những suy nghĩ, vướng mắc của bản thân đối với gia đình và xã hội. Lúc đó, tôi cảm thấy mình là kẻ vô dụng; gia đình, xã hội ruồng bỏ; sống chỉ làm gánh nặng. Sau khi được tư vấn tâm lý 4 lần, tôi cảm nhận mình còn nhiều người thương yêu, phải sống tốt để lo cho con”.
Nhìn chung, hoạt động CTXH của các bệnh viện tại Long An không chỉ dừng lại ở sự hỗ trợ những BN nghèo mà còn tăng cường kết nối, tháo gỡ khó khăn cho nhiều BN và người nhà BN trong quá trình điều trị. Điều này khẳng định, CTXH tại các bệnh viện là nơi chia sẻ, đồng cảm với BN, góp phần giúp họ an tâm điều trị và tái hòa nhập cộng đồng./.
Minh Thư